“Họ phải cắt đứt liên hệ với YPG (Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd ở Syria - PV). Đó là điều quan trọng nhất”, Financial Times hôm 19/5 dẫn lời Đại sứ Emre Yunt.
Yêu cầu từ phía Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan hôm 18/5 ngăn chặn quyết định ban đầu của NATO trong việc xử lý đơn gia nhập liên minh quân sự của Thụy Điển và Phần Lan. Ông chỉ trích 2 quốc gia vì đã từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ 30 người bị cáo buộc có liên hệ với các nhóm mà Ankara cho là khủng bố.
YPG là lực lượng dân quân người Kurd có vũ trang đã dẫn đầu chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. YPG nhận được vũ khí và huấn luyện từ liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, và được quân đội từ Thụy Điển hỗ trợ.
Tuy nhiên, YPG cũng có mối liên hệ chặt chẽ với đảng Công nhân Kurd (PKK) - tổ chức đấu tranh vũ trang chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 1980. PKK cũng bị Thụy Điển cũng như EU và Mỹ nhìn nhận là một tổ chức khủng bố.
Sự ủng hộ của phương Tây đối với các nhóm có liên hệ với PKK từ lâu đã trở thành nguồn cơn giận dữ ở Thổ Nhĩ Kỳ, cả trong giới quan chức và công chúng.
Chiến binh người Kurd thuộc Đơn vị Bảo vệ Phụ nữ ở Syria. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức Thụy Điển trước đây cho rằng lực lượng người Kurd ở Syria đóng một vai trò cốt yếu trong cuộc chiến chống lại IS và rất quan trọng đối với sự ổn định của Syria. Nhưng ông Yunt, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Stockholm kể từ năm 2017, nói rằng Ankara tức giận vì bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển và những quan chức cấp cao khác đã tổ chức các cuộc thảo luận với chỉ huy YPG trong những năm gần đây.
“Họ tuyên bố rằng nhóm này đang chiến đấu chống lại Daesh, nhưng Daesh không còn tồn tại nữa”, ông nhấn mạnh, sử dụng một tên gọi khác của IS.
Các yêu cầu của Ankara đặt ra tình thế khó xử đối với Thụy Điển khi nước này cố tìm cách gia nhập NATO mà không bị coi là nhượng bộ quá nhiều trước Thổ Nhĩ Kỳ.
Thụy Điển có một cộng đồng người Kurd đáng kể và có sự ủng hộ rộng rãi đối với nhóm chiến binh Kurd ở Syria.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö hy vọng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể ngăn cản sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể hy vọng gây áp lực để Mỹ chấp thuận yêu cầu mua máy bay chiến đấu F-16 mới.
Tuy nhiên, ông Yunt cho biết lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ về Thụy Điển “không liên quan gì đến quan hệ của chúng tôi với Mỹ”.
Thủ tướng Andersson ngày 17/5 nhắc lại rằng bà muốn nói chuyện với Tổng thống Erdoğan và hứa hẹn một chương mới trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, ông Yunt cảnh báo “đối thoại với chúng tôi mà không thay đổi chính sách của họ sẽ không đạt được gì cả”.