Khi bước lên sân khấu WWDC 2008, Sam Altman (lúc ấy 23 tuổi) công bố phát hành ứng dụng định vị bạn bè Loopt trên App Store. "Chúng tôi nghĩ đây là kỷ nguyên mới của thiết bị di động, và rất vui khi trở thành một phần của nó", Altman nói.
Sau 16 năm, Apple và doanh nhân này tái hợp nhưng vị thế khác. Apple cần Altman và ngược lại.
Altman đang điều hành OpenAI, startup nổi bật với các sản phẩm AI tạo sinh. Trong khi đó, Apple đạt thỏa thuận tích hợp ChatGPT lên iPhone. Dù Altman có thể không xuất hiện, thông tin này sẽ là trọng tâm của hội nghị WWDC 2024 diễn ra tuần tới.
Apple không muốn chậm chân
Theo Bloomberg, thỏa thuận giúp OpenAI tiếp cận hàng trăm triệu người dùng thiết bị Apple, bao gồm những người từng do dự khi thử ChatGPT. Trong khi đó, Apple có thể tích hợp công nghệ nổi bật nhất trong kỷ nguyên AI lên các sản phẩm, dịch vụ khác nhau.
Tin đồn cho rằng Apple đang phát triển nhiều tính năng AI, khả năng chạy trực tiếp trên thiết bị và kết nối máy chủ đám mây. Trợ lý Siri cũng có thể cải tiến nhờ AI, nhưng chatbot riêng của Táo khuyết vẫn chưa hoàn thiện.
Dag Kittlaus, đồng sáng lập Siri trước khi bị Apple mua lại, cho rằng quan hệ đối tác với OpenAI có thể diễn ra "ngắn hạn và trung hạn", trong lúc Apple xây dựng công nghệ riêng.
Bài phát biểu khai mạc WWDC 2024 của CEO Tim Cook ngày 10/6 được đánh giá quan trọng. Apple phải thuyết phục người dùng, nhà phát triển và nhà đầu tư tin tưởng khả năng phát triển trong kỷ nguyên AI.
Áp lực với Apple ngày càng lớn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh công ty gặp trì trệ, doanh thu giảm trong 5/6 quý gần đây.
Sam Altman. Ảnh: Bloomberg. |
Thỏa thuận giữa Apple với OpenAI chưa được công bố chính thức, và các điều khoản chưa rõ ràng. Cả 2 công ty từ chối bình luận.
Apple từng đi đầu lĩnh vực chatbot khi phát hành trợ lý Siri năm 2011, trước Amazon Alexa và Google Assistant. Tuy nhiên, công ty dần tụt lùi cả khi ChatGPT chưa ra mắt.
Sự ra đời của ChatGPT tháng 11/2022 thu hút quan tâm từ người dùng lẫn công ty công nghệ. Những đối thủ lớn của Apple đều không muốn chậm chân. Google Gemini đang tìm cách thống trị thị trường, Microsoft dần tích hợp Copilot vào các sản phẩm chủ chốt, trong khi Alexa của Amazon cũng được cải tiến với AI.
Ngược lại, Apple hầu như giữ im lặng. Đến cuối năm ngoái, Cook cho biết công ty sẽ tiếp cận cẩn thận, và chỉ tích hợp AI "trên cơ sở thận trọng".
Gần đây hơn, ông nói rằng Apple có lợi thế trong lĩnh vực AI nhờ "sự kết hợp độc đáo, liền mạch giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ".
Tình thế khó với Apple
Nhân viên tại Apple đang tích cực làm việc để đạt thành quả mong muốn. Trong thời điểm ChatGPT vừa ra mắt, các nhóm nhỏ trong bộ phận kỹ thuật phần mềm và AI đã phát triển đối thủ cạnh tranh, sử dụng bộ khung có tên Ajax.
Phó chủ tịch Kỹ thuật Phần mềm Craig Federighi được cho đã yêu cầu tích hợp càng nhiều tính năng AI càng tốt vào phiên bản iOS và iPadOS mới, có tên nội bộ "Crystal".
Trong khi đó, mảng dịch vụ do Eddy Cue quản lý đã bắt tay phát triển trung tâm dữ liệu mới, phục vụ các tính năng AI cần kết nối đám mây. Một số bộ phận cũng nghiên cứu cách tận dụng AI cho Apple Music và các ứng dụng văn phòng.
Logo Apple trước một cửa hàng tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, Apple tự tin AI "nhà làm" có thể hỗ trợ các tính năng như dịch giọng nói thành văn bản, chỉnh sửa ảnh, tìm kiếm trên Safari và tự động trả lời tin nhắn. Tuy nhiên, công ty thừa nhận OpenAI và Google vượt xa về hiệu quả và tốc độ.
Điều đó đẩy Apple vào tình thế khó khăn. Công nghệ tự phát triển chưa sẵn sàng, và lãnh đạo sợ tổn hại danh tiếng nếu phát hành chatbot kém hiệu quả. Nguồn tin nội bộ cho biết một số người "có ác cảm về mặt triết học" khi dùng chatbot.
Bên ngoài công ty, nhiều người rất mong đợi sản phẩm của Apple. Đó là lý do công ty đàm phán với OpenAI, Google và những dịch vụ chatbot khác để tích hợp lên iOS.
Bằng cách thuê đối tác cung cấp chatbot, Apple có thể tránh xa những vấn đề từ chính công nghệ, bao gồm tình trạng "ảo giác" và thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, đối tác của Apple cũng gặp nhiều biến động khi Altman từng bị sa thải vào năm ngoái, vướng tranh cãi với cáo buộc sử dụng giọng nói giống diễn viên Scarlett Johansson.
Chỉ là giải pháp tạm thời
Dù vẫn đàm phán với Google, trước mắt Apple đã đạt thỏa thuận với OpenAI. Táo khuyết có thể hợp tác nhiều công ty để sử dụng chatbot trong từng trường hợp cụ thể.
Theo nguồn tin nội bộ, lý do Apple chọn hợp tác đầu tiên với OpenAI bởi điều khoản kinh doanh tốt hơn Google. Táo khuyết cũng đánh giá công nghệ của OpenAI đang tốt nhất thị trường.
Bên cạnh đó, việc tích hợp AI của Google lên iPhone có thể gây ấn tượng xấu rằng Apple đã bị đối thủ lớn nhất đánh bại trong lĩnh vực quan trọng.
Tim Cook. Ảnh: Bloomberg. |
Về phía ngược lại, OpenAI có cơ hội tiếp cận lượng lớn người dùng nhờ tích hợp sâu vào một số smartphone và tablet bán chạy nhất thế giới.
Điều này cũng gây lo ngại quyền riêng tư khi OpenAI có khả năng truy cập một số thông tin của người dùng. Tuy nhiên, tin đồn cho rằng những tính năng AI sẽ phát hành dưới dạng dịch vụ tùy chọn.
Bất chấp nhiều lợi ích, thỏa thuận với OpenAI có thể chỉ diễn ra tạm thời. Apple có truyền thống sử dụng công nghệ ngoài trước khi tự phát triển, chẳng hạn như thay thế chip Intel bằng M-series.
Apple cũng có tầm nhìn xa hơn chatbot. Nhiều tin đồn cho biết công ty đang sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn - công nghệ chủ chốt đứng sau AI tạo sinh - cho 2 mẫu robot phát triển bí mật, gồm một cánh tay đặt trên bàn với màn hình lớn và robot giúp việc di động.
Trong ngắn hạn, AI sẽ giúp Siri phát huy hết tiềm năng. Theo Kittlaus, trợ lý thông minh của Apple có thể phát triển đúng theo mong muốn của đồng sáng lập Steve Jobs.
"Không còn bất cứ ràng buộc kỹ thuật để hiện thực hóa tầm nhìn ban đầu của Siri", Kittlaus nhấn mạnh.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn