Làn sóng dịch bệnh thứ 3 tiếp tục khiến Thái Lan chao đảo, sau khi ổ dịch từ các công trường xây dựng ở thủ đô Bangkok lan ra hơn 30 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.
Việc nhà chức trách đóng cửa các công trường nhưng không có biện pháp kiểm soát công nhân trở về quê được cho là nguyên nhân, theo Bangkok Post.
Chuyện gì đang xảy ra?
Nhà chức trách Bangkok quyết định đóng cửa tất cả công trường xây dựng, cũng như khu nhà ở của công nhân, ở Bangkok và một số tỉnh lân cận từ ngày 28/6.
Biện pháp này được đưa ra sau cuộc họp của Trung tâm Phản ứng dịch bệnh Covid-19 Thái Lan hôm 26/6, nhằm xử lý triệt để những địa điểm là nguồn gốc các đợt bùng phát dịch bệnh trong vài tuần trước đó.
Thủ đô Bangkok có khoảng 575 khu nhà ở cho công nhân xây dựng. Khoảng 81.000 người hành nghề công nhân xây dựng ở Bangkok. Từ tháng 5, ít nhất 37 ổ dịch Covid-19 đã bùng phát tại các khu nhà ở này.
Ban đầu, nhà chức trách Thái Lan cho biết công nhân xây dựng sẽ bị cách ly tại các khu nhà ở của họ ở Bangkok, cũng như tại 5 tỉnh lân cận.
Thủ tướng Prayuth Chanocha cho biết Bộ Lao động sẽ chu cấp tiền sinh hoạt phí cho những lao động bị ảnh hưởng, cả người Thái cũng như lao động nước ngoài.
Thái Lan đóng cửa các khu công trường xây dựng ở Bangkok từ 28/6. Ảnh: Bangkok Post. |
"Chúng ta sẽ phải chịu sự bất tiện trong khoảng thời gian này", Thủ tướng Prayuth nhấn mạnh.
Dù vậy, hàng trăm công nhân từ Bangkok vẫn không bị ngăn cản trong việc trở về quê ở các tỉnh khắp cả nước.
Phát ngôn viên Apisamai Srirangson của Trung tâm Phản ứng Dịch bệnh Covid-19 Thái Lan ngày 1/7 cho biết 129 người di chuyển từ vùng đô thị Bangkok có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi họ được xét nghiệm ở địa phương.
Bất chấp một số ý kiến kêu gọi phong tỏa hoàn toàn thủ đô, nhà chức trách Thái Lan bác bỏ khả năng này, bởi lo ngại tác động kinh tế mà lệnh phong tỏa có thể mang lại.
Bên cạnh đó, nhà chức trách y tế cũng nghi ngờ nếu thủ đô bị phong tỏa, người lao động sẽ tháo chạy khỏi thành phố, làm lây lan dịch bệnh ra cả nước.
Trước đó, khi Thái Lan đóng cửa trường học Hồi giáo Markaz ở tỉnh Yala, học sinh và giáo viên ở đây trở về quê nhà, khiến dịch bệnh lây lan ra 11 tỉnh ở khu vực miền Nam.
Thủ tướng Prayuth cho biết các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ được xem xét nếu tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu cải thiện trong một tháng tới. Ông Prayuth cũng đề nghị người dân hợp tác bằng cách hạn chế di chuyển.
"Chúng ta phải cân nhắc các biện pháp rất thận trọng, để không làm tình hình dịch bệnh cũng như nền kinh tế xấu đi, trong khi đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng", Thủ tướng Prayuth cho biết.
Cảnh giác cao độ ở các địa phương
Tới nay, người trở về từ khu vực thủ đô Bangkok khiến Covid-19 lây lan ra 32 tỉnh. Phần lớn ca bệnh được phát hiện ở khu vực Đông Bắc, với 84 ca dương tính với virus corona tại 12 tỉnh.
23 ca bệnh được phát hiện tại 9 tỉnh miền Trung, gồm Ang Thong, Samut Songkhram, Suphan Buri, Prachuap Khiri Khan, Chanthaburi, Trat, Sa Kaeo, Prachin Buri và Chon Buri.
Ngoài ra, 20 ca mắc Covid-19 được khi nhận ở 6 tỉnh phía Bắc, gồm Chiang Rai, Chiang Mai, Phayao, Nan, Phichit và Nakhon Sawan.
Tại Phuket, nơi vừa được phép mở cửa đón du khách trở lại, ít nhất 2 ca mắc Covid-19 là công nhân trở về từ Bangkok đã được phát hiện.
"Tình hình này buộc người dân và nhà chức trách các địa phương nâng cao cảnh giác, vì người lao động từ Bangkok và các vùng dịch ở phía nam đang hồi hương", bà Apisamai nói.
Công nhân trở về từ Bangkok khiến dịch bệnh lan ra 32 tỉnh. Ảnh: AFP. |
Nhiều công nhân được cho là đã rời khỏi nơi ở tại Bangkok trước khi lệnh cách ly có hiệu lực.
"Không ai cấm mọi người trở về quê, nhưng mỗi người phải tự có trách nhiệm với người thân của mình, đặc biệt là người già và trẻ em", bà Apisamai nói. "Những người trở về (từ vùng dịch) có thể đã tiếp xúc gần với các ca nhiễm Covid-19. Do đó, họ phải đề cao cảnh giác như thể bản thân đã nhiễm bệnh".
Nhà chức trách Thái Lan yêu cầu những công nhân rời khỏi Bangkok không tham gia tiệc tùng, tránh tiếp xúc quá gần với họ hàng, cũng như không tới thăm những địa điểm công cộng đông người. Những người này có thể mắc Covid-19 nhưng chưa có triệu chứng.
Tình hình dịch bệnh ở Thái Lan được đánh giá là đang trong tình trạng "căng thẳng".
Riêng tại Bangkok, 3.469 ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong ngày 30/6, trên tổng số 5.533 ca của cả nước. Tính từ 1/4, khu vực đại đô thị Bangkok ghi nhận 124.690 ca mắc Covid-19, chiếm hơn 50% số ca bệnh trên cả nước.
Ở thủ đô, các bệnh viện công hiện chỉ còn 23 giường chăm sóc tích cực, trong khi con số này là 108 ở các cơ sở y tế tư nhân.
Tới nay, Thái Lan tiêm chủng vaccine Covid-19 cho khoảng 9,67 triệu người. Trong số này, 6,91 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, tương đương 9,9% dân số. Số người đã được tiêm đủ liều vaccine là 2,76 triệu, tương đương 4% dân số.
Trước đó, chính phủ Thái Lan phải xin lỗi do nảy sinh nhiều vấn đề trong chiến dịch tiêm chủng.
Chính phủ Thái Lan đặt mua 100 triệu liều vaccine Covid-19, với kế hoạch tiêm chủng cho 50 triệu dân, tương đương 70% dân số, trong năm nay. Thủ tướng Prayuth cho biết mục tiêu của Thái Lan là mua đủ vaccine để nâng tỷ lệ tiêm chủng lên 80-90%.