Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả hai cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can và Thiện ác và Smart phone đã có buổi chia sẻ về "Sức mạnh của sự điềm tĩnh" với các bạn sinh viên tại trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trong buổi tọa đàm với sinh viên Trường ĐHKHXH&VN. |
Xuyên suốt buổi chia sẻ, Đặng Hoàng Giang luôn khẳng định sự điềm tĩnh có sức mạnh vô cùng to lớn. Nó là chìa khóa vạn năng giúp con người sáng suốt và tỉnh táo trước mọi cơn tức giận của người khác và của chính mình.
Chân dung của sự tức giận
4.500 người nhập viện vì đánh nhau vào Tết nguyên đán 2016, thanh niên bị đánh chết vì không uống rượu mời, nhân viên vệ sinh bị đánh bất tỉnh vì nhắc nhở người dân đổ rác đúng giờ,… Đây là một loạt các dẫn chứng thực tế được Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đưa ra trong buổi tọa đàm cho thấy sự giận dữ có mặt khắp mọi nơi, và nó gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Nhìn vấn đề một cách sâu xa, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho rằng nhiều khi giận dữ là để che đi sự tổn thương, bất lực của bản thân. Giận dữ là tín hiệu thông báo nhu cầu của ta không được đáp ứng. Giận dữ có thể là người đưa tin tốt nhưng là người giải quyết vấn đề tồi. Chẳng phải ông cha ta đã nói “Giận quá thì mất khôn” hay sao?
Một số bạn trẻ trong buổi tọa đàm đã chia sẻ nhiều khi các bạn chịu đựng, nhẫn nhịn nhưng chẳng giải quyết được vấn đề, và chỉ có cách nổi cơn thịnh nộ mới giúp đạt được mục đích. Vậy thì sự điềm tĩnh có phải là chịu đựng, nhẫn nhịn hay không?
Sinh viên Trường ĐHKHXH&NV chia sẻ suy nghĩ cá nhân về sự điềm tĩnh và tức giận. |
Sự điềm tĩnh là gì?
Điềm tĩnh chính là thái cực đối lập của sự giận dữ. Trong cuốn sách Thiện ác và Smart phone, Đặng Hoàng Giang đã chỉ ra rằng, điềm tĩnh phải là một sự kiên quyết, minh mẫn và đanh thép. Chính vì thế nó thuyết phục và mạnh mẽ. Sự điềm tĩnh không thô bạo, hay phá hủy. Nó là vũ khí sắc bén giúp ta bảo vệ mình và bảo vệ người khác trước sự giận dữ của chính họ.
Thiện ác và Smart phone là cuốn sách chính luận bàn về con người, vì con người và cho con người. |
Sự điềm tĩnh tuyệt đối không phải sự kìm nén hay cam chịu. Sự điềm tĩnh cũng không phải việc lẩn tránh xung đột mà là bày tỏ, bảo vệ niềm tin của bản thân mà vẫn tôn trọng nhân phẩm cảm xúc của người kia. Những người điềm tĩnh luôn có thiện chí đi tìm giải pháp cho vấn đề.
Làm thế nào để thoát khỏi nhà tù giận dữ?
Việc đầu tiên để thoát khỏi nhà tù giận dữ đó là phải thừa nhận mình đang bị giam hãm trong đó. Có nhiều người cho rằng mình giận dữ là đúng, hoặc cho rằng bản tính mình là như vậy. Đây là những người không dũng cảm rũ bỏ tấm áo giận dữ để nhìn vào sự tổn thương của bản thân.
Tiếp đó, hãy học cách thể hiện sự bất bình mà không bị mất kiểm soát, hãy nói lên nhu cầu, quan điểm của bản thân thay vì lăng mạ, tấn công người khác. Nếu bạn đang giận dữ, hãy im lặng và đừng làm gì cả.
Nhà triết học nổi tiếng Plato đã từng nói: “Có hai thứ mà người ta không bao giờ tức giận về chúng: cái mà chúng ta có thể thay đổi chúng và cái mà người ta không thay đổi được.” Vậy thì trước một sự việc hay vấn đề nào đó, chúng ta chỉ cần xem xét liệu có thể thay đổi hay không, rồi quyết định cảm xúc của mình về nó.
Có nhiều người cho rằng, giận dữ là cách để thay đổi xã hội, chống lại những bất công, ngang trái. Nhưng không, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang chia sẻ rằng để thay đổi xã hội, chúng ta cần 3 yếu tố: sự dũng cảm, trí tuệ và sự bền bỉ.
Bảo vệ môi trường, chống lại tham nhũng, loại bỏ tệ nạn xã hội… đó đều là những việc thanh niên Việt Nam nên làm để cống hiến sức trẻ cho đất nước. Nhưng trước khi làm những việc lớn lao ấy, cần phải xây dựng nền tảng cho mình, nền tảng đó chính là sự điềm tĩnh - việc chuyển hóa sự giận dữ.