Có mặt từ ngày đầu Covid-19 còn chưa được định danh tới khi dịch bùng phát, bác sĩ Ngô Đức Hùng đã ghi lại những dòng tâm sự trong cuốn sách Để yên cho bác sĩ “hiền” - Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể. Độc giả được kể về những câu chuyện thấm đẫm tình người giữa những ngày đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất.
Áp lực vô hình
Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể được viết theo trình tự thời gian của mùa dịch với bốn phần: Mở đầu, Năm Covid thứ nhất, Tháng ngày bình yên và Năm Covid thứ hai.
Trong đó, phần cuối tập trung nhiều vào quãng thời gian bác sĩ Ngô Đức Hùng tiến vào tâm dịch, khi tình hình dịch diễn biến phức tạp ở Hải Dương.
Cuốn sách có thêm phần minh họa do họa sĩ Thành Phong thực hiện. Những bức tranh toát lên sức sống và tâm tư đằng sau mỗi câu chuyện mà bác sĩ Hùng kể lại.
Như anh tâm sự, sau Tết, mới đi làm được một tuần, anh nhận nhiệm vụ đi chống dịch: “Khi đối mặt kẻ thù vô hình, đặc biệt là dịch bệnh, ai chả e ngại. Có những rủi ro không thể tránh được. Mình từng viết rằng biết đâu đấy có một ngày có ai đó bước chân ra khỏi nhà rồi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Trong suy nghĩ của mình, vinh quang luôn là thứ phù phiếm. Chỉ có sự chia sẻ và thấu hiểu mới là liều thuốc khích lệ mỗi con người”.
Bác sĩ Hùng cho rằng “trong cuộc đời mỗi một người tử tế, điều khiến áy náy và bất an nhất, đôi khi hoảng loạn, là lúc họ biết mình trở thành mối họa cho người khác. Đó là áp lực dù vô hình như thực sự nặng nề, đè lên tâm trí của rất nhiều con người trong bệnh viện dã chiến đang phải cách ly tập trung".
Trên các mạng xã hội, giữa tình hình dịch phức tạp, nhiều hơn một lần sự kỳ thị xảy ra. Dù đôi khi chỉ xuất phát từ sự vô tình, những người nhiễm bệnh bị đem ra mổ xẻ, bới móc đời tư.
Tác giả cuốn sách khẳng định đó là điều tàn nhẫn. Không ai sẵn lòng hợp tác khi bị đối xử như vậy và họ cũng không đáng bị đối xử tệ như thế.
Cuốn sách là tập hợp của những khoảnh khắc đầy tình người trong tâm dịch. Ảnh: Miri. |
Tình cảm ấm áp nơi tâm dịch
Qua lăng kính tích cực, bác sĩ Hùng đứng từ tâm dịch cũng tìm được vài điểm tốt của “con Covid”. Giữa bệnh viện dã chiến, giữa tình hình dịch diễn biến phức tạp, giữa những hoang mang và lo âu, người với người vẫn có những tình cảm ấm áp thường nhật.
Mọi người cùng chung một hoàn cảnh, đối xử tình cảm và ấm áp với nhau, giúp trông nom con cái cho nhau. Con âm tính sớm, được chuyển sang khu khác tránh tái nhiễm từ bố mẹ còn dương tính, luôn được những người ở khu khác sẵn sàng đón nhận và chăm sóc cẩn thận.
Những cảnh ấm áp và “đúng khoảng cách” thật dễ thương được bác sĩ Ngô Đức Hùng ghi lại: "Hàng ngày, người đứng ở khu bên này hỏi vọng sang khu bên kia những câu quen thuộc 'chị âm tính được mấy lần rồi', 'lại tái dương à, lâu thế'...".
Những đứa trẻ trong khu cách ly cũng được quan tâm lo lắng cho sự học. Theo lời kể của tác giả, mỗi sáng, tất cả phụ huynh trong bệnh viện dã chiến đều mở điện thoại hoặc máy tính bảng kê lên cửa sổ, đứng canh đám trẻ học online.
Những đứa trẻ được ở cùng bố mẹ là điều thật may mắn. Chúng được chăm sóc tốt và hơn hết là tiếp tục nhận được hơi ấm tình thương của người ruột thịt, mối liên kết thân thiết này là không thể thay thế được.
Nhiều gia đình tập trung cả tại khu điều trị mỗi sáng gọi nhau dậy học bài, gọi nhau đi xét nghiệm, động viên nhau cố gắng. Giữa tâm dịch khiến bệnh nhân đầy lo âu vẫn luôn tồn tại những điều nhỏ bé ấm áp của tình người.
Bằng những trải nghiệm đáng nhớ ở tâm dịch cùng cái nhìn về cuộc sống đầy tích cực, thương cảm nhưng không hề bi lụy, bác sĩ Ngô Đức Hùng đã thổi vào cuốn sách tinh thần tích cực và tràn đầy hy vọng vào tương lai.
Thông qua cuốn sách, bác sĩ giúp độc giả thêm tin tưởng vào những người đứng ở đầu phòng tuyến chống dịch và hơn hết là cảm nhận được sâu sắc về tình người giữa thời buổi bệnh dịch vẫn phức tạp hơn bao giờ hết.