Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thơ Tagore - bài ca sùng kính con người

Với mối nhân duyên định mệnh, bằng trí thức, tâm huyết và khả năng ngôn ngữ, dịch giả Đỗ Khánh Hoan đã giúp bạn đọc cảm thụ trọn vẹn hơn về vẻ đẹp và giá trị nghệ thuật thơ Tagore.

Rabindranath Tagore không chỉ là đại diện văn hóa tiêu biểu của Ấn Độ, ông còn là nhà thơ châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Văn học, là bậc kỳ tài đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ và phong phú.

Rabindranath Tagore sinh ngày 7/5/1861 tại Kolkata, Ấn Độ. Ông được cả thế giới tôn vinh là một trong số ít nhân tài toàn diện của thế giới. Ông là nhà viết kịch, nhà thơ,  nhạc sĩ, tiểu thuyết gia, nhà giáo dục, triết gia và nhà nhân văn học. Ông sáng tác vở kịch opera đầu tiên - Valmiki Pratibha - khi mới 20 tuổi. Ông sáng tác hơn 2.000 bài hát và sáng tạo nên Rabindra-sangeet - một thể loại âm nhạc Bengal quan trọng mang tên ông.

Truyện ngắn và tiểu thuyết của ông giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học Bengal. Và có lẽ ông là nhà thơ duy nhất trên thế giới đã sáng tác quốc ca cho cả hai nước: bài Amar Shonar Bangla cho Bangladesh và Jana Gana Mana cho Ấn Độ.

tho Tagore Do Khanh Hoan dich anh 1
Rabindranath Tagore - thiên tài nghệ thuật của Ấn Độ.

Tagore đem đến cho thi ca Ấn Độ một không khí thiêng liêng mà gần gũi, thân tình; biểu đạt những rung động tinh tế trong tâm hồn trước đất nước, quê hương, thiên nhiên, cuộc sống, con người và tình yêu bằng một giọng điệu nồng nàn, tha thiết. Mặt khác, thơ Tagore cũng chứa đựng những triết lý thâm trầm về vũ trụ, con người, cuộc sống, hạnh phúc và tình yêu.

Điểm nổi bật thấm đẫm chất văn trong tư tưởng của Tagore chính là thái độ đề cao con người. Triết học của Tagore là triết lý nhân sinh, lấy nền tảng là tình yêu thương mãnh liệt đối với con người. Ông phản ánh cuộc sống khốn cùng của những người dân nô lệ với niềm cảm thông sâu sắc, gióng lên tiếng nói đấu tranh đòi tự do và cuộc sống hạnh phúc cho con người. Có thể nói, với Tagore, được sống trên đời thực sự là niềm vui cao quí khi ở đó chứa chan tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.

Rabindranath Tagore là ngôi sao sáng của nền phục hưng Ấn Độ, được coi như mặt trời của Ấn Độ, nhà khai sáng vĩ đại, đỉnh cao của văn hóa nhân loại. Bằng chính cuộc đời và qua sáng tác của mình, ông đã hướng con người tới triết lý hành động, góp phần thức tỉnh trong nhân dân Ấn Độ ý thức tự do dân chủ khi màn khói sương thần bí của tôn giáo bao phủ đất nước này trong suốt mấy nghìn năm. Những vần thơ của R.Tagore đã đưa người dân Ấn Độ chủ động đi tìm cái đẹp, hạnh phúc trong cuộc đời.

tho Tagore Do Khanh Hoan dich anh 2
Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tagore và Einstein diễn ra vào năm 1930.

Ngày 14/7/1930, Albert Einstein tiếp đón tại nhà ông ở ngoại ô Berlin một triết gia, nhà thơ, người từng đoạt giải Nobel, Rabindranath Tagore. Hai người đã có một trong những cuộc trò chuyện trí tuệ và lý thú nhất trong lịch sử.

Khi A.Einstein hỏi: "Ông có tin vào một đấng linh thiêng tồn tại biệt lập khỏi thế giới?" Thi hào đã trả lời: "Tính người vô tận đủ để thấu hiểu cả Vũ trụ. Chẳng có gì nằm ngoài khả năng lĩnh hội của con người, như vậy Chân lý của Vũ trụ cũng là một Chân lý thuộc về con người. Khi vũ trụ hài hòa với Con người, cái vĩnh hằng, ta nhận ra đó là Chân lý, ta cảm thấy đó là cái đẹp. Chân lý vốn được nhận thức bởi con người. Trong mọi trường hợp, nếu có một Chân lý nào đó hoàn toàn không liên quan tới con người, thì đối với chúng ta nó tuyệt đối không tồn tại."

Câu nói của Tagore đặt niềm tin vào tính người, rằng con người hoàn toàn đủ phẩm tính để tiếp cận Chân lý. Và với Tagore, con người có đủ phẩm tính để tiếp cận Chân lý và do đó đủ tư cách để làm chứng cho tính khách quan ấy, ông là nhà thơ của tình yêu và lòng nhân ái.

Suốt cuộc đời, R.Tagore đã cất lên những bài đạo ca để tôn vinh, tỏ lòng sùng kính đối với con người. Những sáng tác của ông luôn xuất phát từ lòng yêu thương con người. Bằng tình yêu con người nồng nàn, ông đã cố gắng hiểu, bày tỏ những quan niệm của mình về con người.

Con người trong sáng tác của R.Tagore không tìm cách chối bỏ cuộc đời, không rời khỏi cuộc sống nhân sinh để tìm đến sự giải thoát, cõi thanh tịnh, cõi vô cùng. Ngược lại, con người chủ động tìm đến với cuộc đời, chủ động thâm nhập vào cõi đời, khao khát được sống mãi trong hiện thực muôn màu muôn vẻ.

Thượng đế đối với nhà thơ không phải là thượng đế xa vời, thân thuộc như ngôi nhà, cũng như đền chùa, sự gần gũi trong các mối quan hệ tình yêu và tình thương và trong các lễ hội, sinh hoạt... Thượng đế có trong chính cuộc đời con người, đồng thời bản thân con người đã là thượng đế.

tho Tagore Do Khanh Hoan dich anh 3
Tập Thơ Tagore do dịch giả Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ vừa được NXB Kim Đồng ra mắt bạn đọc.

Trong niềm ngưỡng vọng, Thượng Đế mang dáng dấp của đấng quyền năng tối cao thần bí xa xôi. Nhưng đối với R.Tagore, thượng đế không ở đâu xa lạ mà là nguồn vui, nguồn an ủi, là tình yêu thương đã mang lại cho con người khát vọng và niềm vui sống:

“Người ở nơi kia, nơi nông dân đang vật lộn cùng đất cứng, nơi công nhân đang xẻ đá làm đường... Người tự buộc mình mãi mãi với chúng ta.

Người là bầu trời và cũng là tổ ấm. Ôi người đẹp vô ngần! Nơi ấy, trong tổ ấm tình yêu của người lấy sắc màu, âm thanh, hương thơm, ấp ủ linh hồn.”

                                                                     (Bài 67 - Lời Dâng)

Trong quan niệm của R.Tagore, con người được sinh ra từ ước mơ, từ trong những hy vọng thương yêu, những vần thơ trang nhã thanh khiết như tỏa ra hương vị quyến rũ của cuộc sống hàng ngày:

“Trẻ thơ gặp nhau trên bờ đại dương thế giới mênh mông. Trên cao bầu trời bao la bất động, phía dưới mặt nước nôn nao không ngừng… Trẻ thơ xây nhà bằng cát, chơi đùa với vỏ sò rỗng không. Lấy lá úa kết thành thuyền, trẻ thơ hớn hở thả  trên mặt nước thăm thẳm, bao la.”

                               (Bài 60 - Lời Dâng)  

Khẳng định tình yêu là thiên tính của con người, thuộc về con người một cách tự nhiên, trong những vần thơ, ông luôn ca ngợi tình yêu tự do, ca ngợi tình yêu của con người, những đòi hỏi vô cùng, vô tận, không ngừng nghỉ của con người trước tình yêu:

“Nàng gần tim tôi như hoa đồng nội cỏ gần đất lành, nàng dịu dàng với tôi như giấc điệp thân thương với tay chân thấm mệt,rã rời. Tình yêu tôi dành cho nàng là cuộc đời tôi sống, tuôn chảy tràn trề như dòng sông mùa thu chảy tuôn phóng túng thảnh thơi. Thơ tôi làm với tình yêu là một, na ná tiếng suối rì rào, nao nao theo sóng vỗ, ngun ngút theo dòng nước chảy trôi.”

         (Bài 4 - Tặng Vật)

Những vần thơ của R.Tagore luôn hướng vào tâm hồn con người, đi sâu vào thế giới nội tâm để khám phá những rung động tinh tế của con người khi yêu với những khát khao hòa hợp: “Có phải trái tim anh đã một mình phiêu du qua bao thời đại qua bao thế giới chỉ để tìm em? Có phải cuối cùng lúc anh tìm được em, niềm khao khát bao năm trong anh đã kiếm yên bình tuyệt đối trong mắt, trên môi, trên suối tóc chảy dài và trong giọng nói dịu dàng của em?” (Bài 32, Tâm Tình Hiến Dâng)             

Vang vọng mãi tiếng thơ ông là khúc hát chảy bỏng của con người khao khát sống. Từ trên tầm cao của thế kỷ hôm nay, nhân loại vẫn nhận được suối nguồn bất tận ngọt ngào từ thơ R.Tagore: “Thơ và Người cho thấy tư tưởng thâm nhập sâu xa, tưởng tượng bay bổng diệu kỳ và rung động lan truyền tha thiết. Sáng tác là khối cảm xúc dạt dào ông chân tình bộc lộ những gì con người hằng mơ ước và khao khát.” (Đôi lời phi lộ - Đỗ Khánh Hoan).

Sự điềm tĩnh là trí tuệ của cảm xúc

Không thô bạo, phá hủy như sự tức giận, điềm tĩnh ẩn chứa sức mạnh. Nó là vũ khí sắc bén nhất để bạn không những bảo vệ được mình mà còn những người liên quan trước chính họ.


Thành Sơn

Bạn có thể quan tâm