Cuộc đời dạy học của thầy giáo Kinh Duy Trịnh gắn liền với công tác biên soạn, giảng dạy ngôn ngữ của dân tộc mình, là tiếng Chăm. Về hưu, thầy vẫn miệt mãi với công việc sưu tầm và dịch các văn bản Chăm cổ, nhằm gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Chăm. Mới đây, thầy cho ra mắt bạn đọc cuốn Truyện cổ Chăm. Trong không khí 20/11, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với thầy quanh chủ đề này.
- Thưa thầy Kinh Duy Trịnh, cơ duyên nào đưa thầy đến với công việc sưu tầm và dịch các văn bản Chăm cổ?
- Tôi là giáo viên được đào tạo trong trường trung cấp sư phạm. Khóa tôi có học thêm môn tiếng Chăm. Mục đích để về dạy trường có học sinh Chăm theo học. Sau đó Ty Giáo dục (nay là Sở Giáo dục & Đào tạo) điều động tôi về công tác tại Ban Biên soạn sách chữ Chăm. Đặc thù của cơ quan này là biên soạn sách cấp tiểu học, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy tiếng Chăm trong các trường tiểu học.
Môn tiếng Chăm còn có dạy thêm phân môn kể chuyện bằng tiếng Chăm, nhằm rèn cho học sinh thêm về kỹ năng nói. Chính vì vậy anh em trong cơ quan phải đi điền dã, sưu tầm các truyện cổ Chăm để đưa vào chương trình giảng dạy.
Từ đó tôi với anh em trong đơn vị đi sưu tầm truyện cổ Chăm. Ngoài ra, gia đình tôi còn có vài chục quyển sách viết tay do ông nội tôi để lại, trong đó có tập dành riêng cho truyện cổ.
- Thầy có thể chia sẻ thêm về những tháng năm dạy học và làm công tác biên soạn sách tiếng Chăm? Cái khó khi tiếp cận các văn bản cổ là gì, thưa thầy?
- Trong thời gian này tôi vẫn thực hiện một cách âm thầm và lặng lẽ là góp nhặt các văn bản cổ bằng cách xin phôtô. Trước đây thì ngồi chép từng bản với ngọn đèn dầu, vì chưa có điện. Có cụ khó tính không cho đem về mà phải ngồi chép tại chỗ, vì các cụ sợ mất, thất lạc, khó tìm.
Thuận lợi trong việc tiếp cận với văn bản thì ít. Nhưng khó khăn khá nhiều. Thứ nhất là chữ viết của các cụ cao niên xưa: có cụ viết chữ rất đẹp rõ nét; có cụ viết tháo, viết nhanh, viết tắt, để lâu quá chữ viết mờ đi đôi chỗ.
Thứ hai là vấn đề giấy. Ngày xưa các cụ dùng giấy tiểu, giấy đại.. gọi là giấy gió. Bảo quản chưa được tốt như bây giờ. Thứ nữa là các từ ngữ Chăm cổ hiện nay ít dùng trong cộng đồng Chăm.
Tôi phải nhờ đến Tự điển Chăm -Việt - Pháp; Chăm - Pháp; Chăm - Việt. Hoặc tìm các cụ cao niên trong làng hay làng khác để hiểu nghĩa của từ mỗi khi gặp phải từ cổ hiện nay ít sử dụng trong cộng đồng Chăm. Cái đặc biệt khó là gặp các phương ngữ vùng này, vùng kia trong văn bản cổ.
Sách Truyện cổ Chăm vừa được ra mắt bạn đọc. |
- Khi tiếp cận các văn bản Chăm cổ, điều ấn tượng nhất với thầy là gì?
- Ngoài các văn bản viết bằng văn xuôi. Điều làm tôi ấn tượng nhất là tục ngữ, thành ngữ, thơ Chăm. Những câu nói bình thường, giản dị giúp cho các thế hệ học tập được ở cổ nhân những kinh nghiệm trong cuộc sống, như về luân lý, đạo đức con người,…
- Thầy đánh giá truyện cổ Chăm có vị trí như thế nào, khi đặt trong cả kho tàng truyện cổ dân gian của người Việt?
- Truyện cổ Chăm mang sắc thái riêng của người Chăm. Những tình tiết rất đời thường trong sinh hoạt cũng như cuộc sống của bà con Chăm.
Truyện cũng nói về lòng tham lam, lòng dũng cảm gan dạ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, đạo đức con người, tình đoàn kết, đức tính thật thà… tránh các thói hư như sự bội bạc, gian dối, lừa lọc, tranh giành.
Mỗi dân tộc có cách răn dạy riêng nhưng tựu trung có cùng mục đích hướng con người đến với cái thiện, cái đẹp. Truyện cổ Chăm góp phần làm phong phú và đa dạng kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam.
Phần minh họa sống động của sách do họa sĩ trẻ Tôn Nữ Thị Bích Trâm thể hiện. |
- Được biết, cuốn "Truyện cổ Chăm", do NXB Kim Đồng ấn hành, là cuốn sách đầu tiên do thầy sưu tầm và dịch được phổ biến rộng rãi, thầy muốn gửi thông điệp gì đến với bạn đọc, đặc biệt là các em thiếu nhi?
- Tôi nghĩ, các em thiếu nhi như tờ giấy trắng. Nếu được khắc vào khối óc thơ ngây và hồn nhiên của các em những mẫu chuyện tốt thì sau này các em sẽ trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội.
Với Truyện cổ Chăm, hy vọng các em không chỉ nhận những bài học tốt đẹp, mà còn bước vào thế giới cổ tích lấp lánh điều kì diệu, nuôi dưỡng trái tim nhân hậu, giàu thương yêu.
- Những gì đã in trong "Truyện cổ Chăm" chắc hẳn chỉ là một phần rất nhỏ so với các văn bản mà thầy đã sưu tầm và dịch? Sau cuốn sách này sẽ còn những tác phẩm khác nữa, phải vậy không, thưa thầy?
- Đúng vậy. Tôi rất vui vì Truyện cổ Chăm ra mắt bạn đọc. Cuốn sách đã được ban biên tập chăm chút, gọt giũa về ngôn từ, câu chữ, tôi rất hài lòng. Vì vậy tôi đã gửi cho NXB tập 2. Hiện nay tôi vẫn đang tập hợp thêm các câu chuyện mới cho những dự định tiếp theo.
Nhà giáo Kinh Duy Trịnh sinh năm 1956. Quê quán: Làng Pa-lay Cha-vét, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Các sách đã biên soạn: Bộ sách giáo khoa 20 quyển, dùng trong giảng dạy bậc tiểu học vùng đồng bào Chăm, do NXB Giáo dục xuất bản năm 2008, 2009, 2010.