Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngoại trưởng Đức đưa ông Blinken tới vườn bia ăn mừng quan hệ với Mỹ

Chuyến thăm hai ngày tới Berlin của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mang lại niềm vui cho nước Đức sau 4 năm hứng chịu thái độ thù địch từ cựu Tổng thống Trump.

Mỗi khi Nhà Trắng đổi chủ, giới lãnh đạo các nước phương Tây thường cố tỏ ra ít để tâm, bởi bất kể ai nắm quyền ở Washington, Mỹ vẫn là đồng minh và đối tác quan trọng nhất của họ. Nhưng lần này thì khác.

Trong hai ngày Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Đức, các lãnh đạo nước chủ nhà không che giấu thái độ hoan hỉ, như thể muốn cho cả thế giới thấy họ nhẹ nhõm như thế nào khi kỷ nguyên Trump chấm dứt, và giờ là lúc làm mới quan hệ Washington - Berlin, theo New York Times.

Quan hệ đặc biệt trở lại

Tối 24/6, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đưa ông Blinken tới một vườn bia sang trọng ở Berlin. Tại đây, ông Maas nhắc lại cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Mỹ.

"Khi cuộc điện đàm sắp kết thúc, tôi không thể kiềm chế mà nói rằng: 'Tony, tôi vẫn sẽ phải làm quen với thực tế là tôi có thể nói chuyện cùng ngoại trưởng Mỹ với một quan điểm nhất quán, bởi điều đó từng rất khác", ông Mass nói.

Ngoại trưởng Mass cho biết ông "rất hạnh phúc vì nước Mỹ đã trở lại đứng cùng phía" với Đức. Và sau khi giải thích thích tác động to lớn từ sự thay đổi ở Washington, ông nâng một cốc bia lên trước mặt.

"Sự thay đổi này cũng vui vẻ hơn", ông Mass nói.

ngoai truong my toi vuon bia anh 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken uống bia cùng Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ảnh: Reuters.

Một ngày trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho thấy bà nhẹ nhõm thế nào bởi người đang ngồi ở Nhà Trắng là Tổng thống Biden.

"Chúng tôi rất mừng là nước Mỹ, theo như Tổng thống Biden, đã quay trở lại sân khấu quốc tế và chủ nghĩa đa phương", bà Merkel nói.

Nhà lãnh đạo nước Đức cho biết bà và Tổng thống Biden đã có thể "nhất trí về một cách tiếp cận chung với các vấn đề toàn cầu". Điều này không xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Trump.

Suốt 4 năm qua, cựu Tổng thống Trump luôn tỏ ra hằn học với Đức, nền kinh tế lớn nhất EU và là đồng minh then chốt của Mỹ trong khối NATO. Ông Trump gọi Đức là đối thủ kinh tế và kẻ ăn bám sống dưới ô bảo hộ hạt nhân của Mỹ.

Sau khi Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, người được ông Trump ủng hộ, từ chức, một thành viên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) của bà Merkel tuyên bố ông Grenell đã hành xử giống như "đại diện của một thế lực thù địch".

Tại Berlin, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố những ngày tăm tối đã qua.

"Công bằng mà nói, trên thế gới này, Mỹ không có đối tác nào, người bạn nào tốt hơn Đức", ông Blinken nói với Ngoại trưởng Maas khi tới thăm Bộ Ngoại giao Đức hôm 23/6.

Những lời tán dương này được nước chủ nhà tiếp nhận với sự mừng rỡ xen lẫn tự hào.

Chuyến thăm Berlin của Ngoại trưởng Blinken diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Biden công du châu Âu, gửi đi thông điệp nước Mỹ quay trở lại vị trí người lãnh đạo truyền thống của liên minh xuyên Đại Tây Dương. Ông Biden không tới Đức, nhưng có hai lần gặp bà Merkel.

Trong tháng 7, Tổng thống Biden sẽ tiếp đón nhà lãnh đạo Đức tại Nhà Trắng.

"Chính phủ mới của Mỹ đã chìa ra một bàn tay, và chúng ta cần nắm lấy", Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier phát biểu trước khi ông này lên đường tới Washington hôm 23/6.

Mỹ ngậm bồ hòn làm ngọt?

Trước công chúng, quan hệ giữa Washington và Berlin dường như đã trở lại trạng thái tốt đẹp hoàn hảo. Nhưng phía sau hậu trường, không phải mọi chuyện đều yên ổn.

Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken có chung lập trường phản đối việc hoàn thành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga tới Đức, cho rằng dự án này sẽ trao thêm công cụ cho Moscow để áp chế châu Âu về vấn đề năng lượng, đồng thời gây sức ép lên Ukraine.

Đường ống dẫn khí đốt hiện nay đi qua Ukraine, giúp Kyiv thu về khoảng một tỷ USD mỗi năm. Nếu Nord Stream 2 hoàn thành, đường ống hiện chạy qua Ukraine có nguy cơ dừng hoạt động.

Tháng trước, Tổng thống Biden hủy bỏ lệnh trừng phạt đối với công ty Nga xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 cũng như lãnh đạo quốc tịch Đức của công ty này. Đây là động thái cho thấy đối với Washington, thà chịu thiệt vì Nord Stream 2 còn hơn làm tổn hại quan hệ với Berlin.

Nhiệm vụ với Mỹ và Đức lúc này là tìm ra cách giảm thiểu nguy cơ Nga tận dụng dự án Nord Stream 2 để gia tăng vị thế chính trị, bảo đảm Điện Kremlin không thể dùng khí đốt làm "vũ khí cưỡng ép Ukraine hay bất cứ quốc gia nào khác", Ngoại trưởng Blinken nói trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện tháng trước.

ngoai truong my toi vuon bia anh 2

Mỹ không hài lòng với dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Ảnh: New York Times.

Trong những ngay qua, cả hai ông Blinken và Maas đều không công khai tiết lộ vấn đề trên đã đi tới đâu.

"Dường như chúng tôi có thể cứu cả thể giới, nhưng người ta vẫn hỏi về Nord Stream 2. Chà, có lẽ đó là thực tế chúng ta phải chấp nhận và chung sống", Ngoại trưởng Maas nói.

Trong hội nghị về tương lai của Libya tổ chức hôm 23/6 có sự tham dự của Ngoại trưởng Blinken và một số cấp dưới, giới chức Đức hoan nghênh sự trở lại của Mỹ với vấn đề Libya.

Khi hội nghị này lần đầu được tổ chức tháng 1/2020, Mỹ chỉ tham dự cho có. Người tiền nhiệm của ông Blinken, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, xuất hiện trong chốc lát tại hội nghị, và rời Đức khi sự kiện còn chưa kết thúc.

Ngoại trưởng Maas cho biết chính quyền Tổng thống Biden "tham gia rất sâu vào hồ sơ Libya", và rằng sự tham gia của chính quyền Biden "chủ động hơn nhiều những gì Đức mong đợi trong vài năm qua".

Sáng 24/6, Ngoại trưởng Blinken tới thăm Khu tưởng niệm nạn nhân Do Thái bị sát hại ở châu Âu, để kỷ niệm ngày Mỹ và Đức khởi động đối thoại về vấn đề Holocaust (diệt chủng người Do Thái), nhằm chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và phủ nhận Holocaust đang dâng cao.

"Chúng tôi sẽ giúp bảo đảm các thế hệ hiện nay và tương lai được học về Holocaust, và rút ra bài học từ sự kiện ấy", Ngoại trưởng Blinken cho biết.

Ngày 24/6 của hai ông Blinken và Maas kết thúc trong không khí vui vẻ hơn nhiều, khi hai ông tới một vườn bia ngoài trời ở Berlin, cởi bỏ cà vạt, áo vest, uống bia cùng các thành viên từng tham gia chương trình trao đổi giáo dục Mỹ - Đức.

Ngoại trưởng Blinken cho biết khi sống ở Paris thời niên thiếu, ông từng có chuyến đi tới Hamburg và chơi nhạc trong các quán bar cùng một nhóm nhạc rock "tài năng".

Dưới thời Trump, Ngoại trưởng Maas và cựu Ngoại trưởng Pompeo có mối quan hệ được miêu tả là "lịch sự". Nhưng rõ ràng quan chức ngoại giao Đức có mối quan hệ thân tình đặc biệt với vị ngoại trưởng mới của Mỹ.

"Tôi rất hạnh phúc khi thấy hai vị dường như là những người bạn rất rất tốt. Điều này mang tới cho tôi hy vọng về tương lai quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Đức", một sinh viên luật thuộc chương trình trao đổi giáo dục có mặt trong bữa tối nói với hai vị ngoại trưởng.

Những gì chúng ta đã biết về biến chủng mới 'Delta Cộng'

Việc đột biến K417N xuất hiện trên biến chủng Delta, tạo ra biến chủng Delta Plus (tạm dịch: Delta Cộng), khiến giới khoa học lo ngại sẽ làm tăng khả năng lây lan của virus.

Triều Tiên từ chối mọi liên lạc với chính quyền Tổng thống Biden

Tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi quan chức cấp cao Triều Tiên mỉa mai rằng Washington đang ảo tưởng về quan hệ với Bình Nhưỡng.

Taliban chiếm đoạn biên giới quan trọng, quân Afghanistan tháo chạy

Khu vực cửa khẩu chính ở biên giới giữa Afghanistan và Tajikistan đã rơi vào tay lực lượng Taliban sau một tuần giao tranh.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm