Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những gì chúng ta đã biết về biến chủng mới 'Delta Cộng'

Việc đột biến K417N xuất hiện trên biến chủng Delta, tạo ra biến chủng Delta Plus (tạm dịch: Delta Cộng), khiến giới khoa học lo ngại sẽ làm tăng khả năng lây lan của virus.

Nhà chức trách Ấn Độ hôm 23/6 thông báo phát hiện khoảng 40 ca nhiễm biến chủng virus corona mới, tạm gọi là "Delta Plus", mang một đột biến mới dường như khiến chúng lây lan mạnh hơn biến chủng Delta cũ.

Chính quyền trung ương Ấn Độ cảnh báo đây là một biến chủng đáng lo ngại và đã chỉ đạo các tiểu bang tăng cường xét nghiệm để theo dõi biến chủng Delta Plus, theo Reuters.

Biến chủng Delta Plus là gì?

Biến chủng Delta Plus lần đầu được báo cáo bởi Cơ quan Y tế công cộng của Anh hôm 11/6.

Delta Plus là một dòng phụ của biến chủng Delta lần đầu ghi nhận tại Ấn Độ. Biến chủng mới này có một đột biến tại gai protein của virus mang tên K417N. Đột biến này từng xuất hiện trên biến chủng Beta - biến chủng được phát hiện lần đầu ở Nam Phi.

Các nhà khoa học lo ngại đột biến K417N, cùng với những đặc tính vốn có của biến chủng Delta, sẽ khiến biến chủng Delta Plus có khả năng lây lan mạnh hơn cả biến chủng Delta gốc.

"Đột biến K417N rất được quan tâm bởi nó xuất hiện trên biến chủng Beta (dòng biến chủng B.1.351), được ghi nhận làm tăng khả năng vượt qua hệ miễn dịch", Bộ Y tế Ấn Độ cho biết trong một thông báo.

bien chung delta plus anh 1

Biến chủng Delta Plus mang đột biến K417N đáng lo ngại từng xuất hiện trên biên chủng Beta. Ảnh: Reuters.

Đột biến K417N là một trong những đặc tính đáng sợ nhất của biến chủng Beta. Nó được cho là nguyên nhân giúp biến chủng này chống lại các kháng thể trung hòa - một bộ phận tối quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể chống lại virus xâm nhập.

Bởi vậy, việc biến chủng Delta Plus sở hữu đột biến K417N đồng nghĩa các loại vaccine và thuốc điều trị bằng kháng thể về lý thuyết sẽ giảm hiệu quả trong đối phó với virus corona. Do đó, nguy cơ nhiễm virus, hay thậm chí tái nhiễm, sẽ tăng lên.

Cho tới ngày 16/6, ít nhất 197 ca mắc biến thể Delta Plus đã được phát hiện tại 11 quốc gia, trong đó nhiều nhất là Mỹ (83 ca), Anh (36 ca), Bồ Đào Nha (22 ca), Thụy Sĩ (18 ca). Tại châu Á, biến chủng Delta đã được ghi nhận ở Ấn Độ, Nhật Bản và Nepal.

Nhà chức trách Ấn Độ cho biết 40 ca nhiễm biến nhiễm biến chủng Delta Plus được tìm thấy tại các bang Maharastra, Kerala và Madhya Pradesh. Mẫu xét nghiệm chứa biến chủng Delta Plus mà nhà chức trách Ấn Độ thu được sớm nhất từ hồi tháng 4.

Bộ Y tế cho biết biến thể Delta Plus có khả năng lây nhiễm cao hơn, liên kết dễ dàng hơn với các tế bào phổi và có khả năng chống lại liệu pháp kháng thể đơn dòng - một biện pháp tiêm truyền tĩnh mạch các kháng thể để trung hòa virus.

Trong khi đó, Anh cho biết 5 mẫu xét nghiệm chứa biến chủng Delta Plus đầu tiên được lấy từ ngày 26/4. Các mẫu này thuộc về những người từng đi qua Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện chưa trường hợp nhiễm biến chủng Delta Plus nào tử vong ở Anh và Ấn Độ.

Có lý do để lo ngại

Các nghiên cứu đang được tiến hành ở Ấn Độ cũng như trên khắp thế giới để thử nghiệm hiệu quả của các loại vaccine hiện nay với biến chủng mới này.

"WHO đang truy vết biến chủng này, một phần trong nỗ lực theo dõi biến chủng Delta, giống như đang theo dõi các biến chủng gây lo ngại khác, những loại có các đột biến bổ sung", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một thông báo.

Theo WHO, biến chủng Delta Plus hiện vẫn chưa lan rộng, mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các mẫu nhiễm biến chủng Delta. Biến chủng Delta và các biến chủng gây lo ngại khác vẫn tiếp tục tạo ra rủi ro y tế cộng đồng cao hơn, bởi chúng đã cho thấy khả năng lây lan mạnh hơn các biến chủng cũ.

Tuy nhiên, Bộ Y tế Ấn Độ cảnh báo các khu vực ở nước này đã tìm thấy biến chủng Delta Plus "cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh", như tập trung giám sát, mở rộng xét nghiệm, truy dấu nhanh người mắc và đặt tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu.

Hiện có những lo ngại biến chủng Delta Plus sẽ tạo ra một làn sóng dịch bệnh mới ở Ấn Độ, điều từng xảy ra hồi tháng 4 với sự xuất hiện của biến chủng Delta.

"Bản thân đột biến có thể không đủ để dẫn tới làn sóng dịch bệnh thứ ba ở Ấn Độ. Điều đó còn phụ thuộc vào hành vi của con người trong ứng phó với dịch bệnh, nhưng biến chủng mới có thể là một trong các nguyên nhân", bà Tarun Bhatnagar, chuyên gia từ Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, cho biết.

bien chung delta plus anh 2

Biến chủng Delta lan rộng làm đảo lộn kế hoạch mở cửa của Anh. Ảnh: Washington Post.

Lúc này, biến chủng Delta đã xâm nhập nhiều "thành trì chống dịch" ở châu Á - Thái Bình Dương như Đài Loan, Australia.

Tại Mỹ, các quan chức y tế ngày 22/6 cho biết số ca bệnh do nhiễm biến chủng Delta chiếm khoảng 20% tổng số bệnh nhân Covid-19 của nước này.

“Biến chủng Delta hiện là mối đe dọa lớn nhất trong nỗ lực chống đại dịch Covid-19 ở Mỹ”, bác sĩ Anthony S. Fauci, cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nói trong cuộc họp ngày 22/6.

Tại Anh, biến chủng Delta đã gần như thay thế biến chủng Alpha (B.1.1.7). Sự xuất hiện của biến chủng Delta đã làm đảo chiều diễn biến dịch bệnh, khiến số ca mắc Covid-19 mỗi ngày vượt ngưỡng 6.000, lần đầu tiên kể từ tháng 3 khi chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh.

Chính quyền Anh ban đầu dự kiến dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch vào ngày 21/6. Nhưng bởi biến chủng Delta lan rộng, Thủ tướng Boris Johnson đã phải hủy bỏ kế hoạch này. Các biện pháp hạn chế sẽ được duy trì ít nhất đến 19/7.

Ấn Độ phát hiện biến chủng mới

Ấn Độ hôm 22/6 tuyên bố quan ngại về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Khoảng 20 ca bệnh ở 3 tiểu bang của nước này được xác định nhiễm biến thể mới.

Toan tính của Mỹ khi liên tục điều tàu sân bay giám sát Trung Quốc

Việc triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là động thái khẳng định hiện diện thường trực của Mỹ ở khu vực, răn đe hành động của Trung Quốc.

Triều Tiên từ chối mọi liên lạc với chính quyền Tổng thống Biden

Tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi quan chức cấp cao Triều Tiên mỉa mai rằng Washington đang ảo tưởng về quan hệ với Bình Nhưỡng.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm