Dữ liệu cho thấy càng có nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ bị từ chối cấp thị thực Schengen. Theo website SchengenVisaInfo, 16,5% người Thổ Nhĩ Kỳ bị từ chối cấp thị thực vào năm 2021, tăng so với 12,5% vào năm trước đó.
Trong khi đó, chi phí xin thị thực là 100 euro, khoảng một phần ba lương tối thiểu tại Thổ Nhĩ Kỳ, và không được hoàn lại dù có được cấp thị thực hay không.
"Nhìn chung, tỷ lệ từ chối cấp thị thực Schengen đã tăng trên toàn thế giới. Nhưng khi so với những quốc gia khác như Nga, tỷ lệ người Thổ Nhĩ Kỳ bị từ chối cao và nhất quán hơn nhiều", Shkurta Januzi, Tổng biên tập SchengenVisaInfo, cho biết.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng việc trì hoãn và từ chối cấp thị thực là có chủ ý.
Phía trước trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ở Istanbul, Thổ Nhì Kỳ. Ảnh: Reuters. |
Ông bác bỏ những lý do như ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 hay tình trạng thiếu nhân sự, nói rằng việc từ chối thị thực là nhằm gây sức ép lên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trước thềm bầu cử năm 2023.
"Nếu tình hình không được cải thiện sau đó, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế và đối phó", ông Cavusoglu nói.
Liên minh châu Âu (EU) phủ nhận cáo buộc từ Ankara. Nikolaus Meyer-Landrut, người đứng đầu phái đoàn EU tại Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định đơn đăng ký thị thực Schengen được xử lý dựa trên lợi ích của khối, thay vì động cơ chính trị. Ông nói rằng một số hồ sơ xin thị thực của Thổ Nhĩ Kỳ không đầy đủ và có dấu hiệu gian lận.
Trước đại dịch Covid-19, các nước Schengen mỗi năm tiếp nhận hơn 900.000 đơn xin thị thực từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng con số này đã giảm xuống còn khoảng 270.000 đơn vào năm 2021.
Việc không được cấp thị thực Schengen cũng ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch cũng như hoạt động của các công ty lữ hành tại Thổ Nhĩ Kỳ.