Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lực hút là cách trái đất ôm chúng ta vào lòng

Antoine de Saint - Exupéry không chỉ là nhà văn trữ tình, giàu chất thơ mà ông còn giống như một “nhà tiên tri” khi đưa ra những suy ngẫm về về trái đất, thiên nhiên và con người.

Buổi tọa đàm với chủ đề “Môi trường, tương lai trái đất và con người qua tác phẩm của  Saint - Exupéry” được tổ chức tại Hà Nội với sự góp mặt của nhà nghiên cứu Đặng Thị Thái Hà, sinh viên khoa Văn ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Thị Thùy Linh và đông đảo độc giả ngày 21/11.

Antoine de Saint - Exupery anh 1
Nhiều bạn trẻ có mặt tại buổi tọa đàm để nghe những chia sẻ từ phía các vị khách mời.

Thông qua các tác phẩm như Chuyến thư miền Nam, Hoàng tử bé, Xứ con người, Bay đêm... Saint - Exupéry luôn muốn nhắc nhở chúng ta rằng, trái đất là nhà - một chốn riêng tư, che chở cho con người. Đã đến lúc, chúng ta cần phải có kết nối với thiên nhiên, phải tôn trọng sinh mệnh dù chỉ là một cái cây, ngọn cỏ.

Trái đất là nhà!

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Việt Hà, mạch kết nối trong tất cả các tác phẩm của Saint - Exupéry đó là sự ám ảnh về nơi chốn. Nỗi ám ảnh đó dường như là việc con người ta không thể tìm được nơi nào đó để gắn kết như ngôi nhà của mình.

Antoine de Saint - Exupery anh 2
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Việt Hà (bên trái) chia sẻ những quan điểm cá nhân trong buổi tọa đàm.

Không chỉ là nhà văn, Saint - Exupéry còn là một phi công. Trong mỗi chuyến bay, ông luôn có một nỗi hoài nghi rằng, liệu trái đất có phải là nhà không? Trái đất có phải nơi riêng tư, nơi che chở cho con người và tạo ra sự gắn bó, thân thiết không?

Saint - Exupéry trong tác phẩm Xứ con người đã tìm được câu trả lời cho bản thân mình. Ông cảm nhận được trái đất kia là nhà, một nơi luôn chào đón, ôm ấp mình vào lòng. Sự cảm nhận ấy sâu sắc tới mức, với ông việc được thở, việc được trọng lực tác động như một món quà quý giá mà với mỗi chúng ta, ai cũng cảm thấy đó là một điều tất yếu.

“Tôi đã không gì trói buộc nữa rồi, sắp rơi ngã như một người thợ lặn. Nhưng tuyệt nhiên tôi không rơi ngã, tự phát hiện ra mình từ đáy xuống gót chân dính chặt vào trái đất. Tôi cảm thấy hầu như được an ủi vì giao phó cho đất sức nặng của chân mình. Sức hút đối với tôi trở nên tuyệt diệu như là tình yêu. Toàn thân tôi tì lên hành tinh. Tôi sung sướng về sự cận kề kỳ diệu đó, sự chắc chắn đó, sự an toàn đó.”

Antoine de Saint - Exupery anh 3
Tác phẩm Xứ con người đã đạt Giải thưởng lớn dành cho tiểu thuyết của Viện hàn lâm Pháp.

Khi chúng ta coi trái đất là nhà, chúng ta có thể nhìn thấy biết bao điều tươi đẹp từ những thứ tưởng như vô nghĩa. Sa mạc, nơi khô cằn chẳng có sự sống, nhưng với Saint - Exupéry thì “sa mạc thật đẹp, nó đang giấu một cái giếng ở đâu đó”.

Trái đất cho chúng ta quá nhiều thứ mà chúng ta chẳng bao giờ để ý. Saint - Exupéry dạy cho chúng ta yêu thứ nước ngọt uống vào người. “Nước. Nước ơi mày có có vị gì đâu hương gì đâu sắc gì đâu. Không ai định rõ được mày, người ta thưởng thức mày mà chẳng rõ mày. Mày không phải là cần thiết cho cuộc sống, mày là cuộc sống. Mày đi vào ta bằng một thích thú không thể giải thích được bằng giác quan.”

Sự tôn trọng sinh mệnh

Một trong những thông điệp mà Saint - Exupéry tha thiết muốn gửi gắm vào các tác phẩm của mình là sự quý trọng sinh mệnh. Đây là chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Thùy Linh trong buổi Tọa đàm này. Hãy nhìn cách Hoàng tử bé chăm sóc, yêu thương cây hoa hồng của mình chúng ta cũng có thể hiểu được Saint -Exupéry trân quý thiên nhiên, sự sống đến nhường nào.

Trong Xứ con người, Saint - Exupéry “vuốt ve ba cái lá xanh đó như vuốt ve ngọc ngà châu báu. Ba cái lá xanh đó là công viên của tôi.” Saint - Exupéry cho rằng, mọi sinh vật đều cần được nâng niu, dù đó là cây cỏ. Cách ta ứng xử với thiên nhiên, chính là cách chúng ta nuôi dưỡng cảm xúc, vun vén cho những gì đẹp đẽ trong tâm hồn, những thứ tồn tại rất mong manh trong một xã hội hiện đại.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu, một người tham dự sự kiện đã chia sẻ rằng: “Học sinh bây giờ dường như mất chiều kích cảm nhận về thiên nhiên. Chúng chỉ biết chứ không cảm được nó”. Đây thực sự là một vấn nạn đáng báo động với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Điều gì sẽ xảy ra nếu như thế hệ tương lai của đất nước không có rung cảm với hoa lá, với trăng sao?

Thông điệp quan trọng mà sự kiện này muốn lan tỏa đó là hãy yêu trái đất như ngôi nhà của mình, một chốn riêng tư và bình yên. Hãy cảm ơn trái đất vì cho ta khí để thở, nước để uống và cả những quả cam ngọt lành. Khi ta coi trái đất là nhà, tự khắc ta sẽ đối xử với cỏ cây, hoa lá, thiên nhiên như cha như mẹ, như anh em mình.

Antoine de Saint - Exupéry là một nhà văn và phi công Pháp nổi tiếng. Tác phẩm của Saint - Exupéry tập trung vào đề tài phi công hoặc lấy cảm hướng từ chính những chuyến bay của tác giả. Tác phẩm Hoàng tử bé được bình chọn là cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 ở Pháp. Đây cũng là cuốn sách đưa tên tuổi của Saint - Exupéry đến với nhiều độc giả. Ngoài ra, Saint - Exupéry còn có các tác phẩm đã được dịch và phát hành tại Việt Nam như Chuyến thư miền Nam, Xứ con người, Bay đêm.

Khiêu dâm, bạo lực trong những giấc mơ của Nabokov

Một cuốn nhật ký ghi lại hơn 50 giấc mơ của nhà văn người Nga sắp được xuất bản lần đầu.

Vũ Hậu

Bạn có thể quan tâm