Phân tích
Đội bóng của HLV Park Hang-seo đã chơi với tinh thần Việt Nam, đúng như lời hứa của chiến lược gia người Hàn Quốc trước trận. Bằng sự quyết tâm, lăn xả và vững vàng, các cầu thủ đứng vững trước áp lực trong 2/3 thời gian trận đấu.
Tuy nhiên, để đá sòng phẳng như vậy trước Saudi Arabia, tinh thần thôi là không đủ. Yếu tố tiên quyết giúp tuyển Việt Nam đứng vững là lối chơi giàu tính tổ chức và khoa học đến từ mọi vị trí.
Cự ly của tuyển Việt Nam
HLV Park Hang-seo sử dụng sơ đồ 5-4-1 ở trận gặp Saudi Arabia. Đội bóng Tây Á đã lường trước cách tiếp cận này. Đoạn băng được Liên đoàn Bóng đá Saudi Arabia quay trước trận có chiếu cận cảnh sa bàn của HLV Herve Renard. Chiến lược gia người Pháp dùng các viên nam châm để xếp sơ đồ 5-4-1 cho đội tuyển Việt Nam.
Trên màn hình lớn, HLV Renard chiếu lại trận đấu giữa Việt Nam và UAE ở lượt hạ màn vòng loại thứ hai. Đó là trận đấu tuyển Việt Nam cũng ra sân với công thức 5-4-1 và thua chóng vánh 3 bàn sau chưa đầy 60 phút.
Saudi Arabia kỳ vọng tuyển Việt Nam sụp đổ hệt như trận gặp UAE, nhưng đội đầu tiên phải lo lắng trong trận đấu rạng sáng qua là Saudi Arabia. Nhờ tiến bộ ở cự ly đội hình, tuyển Việt Nam đã chơi rất tốt.
Tuyển Việt Nam dàn đội hình phòng ngự thành hai tuyến theo chiều ngang tương đối rõ ràng, với mục đích “đông đặc” vùng không gian trung lộ, buộc Saudi Arabia đẩy bóng ra biên. |
HLV Park Hang-seo bố trí 2 lớp phòng ngự giăng ngang để kiểm soát đối thủ. Người đứng cao nhất trong khối phòng ngự là Nguyễn Tiến Linh với nhiệm vụ pressing các trung vệ Saudi Arabia, ngăn không cho đối thủ đẩy lên quá cao để tạo thế vượt trội về quân số. Lớp phòng ngự đầu tiên là 4 tiền vệ gồm Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tuấn Anh, Phan Văn Đức và Nguyễn Hoàng Đức. Các tiền vệ thi đấu theo hàng ngang, đứng gần nhau tạo thành tấm lá chắn ở trung lộ. Lớp phòng ngự thứ hai là 5 hậu vệ cũng thi đấu giăng ngang và giữ khoảng cách.
Các tiền vệ di chuyển gần nhau để bọc lót, đồng thời dễ phối hợp khi tổ chức tấn công. |
Mục đích của khối phòng ngự là ngăn Saudi Arabia triển khai bóng theo chiều dọc. Các tiền vệ Việt Nam sẽ chơi một kèm một hoặc đọc tình huống để cắt những đường chuyền hướng đến các tiền vệ trung tâm hoặc tiền đạo Saudi Arabia. Hai lớp phòng ngự co lại gần nhau tạo thành “chiếc lồng”, cô lập các tiền vệ, tiền đạo Saudi Arabia ở trung lộ.
Dồn quân số bảo vệ trung lộ, tuyển Việt Nam buộc Saudi Arabia đẩy bóng ra biên. Khi đối thủ tấn công ở cánh, khối phòng ngự Việt Nam cũng di chuyển theo. Lúc này, hậu vệ cánh, tiền vệ cánh và trung vệ lệch cánh tạo thành các nhóm để ngăn đối thủ rê bóng xâm nhập trong khi các tiền vệ còn lại che chắn tuyến hai để ngăn các đường chuyền ngược trở ra.
Các cầu thủ giữ cự ly đội hình và bọc lót rất tốt ở trận này. Một thống kê đáng chú ý: Tuyển Việt Nam chỉ có 15 tình huống tắc bóng, ít hơn con số 17 của Saudi Arabia. Đó là bởi các học trò của HLV Park Hang-seo không thường xuyên bị đẩy vào thế đối đầu tay đôi, mà biết phối hợp để bắt bài, phá bóng với 23 tình huống giải nguy trong trận.
Không chỉ phòng ngự, cự ly đội hình hợp lý còn giúp tuyển Việt Nam có lợi thế trong tấn công. Ở bàn mở tỷ số của Quang Hải, đội bóng của HLV Park đã tạo ra tình huống đánh biên quen thuộc khiến đối thủ không kịp trở tay. So với trận gặp UAE, tuyển Việt Nam không còn luống cuống khi có bóng mà biết cách giữ bóng, phối hợp để tạo ra nhịp chơi, buộc đối thủ phải lùi về đồng thời tạo thời gian cho hàng thủ tổ chức lại đội hình. Nhịp chơi bóng rất quan trọng, giúp đội bóng áo đỏ không bị cuốn vào thế trận tốc độ của Saudi Arabia.
Ở bàn mở tỷ số, Văn Đức và Văn Thanh phối hợp tốt ở cánh trái. Tiến Linh di chuyển vào vùng cấm để kéo trung vệ Saudi Arabia lùi xuống còn Quang Hải chờ ở tuyến hai. Quân số đông đảo ở tình huống này cho thấy sự tiến bộ trong khâu tấn công của tuyển Việt Nam. |
“Sự tiến bộ lớn nhất của đội tuyển ở trận này là cự ly đội hình. Cự ly giữa các vị trí, các tuyến đã tốt hơn nên khi phòng ngự với đông đảo quân số, các cầu thủ bọc lót cho nhau tốt, khỏa lấp chỗ trống rất kịp thời. Khi tuyển Việt Nam chuyển sang trạng thái tấn công, cự ly giữa các tuyến cũng không xa nhau".
"Do đó, các cầu thủ có thể hỗ trợ, phối hợp nhóm. Các tiền vệ cũng không bị vội vàng trong khâu xử lý mà phối hợp rất chắc chắn, chịu khó ban bật nhóm nhỏ thay vì đẩy bóng dài nên các cự ly bám nhau rất tốt. Nhờ cầm bóng tốt, tuyển Việt Nam làm chủ được nhịp độ trận đấu, xâm nhập vào tận vòng 16,5 m của đối thủ. Đó là điều đáng khích lệ khi phải gặp đối thủ mạnh”, chuyên gia Phan Anh Tú đánh giá.
Những hạn chế
Tuy nhiên, Saudi Arabia không đơn thuần chỉ có cá nhân giỏi. Đội bóng Tây Á là tập thể thực sự mạnh với những cầu thủ thi đấu cạnh nhau trong nhiều năm. 8/23 cầu thủ Saudi Arabia đá trận gặp Việt Nam từng dự World Cup 2018. Dẫn dắt họ là Herve Renard, chiến lược gia cùng Morocco suýt nữa khiến Tây Ban Nha phải chia tay World Cup 2018 từ vòng bảng. Tuyển Việt Nam đưa ra bài toán khó, nhưng Saudi Arabia vẫn có hướng giải.
Ở tình huống dẫn đến cơ hội nguy hiểm nhất của Saudi Arabia trong hiệp một, đội chủ nhà dễ dàng loại bỏ tuyến tiền vệ của tuyển Việt Nam chỉ bằng một đường chuyền. Hoàng Đức (số 14) không chủ động bắt bài ở pha bóng này. |
Tình huống ở phút 28 là một ví dụ. Abdulelah Almalki cầm bóng đối mặt với 2 cầu thủ Việt Nam là Hoàng Đức và Quang Hải. Dù Hoàng Đức biết ý đồ chuyền bóng, nhưng không ngăn được Almalki chuyền cho Salman Al-Faraj. Kết quả là bằng một pha xoay sở, Al-Faraj chọc khe cho Fahad Al-Muwallad băng xuống đối mặt với thủ môn Bùi Tấn Trường. May mắn là Duy Mạnh bọc lót thành công ở pha bóng này.
Để phá vỡ lớp phòng ngự giăng ngang của tuyển Việt Nam, các cầu thủ tấn công của Saudi Arabia cũng di chuyển thành hàng ngang ở khoảng trống giữa tuyến tiền vệ và hậu vệ. Nếu đối thủ đưa bóng vượt qua được tuyến tiền vệ, hàng thủ tuyển Việt Nam sẽ gặp nguy hiểm khi phải đối đầu trực diện với các tiền đạo Saudi Arabia.
Khi Al-Faraj cầm bóng, 2 hậu vệ Việt Nam cùng lao lên áp sát, bỏ lại khoảng trống sau lưng cho Al-Dawsari băng xuống. Hàng thủ Việt Nam kín kẽ nhưng cầu thủ Saudi Arabia cũng rất kỹ thuật. |
Ở pha bóng dẫn đến thẻ đỏ của Duy Mạnh, Văn Thanh đã để lọt đối thủ đang di chuyển ở biên phải. Mohamed Kanno xuyên phá 2 lớp phòng ngự của Việt Nam chỉ bằng một cú vung chân. Trong tình huống này, hàng thủ Việt Nam rơi vào thế 3 đánh 4. Văn Thanh (vòng tròn vàng) bối rối khi bị kẹp giữa hai cầu thủ Saudi Arabia (vòng tròn xanh) |
Trong hiệp 2, đội bóng của HLV Saudi Arabia tập trung nhiều hơn vào những pha bóng xuyên tuyến nhằm loại bỏ lớp phòng ngự thứ hai của Việt Nam. Bàn gỡ hòa của Saudi Arabia cũng xuất phát từ pha bóng như vậy. Mohamed Kanno tung đường chuyền sệt với khoảng cách gần 40m đưa bóng thẳng tới vị trí Sultan Al-Ghannam, giúp Saudi Arabia tạo ra quân số 4 đánh 3. Đây là pha bóng Duy Mạnh lăn xả cản phá rồi để bóng chạm tay dẫn đến thẻ vàng thứ hai.
Trong bàn nâng tỷ số lên 2-1, ban đầu Văn Thanh đang theo kèm Al-Ghannam trong thế 2 đấu 2 ở biên. |
Sau đó một tiền đạo Saudi Arabia chạy vào trong, khiến Văn Thanh (vòng tròn cam) bị hút vào trung lộ. |
Văn Thanh hoàn toàn bỏ quên Al-Ghannam (vòng tròn xanh), để đối thủ thoải mái tạt bóng cho đồng đội ghi bàn. |
Càng về cuối trận, sự suy giảm về thể lực và thiệt thòi về quân số khiến tuyển Việt Nam không còn đáp ứng được hai yếu tố: bắt bài đường chuyền của đối thủ và đứng đúng vị trí phòng ngự. Ở bàn nâng tỷ số lên 2-1, Văn Thanh đã di chuyển lỗi, tạo điều kiện cho Al-Ghannam tạt bóng kiến tạo thành bàn.
Nhìn chung, tuyển Việt Nam đã có đấu pháp đúng đắn để gây khó dễ cho Saudi Arabia nhưng phải thừa nhận: để giữ cự ly đội hình, di chuyển đồng đều trong cả trận là cực khó. Điều này đòi hỏi thể lực cực tốt và sự tập trung của cả 11 cá nhân, vốn rất khó duy trì ở những trận đấu hao tổn thể lực.
Ngoài ra, Saudi Arabia là đội bóng đủ mạnh mà chỉ cần tuyển Việt Nam lơ là một vài khoảnh khắc để tận dụng ghi bàn. Đó là đẳng cấp của một trong những ngọn núi cao nhất châu Á.