Thợ săn lão luyện rừng U Minh
Luc Van Ho kiểm tra bẫy tự chế trong rừng U Minh. Ảnh: NYTimes |
Luc Van Ho, 45 tuổi, theo nghề săn bắt trong rừng U Minh từ khi còn là đứa trẻ. Ông thường rời căn nhà lợp mái bằng tre nứa từ sáng sớm để vào rừng kiểm tra những chiếc bẫy tự chế. Ông Ho men theo những đường mòn nhỏ dẫn vào rừng, uyển chuyển lách qua những bụi rậm như một diễn viên múa. Lớp lá khô ngăn mọi tiếng động phát ra từ đôi chân trần.
Ông Ho dừng lại ở nơi đặt chiếc bẫy làm từ gỗ và dây phanh xe đạp. Nó gần như tàng hình dưới lớp lá ngụy trang. Bẫy trống rỗng và đây không phải điều bất thường. Ông Ho cho biết: “Khu rừng đã thay đổi rất nhiều. Các loài động vật trong rừng ngày càng ít, khiến nhiều thợ săn phải bỏ nghề tìm kế mưu sinh khác”.
Tuy nhiên, không phải mọi chuyến đi săn của Ho đều trắng tay. Hai tuần trước, ông bắt được 9 con rùa hộp Đông Nam Á và rùa ăn ốc Malaysia, 5 con rắn vòi voi, chim và hai con kền kền giống chim ưng Himalaya quý hiếm. Để an toàn, Ho gửi hai con chim quý ở nhà em trai tới khi tìm được cách xử lý chúng.
Ho kể, trong quá khứ, ông thường săn được các loài động vật hoang dã, bao gồm cả tê tê. Chúng là loài thú có vú, vảy sừng rất quý hiếm. Thương lái mua những con tê tê với giá khoảng 130 USD/1 kg, tương đương 2,7 triệu VND. Tuy nhiên, ông chỉ bắt được 2 con tê tê trong năm ngoái. Chúng ngày càng cạn kiệt dù thương lái trả giá rất cao.
Động vật hoang dã bị đe dọa nghiêm trọng
Ông Ho chỉ là một trong hàng nghìn thợ săn ở Việt Nam, quốc gia thuộc nhóm đầu thế giới về đa dạng sinh học. Cá thể tê giác một sừng cuối cùng ở Việt Nam đã bị giết trong khi các nhà bảo tồn cho rằng chỉ một vài cá thể hổ còn sống trong tự nhiên. Ngay cả các loài như rùa mai mềm và cầy hương cũng trở nên khan hiếm vì nguồn lợi từ chúng.
Theo NYTimes, săn bắn động vật hoang dã trái phép mang lại nguồn lợi tương đương 19 tỷ USD mỗi năm. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một điểm nóng. Những kẻ buôn lậu vận chuyển động vật hoang dã qua Việt Nam để vào Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Con chim quý bị nhốt trong nhà sau khi dính bẫy. Ảnh: NYTimes |
Ngoài ra, Việt Nam cũng là thị trường tiêu thụ động vật hoang dã khá mạnh. Chúng được dùng làm thuốc hoặc đặc sản trong các nhà hàng. Tiến sĩ Dan Challender, đồng chủ tịch nhóm bảo vệ tê tê tại Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, cho biết: “Tê tê là món ăn đắt giá nên nhiều người dùng nó để khoe đẳng cấp với bạn bè hoặc đồng nghiệp”.
Quốc Trung, quản lý nhà hàng, cho biết: “Khi khách hàng chọn mua tê tê, nó sẽ được mang tới bàn tiệc và cắt tiết ngay tại chỗ để đảm bảo chúng là hàng thật. Tê tê rất được khách ưa thích vì nó có thể chữa được nhiều bệnh. Sau bữa tối, vẩy tê tê sẽ được gói lại cho khách hàng mang về nhà. Người ta có thể bào chế nó thành nhiều phương thuốc cổ truyền”.
Biện pháp bảo tồn
Tê tê buôn lậu bị bắt giữ. Ảnh: NYTimes |
Nhằm chống lại tình trạng buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, Hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Việt Nam (SVW), tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, đã tổ chức đào tạo trên quy mô toàn quốc cho kiểm lâm và công an song song với chương trình giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao ý thức người dân. Họ cũng thành lập các trung tâm phục hồi chức năng cho động vật hoang dã bị tịch thu.
Nguyen Van Thain, nhà sáng lập SVW, cho biết: “Nhiều động vật hoang dã bị thu giữ không được chăm sóc kịp thời, khiến chúng bị chết sau đó. Trung tâm của SVW giúp cứu chữa những con vật này trước khi thả chúng về môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, chi phí hoạt động ít ỏi khiến quy mô trung tâm cứu trợ động vật của SVW chỉ có thể chăm sóc khoảng 50 con tê tê cùng lúc, một con số khá khiêm tốn”.