Mái trường, tiết học, trang sách, tình thầy trò, cả háo hức hay trăn trở người thầy đầu tiên , giờ lên lớp đầu tiên hay buổi giảng cuối cùng… Với tác giả, còn thêm cả một chân trời kỷ niệm của tuổi thơ trong chiến tranh, nơi sơ tán, xóm làng, trò chơi thôn dã, thiếu thốn nhưng luôn đong đầy sự đùm bọc.
Trong “ Lời đầu” của cuốn sách Tháng ngày ê a, tác giả đã bộc bạch, cảm hứng khi viết, sau rất nhiều lần “chán nản nhận ra mình chả là cái gì để kể về mình” lại bắt đầu từ một status trên FB của một học trò cũ. Chợt nhớ tới tâm sự của một nhà văn: Không thể rút ngắn thời gian ấp ủ, thời gian chín muồi. Nhà văn không thể viết tác phẩm sớm hơn một ngày, chỉ khi đề tài đã thật chín muồi. Không cần vội, cũng không thể vội vàng. Điều đến sẽ đến, một cuốn sách cũng thế.
Cuốn sách là một vùng hồi nhớ chất đầy của Lê Minh Hà, nỗi nhớ trở thành đường biên mong manh của sự níu giữ và dần trôi nhớ người nhớ cảnh cũng là cách để nhớ mình, quá vãng trở thành một phần của đời người, của nội tâm.
Mái trường, tâm tư nghề sư phạm rộng mở, nhiều trăn trở là cảm hứng xuyên suốt của tập sách xâu chuỗi nhiều mẩu chuyện nhỏ, quan trọng hơn kiến thức sách vở, thầy và trò có xung quanh mình đời sống rộng lớn và muôn màu của quê hương đất nước, đầy khó khăn thử thách song cũng chứa chan niềm vui, ước vọng cần phải hòa mình vào để thành người.
Tác phẩm Tháng ngày ê a của Lê Minh Hà. |
Cách tốt nhất để chị nhớ về thời gian cũ, khung cảnh xưa là nỗi nhớ mình, nỗi nhớ cảm xúc của chính mình: “Tôi đã ê a cùng ngày tháng, kể chuyện làm trò rồi làm thầy… Bởi vì thực sự tôi sống với từng giây từng phút”.
Đọc chị, dễ nhận về những chiều kích của nỗi nhớ , những tùy bút đậm hương vị xưa cũ của tác giả là minh chứng. Chợt nghe một tiếng rao, cho chị một chuỗi cảm xúc về ngõ phố, hàng quà ẩm thực, hay hoa trái từng mùa qua vệt nắng hay cái hanh hao giao mùa. Oà về đấy là người thân thương lắng những chộn rộn, bùi ngùi… Cảm xúc dung dị, ý tứ có khi nhẹ bỗng, khiến văn Lê Minh Hà phải đọc nhẩm một mình - như để nghe tiếng mưa bụi.
Tháng ngày ê a, vẫn đấy cái dư vị mà chị nhiều duyên để lại, chuyện năm nảo năm nao, thấy như đang đâu đây, trôi chảy và lắng đọng trong dòng trôi của cuộc sống biết bao đổi thay hôm nay: “Suốt bao nhiêu năm về sau, mỗi mùa nắng hạ tôi đều dừng lại nhòm ngó xem vòm cây đã lớn hơn mình bao nhiêu, để rồi sau một chuyến đi dài hai mươi năm trở lại thấy gốc cây non xưa đã âm thầm thành cội lão, còn mình thì xa non tơ cả rồi. Chỉ có điều, không hiểu sao lồng ngực mình nguyên vẹn trái tim mười sáu tuổi yếu đuối và cố chấp. Ấy là khi vang vọng lại tên của bạn bè xưa”.
Đa cảm và yếu đuối phải chăng là cơn cớ cho Lê Minh Hà hay sống với hồi nhớ? Hồi niệm trong chị không phải là kể lể và giải thoát trong minh bạch mà là một vùng sáng của tri âm, từ những điều tưởng như bé mọn nhất.
Trước sau hồi nhớ của Lê Minh Hà là những lớp sóng của biển nhớ hiền lành, những vui buồn của tuổi cắp sách, đến khi đứng trên bục giảng làm thầy, là những tháng ngày ê a, vui buồn, cười khóc, có khi khốc liệt trăn trở, hơn cả là niềm vui sống nồng nhiệt, nỗi buồn như tiếng thở dài êm ái.
Sống xa xứ sở nhiều năm ròng, Lê Minh Hà tìm đến những trang hồi nhớ - một không gian ấm áp nhất để chị thấy luôn được ở gần .Thiết nghĩ không gì hơn là nhắc lại câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy khi đọc những trang hồi nhớ sôi nổi, nhiều nhớ nhung của chị:
Cũng từ độ ấy xa quê
Hương bồ kết cứ đi về đêm đêm
Cũng từ độ ấy xa em
Môi em thắm cứ tươi nguyên một đời
Có gì lạ quá đi thôi
Khi gần thì mất, xa xôi lại còn
Tình yêu có khi lại bền bỉ ở khoảng lùi cả về không gian và thời gian. Tháng ngày ê a nồng thắm nỗi nhớ thương bình dị ấy, bắt đầu từ tiếng trống trường giục giã. Bởi trước khi người đọc có nhà văn Lê Minh Hà, bạn đọc được biết đến một cô giáo Lê Minh Hà.