Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời đại sách điện tử nhưng độc giả vẫn xếp hàng đợi tại thư viện

Trang CBC dẫn lời các thủ thư Canada cho hay chi phí mua sách số tăng và việc hạn chế hoạt động xuất bản gây nên sự thiếu hụt nguồn cung sách cho độc giả.

Mọi độc giả kỳ vọng đọc những cuốn sách điện tử phổ biến tại thư viện công cộng Ottawa, Canada có thể phải đợi đến tận sau kỳ nghỉ lễ.

Cuốn The Women của Kristin Hannah là một trong những cuốn sách phổ biến nhất của thư viện này năm 2024. Tuy nhiên, mặc dù có tới 75 ấn bản điện tử, danh sách chờ của thư viện hiện có khoảng 1.200 người. Với thời gian mượn tối đa là 21 ngày, một người giữ chỗ trong tháng này có thể phải đợi hơn một năm để được mượn bản điện tử của cuốn sách này.

"Rất khó khăn với những cuốn sách quá nổi tiếng", Sarah Macintyre, Giám đốc bộ phận dịch vụ khách hàng của Thư viện công cộng Ottawa (OPL) cho biết. "Khách hàng của chúng tôi phải chờ khá lâu mới được tiếp cận".

Các đầu sách khác trong danh sách tác phẩm phổ biến nhất năm 2024 của thư viện cũng có tình trạng xếp hàng tương tự.

Ví dụ, The Grey Wolf của Louise Penny hiện có khoảng 750 người xếp hàng cho 50 ấn bản điện tử. Tương tự vậy, gần 300 người đang chờ 26 ấn bản số The Anxious Generation của Jonathan Haidt.

Đây là hiện tượng đã tồn tại kể từ khi các ấn bản số lần đầu xuất hiện trong danh mục cho mượn tại thư viện. Tuy nhiên, sự phổ biến của sách điện tử kể từ đại dịch Covid-19 đã kéo theo sự gia tăng đột biến về nhu cầu mượn sách số.

Để ứng phó, cả độc giả và giới thư viện đều đang thích nghi. Tuy nhiên, các thủ thư cho biết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này vẫn không hề được cải thiện: hoạt động xuất bản sách điện tử vẫn chịu nhiều hạn chế.

Nhu cầu hậu đại dịch

Tại Canada, nhà phân phối sách điện tử Overdrive là một cái tên lớn. Số lượng người dùng OPL Overdrive đã tăng vọt trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19 và đã tăng từ 50.548 người vào năm 2019 lên 77.190 người vào năm 2023.

sach dien tu anh 1

Giá mua sách điện tử tăng dần. Ảnh: CBC.

Theo số lượng người dùng, lượt mượn sách điện tử đã tăng từ 887.069 vào năm 2019 lên hơn 1,1 triệu vào năm 2020.

Tùy thuộc vào đầu sách, các thư viện công cộng có thể phải trả gấp hai hoặc ba lần cho một cuốn sách điện tử so với số tiền họ phải trả cho phiên bản in. Trong một số trường hợp, giá sách điện tử có thể cao gấp sáu lần, các thủ thư nói với CBC.

Trên thực tế, đã có nhiều tiếng nói kêu gọi cung cấp sách điện tử giá rẻ cho thư viện. Năm 2014, thành viên hội đồng thành phố Ottawa đã đề xuất chính phủ liên bang Canada điều tra về giá sách điện tử. Vào thời điểm đó, OPL đã chi khoảng 11% ngân sách cho nội dung điện tử.

Đến năm 2023, tỷ lệ đó đã tăng lên khoảng 40%.

Trong khi chi tiêu của thư viện cho sách điện tử đang có xu hướng tăng lên, số lượng ấn bản điện tử các thư viện có đã giảm nhẹ kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2020.

"Danh sách chờ sẽ rất dài, thậm chí có thể mất nhiều năm, tùy thuộc vào số lượng ấn bản điện tử các thư viện công cộng có thể mua được", Mary Chevreau, CEO của Hội đồng Thư viện Đô thị Canada cho biết.

Quyền truy cập bị hạn chế và độc giả phải thích nghi

Ngoài giá cao, Chevreau cho biết năm nhà xuất bản sách đa quốc gia đã "hạn chế" quyền truy cập vào sách điện tử bằng cách bán chúng cho các thư viện trong thời gian giới hạn hoặc hạn chế số lượng phát hành, đôi khi là cả hai.

Năm cái tên lớn, Hachette Book Group, HarperCollins, Macmillan Publishers, Penguin Random House và Simon & Schuster, thường sẽ cấp phép các ấn bản sách điện tử trong 12-24 tháng. Sau khi giấy phép đó hết hạn, các thư viện phải mua lại quyền truy cập.

"Hạn chế đó đặt ra chỉ vì sách điện tử", Chevreau cho biết.

Chevreau cho biết thực tế này hoàn toàn trái ngược với sách giấy, khi các thư viện chỉ mua một lần và lưu hành cho đến khi các bản sao "bị quăn góc".

Bà Macintyre cho biết sách điện tử là một sản phẩm quan trọng đối với các thư viện, vì định dạng này có các tính năng trợ giúp, chẳng hạn chỉnh kích thước phông chữ và độ sáng, đồng thời có cơ chế đọc linh hoạt với độc giả.

Tuy nhiên, chi phí quá cao đang khiến OPL và các thư viện khác suy nghĩ sáng tạo về cách đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

OPL cung cấp chương trình lại cho phép những người có thẻ thư viện Ottawa được truy cập vào các bộ sưu tập sách số của các thư viện khác trong tỉnh. Thư viện này cũng có bộ sưu tập "nhanh" không cho phép giữ sách.

Chevreau cho biết các thư viện công cộng đang tinh chỉnh bộ sưu tập của mình nhiều hơn so với trước đây, bằng cách lựa chọn cẩn thận các đầu sách mà độc giả muốn.

Nhưng theo Chevreau, bất kỳ giải pháp dài hạn nào cũng có thể phải đưa vào luật. Cho đến nay, những nỗ lực đó vẫn chưa mang lại kết quả ở Canada.

"Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc về vấn đề này. Chúng tôi vẫn hy vọng rằng tại một thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ có thể đạt được sự rõ ràng và một số luật pháp bảo vệ khả năng tiếp cận sách số của thư viện", Chevreau cho biết.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Cuốn sách điện tử đắt nhất thế giới có giá hơn 14.000 USD

Cuốn sách điện tử “Enough”, với mức giá đáng kinh ngạc là 14.470 USD, đang thách thức các chuẩn mực thông thường về giá cả của thông tin số, theo Business Insider.

Sách điện tử có giúp bảo vệ môi trường như bạn nghĩ?

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, độc giả cũng ngày càng quan tâm tới sự thân thiện với môi trường của các loại sách.

Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm