Khi chiếc máy bay không số hiệu của UAE hạ cánh trên đường băng sân bay thành phố Tel Aviv một đêm tháng 5, mang theo 16 tấn hàng viện trợ y tế dành cho Palestine, lô hàng bị giới lãnh đạo Palestine từ chối, với lý do chưa từng được thông báo về chuyến hàng viện trợ. Đó chỉ là bất ngờ nhỏ, mở đầu cho điều được miêu tả là sự sỉ nhục lớn hơn vài tháng sau đó, theo New York Times.
Nhà chức trách Palestine hôm 13/8 cho biết chưa từng được tham vấn trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo việc Isreal và UAE đạt được thỏa thuận "bình thường hóa đầy đủ quan hệ ngoại giao", đổi lại Israel đình chỉ việc sáp nhập các khu vực bị chiếm đóng ở Bờ Tây.
Các nước vùng Vịnh bắt tay với Israel
Việc Israel dừng việc sáp nhập lãnh thổ ở Bờ Tây được nhiều người Palestines coi là động thái xoa dịu và giảm căng thẳng. Thế nhưng, những người khác lại coi đây không khác gì một cú đâm sau lưng họ từ phía UAE, bởi phá vỡ sự thống nhất của khối Arab trong cuộc xung đột đã kéo dài nhiều thập kỷ với Israel.
Cơn ác mộng bị sáp nhập lãnh thổ của người Palestine nay bị biến thành một cơn ác mộng khác, thậm chí còn có thể tồi tệ hơn, là tiếng nói và lợi ích hoàn toàn bị phớt lờ.
"Thỏa thuận này gây tổn hại trầm trọng cho mục tiêu hòa bình, bởi nó lấy đi một trong những động lực then chốt buộc Israel chấm dứt sự chiếm đóng, đó là khả năng bình thường hóa quan hệ với khối Arab. Văn kiện này không khác gì thông điệp tới Israel rằng họ có thể có hòa bình với một nước Arab, chỉ cần trì hoãn việc cướp đoạt bất hợp pháp đất của người Palestine", Husam Zomlot, trưởng phái đoàn đại diện Palestine tại Anh, cho biết.
Tòa thị chính thành phố Tel Aviv được thắp sáng bằng ánh đèn theo màu cờ của UAE. Ảnh: AP. |
Mối quan hệ được cải thiện giữa Israel và UAE là một trong những thành tựu nổi bật nhất đã đạt được nhờ cách tiếp cận mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi là "hướng tới lợi ích của các quốc gia đối tác".
Cách tiếp cận này đã tỏ ra hiệu quả với các nước Vùng Vịnh, bao gồm Saudi Arabia, Bahrain, Oman, và nay là UAE, khiến các nước âm thầm đạt thỏa thuận với Israel. Israel tác động tới các nước có ảnh hưởng trong khối Arab, sau đó mới tiếp cận chính quyền Palestine.
Thỏa thuận giữa Israel và UAE cũng đảo ngược trật tự về các bước đi ngoại giao được đề ra trong Sáng kiến Hòa bình Arab năm 2002, thông qua bởi Liên đoàn Arab. Sáng kiến này kêu gọi Israel rút khỏi các lãnh thổ chiếm đóng, khôi phục tình trạng biên giới trước cuộc chiến năm 1967, đổi lại, các nước Arab và Hồi giáo trong khu vực cam kết bình thường hóa quan hệ với Israel.
Phát biểu châm biếm những dự đoán trong quá khứ rằng Israel sẽ ngày càng bị cô lập và đối mặt "cơn sóng thần" phản đối ngoại giao nếu không giải quyết cuộc xung đột với Palestine, Thủ tướng Netanyahu ca ngợi điều mà ông gọi là T.T.P - Khủng bố (Terrorism), Công nghệ (Technology), và Hòa bình (Peace).
Thủ tướng Nentayahu cho biết các quốc gia, kể cả những thành viên của khối Arab, coi Israel như một đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, một nguồn hỗ trợ đổi mới công nghệ, và không phải là rào cản để đạt tới hòa bình.
Nói rộng hơn, thỏa thuận giữa Israel và UAE phản ánh những liên minh mới đang hình thành ở Trung Đông giữa những quốc gia cảm thấy bị đe dọa bởi Iran. Vấn đề Palestine giờ đã trở thành thứ yếu trong tính toán của các quốc gia, khiến người Palestine có cảm giác bị cô lập, với việc dừng sáp nhập lãnh thổ chỉ là một con tốt thí trong bàn cờ địa chính trị khu vực.
"Mohammed bin Zayed (thái tử kế vị và đang cai trị UAE trên thực tế) sử dụng chúng tôi như một quân tốt. Không ai tin vào điều đó. Người Palestine không tham gia vào thỏa thuận này", Nour Odeh, nhà phân tích người Palestine, bày tỏ sự tức giận trước thỏa thuận giữa UAE và Israel.
Vị thế ngày càng suy giảm
Thỏa thuận công bố hôm 13/8 là đòn đánh tiếp theo vào Palestine, những người từng bác bỏ kế hoạch hòa bình do Washington bảo trợ, và sau đó tự hạn chế quan hệ của mình với chính quyền Tổng thống Trump.
Chính thể cầm quyền tại Palestine từ lâu đã suy yếu và chia rẽ, giữa một bên là chính quyền do Tổng thống Mamouh Abbas lãnh đạo, với bên kia là phong trào vũ trang Hồi giáo cực đoan Hamas hiện kiểm soát dải Gaza. Cuộc chiến của người Palestine, giờ không chỉ nhằm đối phó với Israel, mà còn là duy trì tiếng nói vốn đã yếu ớt tại khu vực.
Israel và UAE đã âm thầm hợp tác trong nhiều năm về an ninh và thương mại. Các bộ trưởng Israel nhiều lần công khai viếng thăm UAE, chính quyền Do thái từ lâu đã duy trì một văn phòng tại Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế ở thủ đô Abu Dhabi của UAE. Ngoài ra, một giáo đường Do thái, với sự điều hành của giáo sĩ Levi Duchman, được duy trì hoạt động tại Abu Dhabi.
Trong khi đó, quan hệ giữa Palestine và UAE đã lạnh nhạt trong gần một thập kỷ vừa qua. Abu Dhabi đã cung cấp nơi lưu vong cho nhiều cá nhân Palestine chỉ trích Tổng thống Abbas. Trong khi đó, Bộ Tài chính Palestine cho biết đã không nhận được tiền viện trợ từ chính phủ UAE từ năm 2014.
"Họ thậm chí không mời chúng tôi dự lễ quốc khánh", Saeb Erekat, Tổng thư ký ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestines (PLO), cho biết.
Việc UAE chấp nhận bình thường hóa quan hệ chính thức với Israel dường như được kích thích bởi sự mệt mỏi của nước này, cũng như phần còn lại của thế giới Arab, về vấn đề Palestine. Phản ứng yếu ớt của cộng đồng Arab trước các bước đi trước đó của chính quyền Tổng thống Trump, như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cho thấy vấn đề Palestine đã không còn là ưu tiên hàng đầu của khu vực.
Người biểu tình Palestine phản đối việc UAE ký thỏa thuận với Israel tại thành cổ Jerusalem. Ảnh: Reuters. |
Các nhà phân tích Palestine cho rằng thời điểm công bố thỏa thuận được tính toán cẩn thận trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.
"Các nước Vùng Vịnh muốn thấy Tổng thống Trump tái đắc cử. Họ rất hài lòng với chính sách của ông Trump đối với Iran, trái ngược với chính sách của Obama. Vì vậy, họ sẽ làm mọi thứ cần thiết để ông Trump chiến thắng", Ghassan Khatib, chuyên gia chính trị học từ Đại học Birzeit, cho biết.
Hai nước Vùng Vịnh là Oman và Bahrain, cùng với quốc gia Bắc Phi Ai Cập, đã lên tiếng ủng hộ thỏa thuận giữa Israel và UAE. Trong khi đó, nhiều ý kiến dự đoán sẽ sớm có thêm nhiều quốc gia Vùng Vịnh tăng cường quan hệ với Israel.
Trong khi đó, Palestine đã phản đối và gọi thỏa thuận giữa Israel và UAE là "sự phản bội đáng xấu hổ".
"Thỏa thuận này chắc chắn sẽ gây tổn hại cho Palestine, cũng như lợi ích của khối Arab. Nó vi phạm nguyên tắc đồng thuận giữa các quốc gia Arab, rằng không một quốc gia đơn lẻ nào có thể đơn phương ký thỏa thuận hòa bình với Israel", Ashraf Hamoudeh, một thương nhân Pelestine, cho biết.
Trong khi đó, chủ tịch tập đoàn tư vấn Arab World for Research and Development Nader Said lo ngại Israel sẽ tận dụng thời cơ cộng đồng quốc tế quá tập trung vào thỏa thuận với UAE để xây dựng thêm đường xá và các khu định cư ở Bờ Tây. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, bởi Thủ tướng Netanyahu sẽ phải tìm cách xoa dịu phe diều hâu tại Israel đang tức giận bởi kế hoạch sáp nhập không thành.
Nếu có mặt tích cực dành cho người Palestine, đó là việc sáp nhập lãnh thổ vốn bị coi là đặt dấu chấm hết vĩnh viễn cho tương lai của một quốc gia Palestine, hiện đã dừng lại. Điều này mở ra một khả năng cho giải pháp hai nhà nước Palestine - Israel song song tồn tại, công thức giải quyết cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ được cộng đồng quốc tế thừa nhận.