Thịt chó là món ăn rất phổ biến ở Việt Nam. Ảnh minh họa: DPA |
Simon Parry, phóng viên tờ Mail Online và đang tác nghiệp ở Việt Nam, viết bài về hoạt động giết chó để chế biến món ăn của những quán, nhà hàng địa phương.
Tôi đã chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng khi cùng với Le Duc Chinh, một nhà bảo vệ động vật, tới làm việc tại một lò mổ chó trên phố Lĩnh Nam, chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 3 km.
Hơn 5.000 người đã cùng góp sức trong một chiến dịch nhằm ngăn chặn nạn nhập lậu chó từ Thái Lan, qua Lào hoặc Campuchia, sang Việt Nam. Hầu hết những con vật đáng thương ấy đều kết thúc cuộc đời khốn khổ của chúng trong các lò mổ và xuất hiện trên bàn nhậu tại các nhà hàng thịt chó ở Hà Nội.
Tuy nhiên, phản ứng lạnh lùng và vô tâm của những tay đồ tể ở Hà Nội chỉ đang chứng minh một sự thật đau lòng rằng: những người buôn thịt chó không chút nào quan tâm tới tội ác mà họ gây ra cho các con vật khốn khổ, cũng như cách thế giới bên ngoài nhìn nhận hành động dã man ấy.
Công nghệ giết chó
Chúng tôi đến cửa hàng thịt chó trên phố Lĩnh Nam vào đầu giờ sáng. Xác của những con chó vừa bị giết treo lủng lẳng trên quầy bán hàng, ngay trước chiếc lồng chứa các sinh vật đồng loại.
"Bọn tôi có gì để nói với mấy người. Đừng đặt câu hỏi nữa, vì tôi sẽ không trả lời đâu", chủ cửa hàng tức giận quát tháo chúng tôi. "Biến đi và đừng chụp ảnh. Các người đang cản trở việc kinh doanh ở đây".
Bởi cả tôi và anh Chinh đều không về, nên ông ta quyết định ra hiệu cho các nhân viên chuẩn bị một cuộc hành hình đáng sợ nhằm chống lại sự tò mò của tôi, người mà trong mắt ông ta là “một tên ngoại quốc tọc mạch”.
Con chó mà ông ta mang ra làm mẫu vật vã giãy giụa trong đau đớn. Nó rên ư ử, hoảng loạn và bất lực. Một nhân viên của cửa hàng xuất hiện, lăm lăm trên tay con dao nhọn và nhanh chóng dùng nó để cắt cổ con vật. Máu của nó chảy lênh láng, tràn tới chỗ tôi đứng.
Chúng tôi theo dõi quá trình đó trong sự im lặng tới ám ảnh. Ông chủ cửa hàng tiếp tục lôi con chó thứ hai, cũng đang chìm trong cơn sợ hãi và đau đớn tột đỉnh, ra khỏi lồng và lặp lại quá trình ấy ngay trước ống kính máy ảnh.
"Tại sao anh lại làm thế trước mặt chúng tôi?", tôi cố gắng hỏi với theo ông ta, nhưng ông ta chỉ im lặng và phẩy tay.
Hoàn toàn bị sốc, chúng tôi vội vã rời khỏi lò mổ. Anh Chinh, điều phối viên của Liên minh Bảo vệ Chó tại Việt Nam, cho biết bản thân vẫn chưa lấy được bình tĩnh dù đã ra khỏi chốn địa ngục đó 15 phút.
Những con chó thường bị giết vào đầu giờ sáng hoặc ngay trước buổi tối, anh nói thêm.
"Tôi chưa bao giờ chứng kiến những con chó bị giết ngay trước mặt mình. Thật quá kinh khủng và đáng sợ", anh nói.
"Những con chó khác trong lồng đều nhận thức được những gì đang xảy ra và rõ ràng rất hoảng loạn. Những người này không có cảm xúc, cũng chẳng có lương tâm khi sẵn sàng giết những con chó theo cách không thể dã man hơn".
"Phần lớn người Việt Nam chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng này. Họ cũng không hề biết những đau đớn mà lũ chó phải chịu đựng. Họ chỉ đến nhà hàng khi những món ăn đã sẵn sàng. Tôi chắc chắn rất nhiều người sẽ ngừng ăn thịt chó nếu phải chứng kiến những gì vừa xảy ra".
"Chúng tôi luôn cố gắng nói với mọi người về sự kinh khủng diễn ra trong lò mổ chó, và những gì vừa xảy ra đã chứng minh điều ấy", anh nói thêm.
Đại gia lái chó
Theo ước tính, khoảng 5 triệu con chó, rất nhiều trong số đó từng là thú cưng của các gia đình, bị làm thịt ở Việt Nam theo cách này mỗi năm. Phần lớn chúng được tập kết ở một ngôi làng được mệnh danh là nơi buôn chó xuyên quốc gia tại một tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ của Việt Nam.
Tại đây, những con chó khốn khổ bị giam giữ trong nhiều ngày, trong tình trạng ghẻ lở, bốc mùi. Người ta cho chúng ăn bằng cách bơm thẳng thực phẩm vào dạ dày. Một số đã nghẹt thở đến chết khi phải tiêu hóa theo cách ấy. Các tay lái buôn làm thế để khiến lũ chó tăng cân, trước khi nhốt chúng vào những chiếc lồng chật chội và chở lên Hà Nội.
Nghề "lái" chó giúp người dân ở đây giàu lên rất nhanh. Phần lớn những người làm nghề này đều sở hữu hai căn nhà, một cho mục đích kinh doanh và một để ở.
Trớ trêu thay, việc ngăn chặn nạn buôn chó xuyên quốc gia chỉ càng góp phần gia tăng tính liều mạng của những người làm nghề "lái" chó. Họ sẵn sàng lái những chiếc xe tải, bị lấp đầy bởi hàng chục chiếc lồng lớn nhỏ, và đưa chúng di chuyển xuyên ngày đêm, vượt qua các chặng đường dài. Tất cả đều vì hai chữ: lợi nhuận.
Những con chó cảnh bị bắt trộm và bán với giá vài USD trước khi bị đưa qua biên giới rồi vận chuyển về Hà Nội, nơi thịt chó được bán với giá cao nhất.
Từ 5 đến 10 con chó bị nhốt chung trong một chiếc lồng chật chội tới mức người bình thường khó ngồi vừa, rồi bị vận chuyển nhiều ngày liền trong tình trạng đói khát. Rất nhiều con đã chết trên đường đi.
Sự thiếu hụt nguồn cung đã làm nảy sinh nạn trộm chó trên khắp Việt Nam. Mặc dù các tay buôn chó khẳng định, họ không hề liên quan tới vấn nạn trên, thì các nhà bảo vệ động vật vẫn tin rằng, không có chuyện chó được nuôi để lấy thịt ở Việt Nam.
Các tay lái buôn tập kết lũ chó trong những chiếc lồng chật chội trước khi chuyển chúng lên Hà Nội. Ảnh: Soi Dog Foundation |
"Hà Nội là thế"
Có một nghịch lý tồn tại ở Hà Nội, đó là ngày càng có nhiều người yêu chó và sẵn sàng ăn thịt chó.
Tại một nhà hàng thịt chó có tiếng trên phố Tam Trinh, khoảng 50 con chó bị làm thịt mỗi ngày. Chúng bị giết ngay trước mặt các thực khách, những người rất háo hức với bữa ăn được chế biến từ thịt của các con vật đáng thương.
Kỳ lạ là chỉ cách đó 20 m là một cửa hàng chuyên cung cấp phụ kiện cho thú cưng, với quần áo, vòng cổ da, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của những người yêu chó bậc nhất.
"Hà Nội là thế", Vu Van Vuong, chủ nhân của cửa hàng phụ kiện nói với một cái nhún vai. "Họ làm việc của họ, còn tôi làm việc của tôi".
Bên trong một nhà hàng thịt chó, Duc, một doanh nhân 43 tuổi, nói mặc dù đang nuôi một con chó ở nhà, ông vẫn rất thích ăn thịt chó. "Tháng nào tôi cũng làm một bữa thịt chó với mấy người bạn thân", ông nói.
"Đây là món ăn truyền thống, giúp tăng cường sức khỏe và may mắn. Tôi nuôi chó ở nhà nhưng đây là kiểu chó khác. Chúng sinh ra là để bị làm thịt", ông chủ của một công ty truyền thông nói.
Tuy nhiên, ông Đức cho biết, thái độ đối với món thịt chó của người Hà Nội đang dần thay đổi. "Hồi trước có rất nhiều nhà hàng thịt chó ở khu Hồ Tây, nhưng giờ đã đóng cửa gần hết. Các chủ quán không thích bán thịt chó nữa", ông nói.
"Họ giàu lên nhờ việc buôn bán thịt chó. Họ tậu được những căn nhà lớn, kiếm được bộn tiền rồi quyết định 'giải nghệ'. Tôi nghe nó đó là bởi họ cảm thấy hối hận vì đã giết quá nhiều sinh mạng".
John Dalley, người sáng lập quỹ Soi Dog Foundation, được thành lập với mục tiêu kêu gọi mọi người ngừng ăn thịt chó, nói: "Rất nhiều người Việt Nam theo đạo Phật. Họ tin rằng việc giết thịt chó sẽ tạo ra nghiệp chướng. Đó là lý do tại sao họ bỏ nghề".
"Mọi người nói việc ăn thịt chó là truyền thống, nhưng thực chất không phải thế. Món thịt chó chỉ thực sự xuất hiện trong những năm chiến tranh, khi người ta bị hành hạ bởi cơn đói. Người Việt Nam không có truyền thống ăn thịt chó, ngoại trừ một vài dân tộc ở miền núi", Dalley cho biết.