Cover |
Ba lô phản lực, loại thiết bị giúp con người bay lơ lửng trên không mà không cần máy bay, lần đầu được công chúng biết tới từ năm 1965 qua bộ phim Thunderball với nhân vật chính là điệp viên trứ danh James Bond.
Trong bộ phim này, siêu điệp viên 007 bị các tay súng truy đuổi trên mái một lâu đài ở Pháp. James Bond sau đó đeo một ba lô phản lực bay lên không trung và trốn thoát.
Chiếc ba lô phản lực trong bộ phim được lấy ý tưởng từ thiết bị có tên Bell Textron, một dạng tên lửa cá nhân, được quân đội Mỹ phát triển trong thập niên 1950.
Dù quân đội Mỹ cuối cùng kết luận Bell Textron quá nguy hiểm để sử dụng trong thực chiến, thiết bị này vẫn tạo ra cơn sốt thông qua bộ phim điệp viên 007.
Sau hơn 50 năm, công nghệ ba lô phản lực đã có những đột phá đáng kể. Thiết bị bay đang được thử nghiệm cho nhiều mục đích sử dụng chuyên dụng như triển khai cứu hộ khẩn cấp hoặc quốc phòng.
Manh nha cơ hội ứng dụng rộng rãi
Tháng trước, một đoạn video được công bố cho thấy phi công của quân đội Anh sử dụng ba lô phản lực để hỗ trợ một nhiệm vụ trên biển. Tàu chiến trong đoạn video được xác định là tàu tuần tra xa bờ HMS Tamar của Hải quân Anh.
Tuy nhiên, tiềm năng ứng dụng phổ thông của công nghệ ba lô phản lực là khía cạnh ít được nhắc tới. Theo các nhà quan sát, có nhiều vấn đề nổi cộm, từ an toàn bay, ô nhiễm môi trường, cho tới các rào cản pháp lý và kiểm soát không lưu.
Phi công của Hải quân Anh sử dụng thiết bị ba lô phản lực trong một nhiệm vụ hồi tháng 6. Ảnh: Indepedent. |
Hiện nay, hai công ty, một ở Mỹ, một ở Anh, cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng trả tiền để được trải nghiệm ba lô phản lực. Tuy nhiên, người sử dụng thiết bị vẫn được gắn dây vào một khung kim loại chắc chắn, tránh trường hợp những người này bay mất kiểm soát dẫn tới tai nạn.
Ba lô phản lực liệu có được sử dụng phổ biến, và khả năng dây an toàn được loại bỏ, đó là những câu hỏi chưa có lời giải.
"Tôi nghĩ công nghệ này đầu tiên sẽ được sử dụng trong các trường hợp đặc biệt, trước khi có thể ứng dụng rộng rãi hơn", Benjamin Akih, phó giáo sư về kỹ thuật hàng không tại Đại học Syracuse, New York, đánh giá.
Cứu hỏa, nhân viên cứu hộ, y tế, lực lượng thực thi pháp luật là những đối tượng có thể hưởng lợi với việc ứng dụng ba lô phản lực trong những tình huống đặc biệt. Sau đó, ứng dụng trong giải trí hoặc di chuyển cá nhân có thể được tính đến, ông Akih nói.
Phi công của Hải quân Anh sử dụng thiết bị ba lô phản lực trong một nhiệm vụ hồi tháng 6. Ảnh: Indepedent. |
Daniel Levine, chuyên gia về xu hướng làm việc tại công ty tư vấn Avant-Guide Institute, cho biết ít khả năng ba lô phản lực dùng cho giải trí có thể được sản xuất quy mô lớn, ít nhất trong tương lai gần. Tuy nhiên, những chiếc được thiết kế riêng, với cái giá rất đắt đỏ, sẽ phổ biến hơn trong tương lai.
"Tôi nghĩ trong 5 năm tới, những người giàu có thích cảm giác mạnh sẽ thuê ba lô phản lực để giải trí tại những nước không bị vấn đề bảo hiểm cản trở. Dubai là dự đoán của tôi. Một khi công nghệ dễ tiếp cận hơn, các phương tiện bay cá nhân sẽ tìm được chỗ đứng", ông Levine nói.
Công nghệ đắt đỏ
Trong số các công ty danh tiếng trong lĩnh vực ba lô phản lực có Jetpack Aviation, một công ty trụ sở ở Californa thành lập năm 2015. Hiện nay, Jetpack Aviation đã sản xuất một số thiết bị bay phiên bản "JB".
Thiết bị JB10 đã được Cục Quản lý Hàng không Mỹ (FAA) cấp phép. Đây là thiết bị sử dụng động cơ phản lực kép, chạy bằng dầu hỏa hoặc dầu diesel.
Ngoài cơ hội ứng dụng trong quân sự và dịch vụ y tế, JB10 được Jetpack Aviation sử dụng trong các khóa đào tạo cho khách hàng.
Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Jetpack Aviation, ông David Mayman, cho biết công ty hiện quá tải đơn đăng ký khóa đào tạo 2 ngày sử dụng ba lô phản lực.
Ba lô phản lực hiện vẫn là công nghệ đắt đỏ. Ảnh: BBC. |
"Chúng tôi không đủ khả năng cung cấp đủ nhu cầu khách hàng, bởi số người tìm tới quá lớn", ông Mayman cho biết.
Theo ông Mayman, ba lô phản lực của Jetpack Aviation ứng dụng kỹ thuật bay trực quan. Lực đẩy và tốc độ được điều khiển bởi phần bên phải của thiết bị, hướng di chuyển được điều khiển từ bên trái.
Một màn hình máy tính sẽ cung cấp cho phi công thông tin bao gồm mức nhiên liệu, động cơ, nhiệt độ khí xả và tình trạng pin.
"Người bình thường với kích thước cơ thể và sức khỏe trung bình sẽ không gặp vấn đề gì. Chẳng cần phải là một phi công đã được đào tạo để sử dụng thiết bị. Thực tế, khóa đào tạo phi công có thể làm chậm tốc độ học cách sử dụng thiết bị, bởi sẽ phải quên đi một số kiến thức", ông Mayman khẳng định.
Jetpack Aviation tới nay đã đào tạo khoảng 80 người sử dụng ba lô phản lực. Ông Mayman cho biết đã nhận được đề nghị thành lập các cơ sở trải nghiệm tại một số nước như Nhật Bản và Australia.
Dù vậy, khóa đào tạo sử dụng thiết bị bay cá nhân của Jetpack Aviation không hề rẻ. Công ty tính phí 4.950 USD cho khóa đào tạo 2 ngày.
"Đây là một khóa học tốn kém, bởi công nghệ này rất đắt đỏ. Nhưng tôi nghĩ qua thời gian, giá thành sẽ ngày càng dễ chịu hơn nhờ các tiến bộ công nghệ trong tương lai", ông Mayman nói.
Cuộc đua trên ba lô phản lực
Tại Anh, một công ty khác cũng cung cấp dịch vụ trải nghiệm sử dụng ba lô phản lực là Gravity Industries. Đây là hãng cung cấp thiết bị bay được sử dụng trên tàu chiến HMS Tamar của Hải quân Anh hồi tháng 6.
Cả Gravity Industries và Jetpack Aviation cho biết họ sẽ tổ chức cuộc đua sử dụng ba lô phản lực. Các chuyến bay sẽ diễn ra trên mặt nước để bảo đảm an toàn.
Gravity Industries thực tế từng dự định tổ chức một cuộc đua ở Bermuda tháng 3/2020, nhưng kế hoạch này bị hủy bỏ bởi đại dịch Covid-19.
Trong các cuộc đua sắp tới, chỉ những người đã qua đào tạo được phép tham dự, nhà sáng lập Gravity Industries, ông Richard Browning, cho biết.
"Chúng tôi dự định để những cuộc đua này diễn ra tự nhiên nhất có thể, nhưng sẽ cần đào tạo rất nhiều người. Người tham dự thường là những người giàu có, cả nam và nữ. Sau khi họ đã qua đào tạo, tất cả sẽ hội ngộ ở những địa điểm biểu tượng như Monaco, San Francisco", ông Browning nói.
Các cuộc đua bằng ba lô phản lực sắp được tổ chức. Ảnh: BBC. |
Cuộc đua nhiều khả năng chỉ bao gồm các động tác đơn giản, kéo dài trong thời gian vận hành của thiết bị, khoảng từ 5-6 phút.
"Sự kiện có thể diễn ra vài tháng một lần ở những địa điểm khác nhau khắp thế giới. Đó là mô hình chúng tôi hướng tới lúc này", ông Browning cho biết.
Leigh Coates là người phụ nữ đầu tiên bay bằng thiết bị của Jetpack Aviation vào năm 2018. Tới năm 2019, Coates tiếp tục là người phụ nữ đầu tiên sử dụng ba lô phản lực của Gravity Industries để bay mà không cần dây nối an toàn.
"Cảm giác ấy tuyệt vời không gì tả được. Bạn thực sự cảm thấy giống như mình có thể bay như một siêu nhân. Nhưng thiết bị ấy thực sự khó sử dụng, nhất là khi mới bắt đầu", Coates cho biết.