PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ đầu ngành về tim mạch. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa XIV, khóa XV. Hiện, ông là giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Với việc phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa, ông đã đưa bệnh viện trở thành một trong những cơ sở y tế tiên phong trong phát triển Telehealth ở Việt Nam.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (NXB Thế giới và Nhã Nam, sẽ được phát hành ngày 11/6), thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội. Sách là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường.
Sách Câu chuyện từ trái tim. Ảnh: Nhã Nam. |
Ngành y, nghị trường từ góc nhìn gần
Cuốn sách chia làm bốn phần, mỗi phần thể hiện suy nghĩ của tác giả về một chủ đề riêng. Ở phần đầu “Bác sĩ cũng chỉ là con người”, tác giả mang tới cái nhìn bình dị về những người khoác blouse trắng.
Bác sĩ vốn được coi là “những vị cứu nhân độ thế”, “ngành y là một ngành cao quý, phải cứu người”, “lương y như từ mẫu”. Các bài viết của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đưa tới thông tin, kể câu chuyện gần gũi.
Ông chia sẻ về con đường trở thành bác sĩ của mình, về một ngày làm việc, chuyện sức khỏe của bác sĩ, kể về điều dưỡng - những người vất vả nhất…
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cũng nhắc tới nỗi buồn ngành y như nạn bạo hành nhân viên y tế, đến nỗi buồn của những thất bại trên bàn cấp cứu: “Trong nghề của chúng tôi, không ai có thể nói trước được 100% các ca phẫu thuật và thủ thuật sẽ thành công”.
Bởi vậy, giây phút đối mặt sự sống, cái chết của bệnh nhân luôn căng thẳng với bác sĩ. Họ phải căng mình, cẩn trọng để đưa ra quyết định chính xác nhất có thể.
Ở phần hai, “Giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu”, là những bài viết đúc rút từ quá trình giảng dạy, công tác trong ngành y của tác giả. Từ thực tiễn ngành y, ông mở rộng vấn đề giáo dục nói chung: “Giấu dốt, ngại tranh luận, phát biểu theo cách gọi của ngành y chúng tôi là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tụt hậu, làm chậm sự phát triển của tự nhiên”.
Ông cũng bàn về tiến bộ của y khoa, các xu hướng y học hiện đại, ứng dụng công nghệ trong điều trị, chăm sóc sức khỏe con người.
Ở phần ba “Đừng ‘yêu’ bệnh viện”, tác giả viết về các vấn đề sức khỏe thiết thực với mỗi người. Đó có thể là đột quỵ tuổi 20, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh và đi điều trị; là nên đi nước ngoài chữa bệnh hay không…
Ông cũng chỉ ra tình trạng lạm dụng chỉ định điều trị trong ngành y; lên án quảng cáo y tế độc hại, quảng cáo về y tế sai sự thật; thẳng thắn về tình trạng “mê tín” tin vào “thần dược” được truyền tai mà chưa kiểm chứng…
Với tư cách một nghị sĩ, tác giả có nhiều bài viết về các vấn đề xã hội trong phần bốn “Những trăn trở của một đại biểu Quốc hội”. Ở bài viết “Vào Quốc hội để làm gì”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu kể việc một bác sĩ tim mạch chỉ muốn tập trung chuyên môn đột ngột dấn thân vào chốn nghị trường.
Theo nội dung cuốn sách, xuất phát từ tâm sự của Bộ trưởng Y tế Myanmar rằng nước này chưa làm được nhiều điều như Việt Nam, khi cấp bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi.
Vị bộ trưởng này nói chữa được một ca bệnh đã khó, thay đổi tư duy làm chính sách để giúp cho hàng triệu trẻ em là điều đáng quý vô ngần. Ông cho rằng nước mình chưa làm được như Việt Nam bởi nhiều năm liền không có nhà chuyên môn y khoa nào lên tiếng trong Quốc hội.
Chia sẻ đó khiến bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu quyết định vận động tranh cử. Ở vị trí này, ông nhận thấy “điều quan trọng nhất ở bất cứ hệ thống nào đó là niềm tin của người dân. Nếu để niềm tin đó mất đi, sự thay đổi sẽ là điều tất yếu. Còn nếu vực dậy được niềm tin, trang sử mới cho đất nước sẽ mở ra tươi đẹp và tốt đẹp hơn”.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu trong một phiên họp Quốc hội. Ảnh: Bá Chiêm. |
Sức nặng của sự thật
GS Ngô Bảo Châu - người bạn chơi thân với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu hơn 40 năm - chứng kiến nhiều chuyện mà bác sĩ Hiếu kể trong sách. Trong lời chia sẻ in ở đầu sách, GS Ngô Bảo Châu viết: “Dù từng lắng nghe nhiều suy nghĩ bạn đã chia sẻ, nhưng đọc cuốn sách này giúp tôi thấy và hiểu rõ hơn con người và nhân sinh quan của anh”.
GS Ngô Bảo Châu lý giải sức nặng trong các bài viết của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Bệnh viện - nơi mà cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như nhân viên y tế luôn phải đối mặt những gì đau đớn nhất của thân phận con người - có rất ít chỗ cho sự giả dối. Những gì tử tế, cũng như những gì xấu xa, luôn hiển hiện lên một cách rõ nhất, chân thực nhất.
"Bác sĩ - người phải thường xuyên ra quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến cái sống, cái chết của bệnh nhân - luôn phải đối mặt sự thật. Có lẽ đấy là lý do mà trong những trang viết của bác sĩ Lân Hiếu, người đọc cảm nhận được sức nặng của sự thật. Chuyển tải sự thật, ít nhất trong phạm vi nhận thức của mình, luôn là thử thách cam go nhất cho người viết”, GS Ngô Bảo Châu viết.