Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lộ trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển

Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào sáng 18/5, chấm dứt hàng thập niên không liên kết quân sự của hai quốc gia Bắc Âu này.

Sau khi Moscow phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển - vốn lựa chọn chính sách trung lập - tới gần NATO hơn bao giờ hết. Hai nước này đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO vào sáng 18/5 và được chào đón bởi hầu hết 30 quốc gia thành viên hiện tại của liên minh.

Tuy nhiên, kế hoạch gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan vấp phải trở ngại lớn sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ý định phản đối. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc hai nước này ủng hộ các nhóm vũ trang người Kurd mà Ankara coi là tổ chức khủng bố, theo BBC.

Đặc phái viên của Phần Lan (trái), Thụy Điển (phải) và tổng thư ký NATO trong buổi lễ đánh dấu đơn xin gia nhập của hai nước này. Ảnh: Reuters.
xung dot Nga va Ukraine anh 1
xung dot Nga va Ukraine anh 1

Đặc phái viên của Phần Lan (trái), Thụy Điển (phải) và tổng thư ký NATO trong buổi lễ đánh dấu đơn xin gia nhập của hai nước này. Ảnh: Reuters.

NATO là gì?

NATO - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - là một liên minh quân sự phòng thủ được thành lập vào năm 1949 bởi 12 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Pháp.

Các thành viên trong liên minh đồng ý hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công vũ trang. Mục đích ban đầu của liên minh quân sự này là chống lại ảnh hưởng của Nga ở châu Âu sau Thế chiến II. Nhiều quốc gia Đông Âu đã lần lượt gia nhập NATO sau khi Liên Xô tan rã.

Quá trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ như thế nào?

Cả hai nước đều giữ thái độ trung lập trong nhiều năm, nhưng sự ủng hộ của công chúng đối với việc gia nhập NATO đã tăng lên kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” tại Ukraine.

Quá trình từ lúc nộp đơn đến lúc chính thức trở thành thành viên có thể mất tới một năm. Để chính thức gia nhập NATO, một quốc gia cần có sự chấp thuận của 30 thành viên của liên minh này.

Để gia nhập NATO, các quốc gia phải là nền dân chủ, đối xử công bằng với các nhóm thiểu số và cam kết giải quyết các xung đột một cách hòa bình. Họ cũng phải hỗ trợ quân sự cho liên minh.

Cả Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài 1.340 km với Nga, và Thụy Điển đều có tiềm lực quân sự mạnh mẽ.

Các thành viên phải đồng ý với mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO là 2% GDP. Phần Lan đã đáp ứng mục tiêu này, trong khi Thụy Điển tuyên bố sẽ làm như vậy “càng sớm càng tốt”.

Tuy nhiên, yêu cầu gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu đã vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO.

xung dot Nga va Ukraine anh 2

Bản đồ các nước NATO tại châu Âu. Nếu Phần Lan gia nhập NATO, đường biên giới giữa liên minh này và Nga sẽ dài hơn gấp đôi. Đồ họa: Al Jazeera. Việt hóa: Quốc Đạt.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết hai nước đang chứa chấp các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK), một tổ chức mà nước này coi là khủng bố.

Ngoài ra, Tổng thống Erdogan còn cho rằng hai quốc gia Bắc Âu có liên quan tới những người chịu ảnh hưởng của giáo sĩ Fethullah Gulen, nhóm ông cáo buộc dàn dựng một âm mưu đảo chính vào năm 2016.

Tại sao NATO không đưa quân đến Ukraine?

Vì Ukraine không phải là một thành viên, NATO không có nghĩa vụ giúp họ phòng thủ.

Bên cạnh đó, liên minh quân sự này cũng lo ngại rằng nếu quân đội của họ đối đầu với lực lượng Nga, điều đó có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện giữa Moscow và phương Tây. Đây cũng là lý do NATO từ chối thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine.

Tại sao Nga đối đầu với NATO?

NATO từng hứa hẹn mở đường cho Ukraine gia nhập liên minh vào năm 2008. Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Ukraine đã ưu tiên gia nhập. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra, chủ yếu do sự phản đối của Nga.

Nga tin rằng NATO đang lấn sân sang khu vực ảnh hưởng chính trị của mình bằng cách chấp nhận các thành viên mới từ Đông Âu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chấp nhận đất nước của ông không thể gia nhập NATO vào thời điểm hiện tại.

“Ukraine không phải là thành viên NATO. Chúng tôi hiểu điều này”, ông cho biết.

Ngoài ra, Nga đã cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển về việc gia nhập liên minh này.

Các quốc gia nào đã gửi vũ khí cho Ukraine?

Anh và Mỹ đã gửi hàng nghìn tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không cho Kyiv. Slovakia đã gửi hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã gửi máy bay không người lái được trang bị tên lửa.

Một số nước NATO đang gửi vũ khí hạng nặng hơn để giúp Ukraine phản công chống lại Nga. Mỹ đang gửi trực thăng, pháo và thiết giáp chở quân. Nước này có kế hoạch cung cấp khoản viện trợ trị giá 33 tỷ USD để hỗ trợ an ninh và kinh tế cho Ukraine, bên cạnh khoản viện trợ 3,7 tỷ USD mà họ đã chi.

Anh đang cung cấp thêm hơn 370 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine và có kế hoạch gửi xe bọc thép, thiết bị tác chiến điện tử, cũng như hệ thống radar phòng không cho nước này.

Bên cạnh đó, EU cho biết sẽ chi tới hơn 470 triệu USD để tài trợ cho việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đây là đầu tiên EU hỗ trợ cung cấp vũ khí cho một khu vực chiến sự.

NATO đã triển khai quân đội trải dài từ biển Baltic ở phía bắc đến Romania ở phía nam. Họ đã đóng quân ở đó vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea.

Cảnh binh sĩ Ukraine rời 'pháo đài cuối cùng ở Mariupol'
00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Video sẽ chạy sau3
Cảnh binh sĩ Ukraine rời 'pháo đài cuối cùng ở Mariupol' Nhà nước cộng hòa tự xưng ở Donetsk và Bộ Quốc phòng Nga công bố video binh sĩ Ukraine rời nhà máy Azovstal ở Mariupol, sau khi Kyiv xác nhận hơn 260 binh sĩ được sơ tán.
Bài liên quan

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm