Khi chốt danh sách đăng ký thi đấu trận mở màn vòng loại thứ ba World Cup 2022 gặp Saudi Arabia hôm 3/9, HLV Park Hang-seo và các cộng sự đã đưa ra quyết định ở vị trí thủ môn, sau thời gian cân nhắc giữa hai người gác đền tốt nhất của đội tuyển Việt Nam. Giữa Đặng Văn Lâm và Bùi Tấn Trường, HLV Park chọn thủ môn sinh năm 1986.
Trước Saudi Arabia, Tấn Trường đã không làm chiến lược gia người Hàn Quốc thất vọng. Anh chơi tập trung trong cả 2 hiệp, ra vào hợp lý, phối hợp ăn ý với đồng đội và thực hiện nhiều pha cản phá cú sút của các cầu thủ chủ nhà.
Tấn Trường chơi không hề tệ ở trận đấu với Saudi Arabia tại lượt đi vòng loại thứ ba World Cup 2022. Ảnh: AFC. |
50 phút sau bàn dẫn trước của Nguyễn Quang Hải chứng kiến thế trận phòng ngự hay của tuyển Việt Nam mà ở đó Tấn Trường là mắt xích quan trọng. Anh có tình huống băng ra khẩn trương để thu hẹp góc sút của Fahad Al-Muwallad, giúp Đỗ Duy Mạnh có đủ thời gian để lui về can thiệp kịp thời, cứu bàn thua trông thấy.
Ở pha phá bẫy việt vị thoát xuống khác của Al-Muwallad, Tấn Trường cũng lao ra gây áp lực khiến tiền đạo này bối rối và tự làm hỏng cơ hội ghi bàn. Khi tuyển Saudi Arabia chuyển sang thử vận may bằng những cú sút xa, Tấn Trường khiến nỗ lực này của đội chủ nhà trở nên vô hại.
Tuy nhiên, trước đối thủ có đẳng cấp vượt trội và được thi đấu trên sân nhà, tuyển Việt Nam vẫn nhận 3 bàn thua và chúng đều đến trong hiệp hai. 2 trong số đó là bàn thắng trên chấm phạt đền, bàn còn lại đến từ cú đánh đầu cận thành của cầu thủ đối phương.
Những bàn thua này đều không có lỗi của Tấn Trường, mà thể hiện những sai sót của hệ thống phòng ngự tuyển Việt Nam khi phải chịu quá nhiều sức ép từ đội bóng trên trình. Nếu không có bước ngoặt phạt đền và thẻ đỏ, Tấn Trường cùng các đồng đội có thể làm nên điều kỳ diệu.
Theo thống kê trên InStat, trong 21 cú sút, bao gồm 9 cú sút trúng đích được cầu thủ Saudi Arabia thực hiện trong cả trận, Tấn Trường cản phá thành công và cứu thua 6. Có 15 trong 29 cú phát bóng và chuyền dài của Tấn Trường hướng đến đúng vị trí của đồng đội trên sân.
3 bàn thua của tuyển Việt Nam không làm lu mờ màn trình diễn đáng khen của Tấn Trường trước đối thủ đẳng cấp hơn. Ảnh: Getty. |
“Để hiểu đúng phải nhìn từ tuyển Saudi Arabia. Đây là đội bóng mạnh, vừa dự World Cup 2018, lại hưởng nhiều lợi thế trên sân nhà. Trước dàn cầu thủ vượt trội về thể hình, tốc độ, kỹ thuật như vậy, thì sai sót của chúng ta chỉ đến từ sức ép của họ. Không thể phủ nhận Tấn Trường và hàng thủ Việt Nam đã có một trận đấu rất hay”, chuyên gia Phan Anh Tú nhận định với Zing.
3 trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022 trước Indonesia, Malaysia, UAE và màn trình diễn trước Saudi Arabia ở vòng loại thứ ba giúp Tấn Trường ngày càng được tin tưởng trên con đường khẳng định vị thế ở đội tuyển.
So với Văn Lâm, Tấn Trường rõ ràng đang chiếm ưu thế. Anh thi đấu ổn định trong nước, góp mặt trong 2 đợt tập trung gần nhất của đội tuyển, được các HLV đánh giá khả năng rõ hơn so với người đàn em đang chơi bóng ở Nhật Bản. Với Văn Lâm, lần gần nhất anh bắt chính cho tuyển Việt Nam đã diễn ra cách đây gần 2 năm.
Ngoài việc ít được ra sân cho Cerezo Osaka, sự cố hy hữu khiến Văn Lâm không thể góp mặt trong 3 trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022 đã tạo cho Tấn Trường cơ hội để thể hiện. Thủ môn sinh năm 1986 đang hưởng lợi thế từ yếu tố khách quan, bên cạnh những nỗ lực không thể phủ nhận.
Tấn Trường đang thăng hoa, nhưng cơ hội cho Văn Lâm chưa hẳn chấm dứt. Theo chuyên gia Phan Anh Tú, hành trình tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 vẫn còn kéo dài, nên cả hai thủ môn buộc phải nỗ lực để duy trì phong độ nhằm cạnh tranh sòng phẳng.
“HLV Park hoàn toàn có thể sử dụng cả 2 thủ môn tốt nhất của mình ở vòng loại này. Văn Lâm và Tấn Trường có những điểm mạnh - yếu khác nhau, nên tùy vào mục đích, ý đồ chiến thuật, HLV Park sẽ chọn thủ môn phù hợp với từng đối thủ, nhưng lợi thế đang nghiêng về Tấn Trường”, chuyên gia Phan Anh Tú nói.