Giải thưởng văn chương Cikada của Thụy Điển trao cho nhà thơ Mai Văn Phấn. Đây là lần thứ hai, sau năm 2015 trao cho nhà thơ Ý Nhi, tác giả Việt được tôn vinh ở giải thưởng uy tín của một "cường quốc" văn chương.
Trước giờ nhận giải (vào 18h ngày 1/12), nhà thơ Mai Văn Phấn trao đổi với Zing.vn về các giải thưởng văn chương và sân chơi cho thi ca tại Việt Nam.
Nhà thơ Mai Văn Phấn. |
- Ông có thể chia sẻ cảm xúc khi nhận tin mình đoạt giải thưởng văn học Cikada 2017?
- Tôi vui và bất ngờ. Cũng thật khó hình dung một không gian thơ riêng biệt, thậm chí có phần dị biệt của tôi có thể chạm tới trái tim bạn đọc ở những địa tầng văn hóa, chính trị khác.
- Với ông, giải thưởng Cikada nói riêng, và các giải thưởng văn chương khác đã đạt được nói chung, có ý nghĩa như thế nào? Các giải thưởng văn chương có góp phần thúc đẩy sáng tạo của tác giả?
- Giải thưởng vốn không phải là đích của người sáng tạo. Nên coi nó là một nguồn dư luận. Mà dư luận, như bạn biết đấy, chỉ mang tính tham khảo, không làm thay đổi chí hướng cũng như khuynh hướng của người viết. Tuy nhiên, đó cũng là một nguồn động viên giúp tôi tiếp tục sáng tạo theo con đường đã chọn.
- Ông đánh giá như thế nào về chất lượng các giải thưởng văn học trong nước? Làm thế nào để nâng cao chất lượng những giải thưởng này?
- Văn học chúng ta đang vận động rất nhanh, đa tầng, cả trung tâm và ngoại biên. Mỗi giải thưởng đều có tiêu chí riêng và có phạm vi ảnh hưởng nhất định. Giải thưởng đôi khi không phản ánh đúng chất lượng đích thực của tác phẩm cũng như đời sống văn học. Và cũng không nên đánh giá chất lượng của các giải thưởng.
- Việt Nam vẫn tự hào là đất nước của thi ca, nhưng dường như lại ít sân chơi cho các nhà thơ. Ông nghĩ sao về nhận định đó?
- Tôi nghĩ ngược lại, Việt Nam đang dư thừa sân chơi. Chính tình trạng dư thừa này đã sinh ra sự dễ dãi trong xuất bản, cũng như công bố tác phẩm trên các phương tiện truyền thông.
Nhớ mùa hè năm 2010, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tôi được mời tham dự Festival Thơ ca và Văn học Hàn Quốc - Asean tại Seoul. Phía bạn đài thọ cả tiền đi lại, sinh hoạt phí cho 12 nhà thơ châu Á. Nhưng bạn biết không, mỗi buổi đọc thơ tại các trung tâm Văn hóa hoặc các trường đại học ở Hàn Quốc, số người tham dự không quá 150.
Nhà thơ Ko Hyeong Ryeol, Tổng biên tập Thi Bình (Poem and Comment Magazine), trưởng ban tổ chức Festival nói với chúng tôi rằng, mỗi thành phố chúng tôi chỉ cần chừng ấy người đọc tinh hoa.
Còn chúng ta, ở đâu cũng có thể dễ dàng gặp một không gian thơ với đa tầng diện tích, quy mô, phạm vi. Nhiều sân chơi không có tiêu chí rõ ràng, tổ chức cốt để vui chơi.
Một số cuốn sách của Mai Văn Phấn. |
- Cikada là giải thưởng của một cá nhân người Thụy Điển tôn vinh các nhà thơ Đông Á. Ông nghĩ sao khi Việt Nam chưa có giải thưởng do cá nhân chủ trì?
- Viện Thụy Điển tài trợ giải thưởng này, chứ không phải cá nhân. Giải Cikada được thành lập năm 2004, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry Martinson, nhà thơ Thụy Điển đoạt giải Nobel Văn học năm 1974. Tên của giải thưởng được lấy cảm hứng từ tập thơ “Cikada” (Con ve sầu) xuất bản năm 1953 của Martinson. Giải Cikada được trao cho các nhà thơ Đông Á, nơi "cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống". Giải thưởng Cikada do nhà thơ - tiến sĩ Lars Vargö đề xướng.
- Ông có thể nói đôi lời về nhà thơ - tiến sĩ Lars Vargö?
- Nhà thơ-Tiến sĩ Lars Vargö sinh năm 1947 tại Stockholm, Thụy Điển. Hiện là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Cikada. Ông nhận bằng Tiến sĩ nghiên cứu về Nhật Bản tại đại học Stockholm.
Lars Vargo là nhà ngoại giao kỳ cựu, từng là cựu Đại sứ Thụy Điển tại Nhật Bản (2011-14) và Hàn Quốc (2006-11) và tại một số quốc gia khác. Năm 2001-2005, ông là trưởng ban đối ngoại Quốc hội Thụy Điển. Lars Vargö từng đoạt nhiều giải thưởng văn học uy tín của Thụy Điển, Nhật bản, Hàn Quốc…
- Là một tác giả có thơ được dịch ra 24 thứ ngôn ngữ và được một số giải thưởng thơ nhất định, ông có bí quyết gì để tác phẩm của mình có thể vượt biên lãnh thổ, đến với đông đảo bạn đọc hơn?
- Chất lượng tác phẩm là tiên quyết. Sau đấy cần có bản dịch chuyển tải được tinh thần thơ ca, sát với nguyên tác tiếng Việt trong những ngôn ngữ mạnh như, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha… Một tác phẩm có chất lượng giống như một con chim khỏe mạnh, tự nó có thể bay xa.
- Việc xuất bản thơ hiện nay, nếu không phải tác giả tự bỏ tiền ra in, thì rất khó, các đơn vị làm sách thường kêu thơ khó bán và dè chừng trong việc mua tác quyền để xuất bản thơ. Ông nghĩ sao về thực trạng này?
- Cá nhân tôi không thấy khó. Đã có một vài nhà sách bỏ tiền ra in sách của tôi. Sắp tới có thêm một công ty sách uy tín đầu tư xuất bản một tập thơ tuyển chọn của tôi nữa. Ý kiến của tôi về việc xuất bản thơ hiện nay là, các nhà xuất bản nên xem lại việc cấp giấy phép cho thơ phát hành tràn lan như hiện nay.
Nhà thơ Mai Văn Phấn sinh năm 1955 tại Ninh Bình, hiện sống và sáng tác ở Hải Phòng. Ông đã xuất bản 14 cuốn thơ và một cuốn phê bình - tiểu luận ở Việt Nam. Ông nhận nhiều giải thưởng Văn học trong nước, xuất bản một số tập thơ tiếng Anh và tiếng Pháp. Thơ của Mai Văn Phấn còn có trong nhiều tập thơ quốc tế, được dịch ra 24 ngôn ngữ khác nhau.