Ông Milanovic đang tranh cãi gay gắt với Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic về một số vấn đề, bao gồm việc có ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO hay không, theo AP.
Hôm 18/5, Tổng thống Milanovic nói rằng ông có kế hoạch chỉ thị cho Đại sứ Mario Nobilo - đại diện thường trực của nước này tại NATO, ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự, RT đưa tin.
Phát biểu với báo chí, ông Milanovic cho biết việc từ chối chấp thuận Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ chuyển sự chú ý của dư luận quốc tế sang những vấn đề mà cộng đồng người Croatia ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina đang phải đối mặt.
“Người Croatia ở Bosnia-Herzegovina đối với tôi quan trọng hơn toàn bộ biên giới Nga - Phần Lan”, ông Milanovic nhấn mạnh.
Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO trong ngày 18/5. Ảnh: AP. |
Trước khi quốc hội Croatia phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho hai quốc gia Bắc Âu, ông Milanovic muốn thay đổi luật bầu cử hiện tại ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina.
Năm 1995, cộng đồng sắc tộc Croat tại nước này được công nhận quyền bình đẳng theo hiến pháp năm 1995 để kết thúc cuộc nội chiến.
Croatia nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật luật bầu cử để người Croatia ở Bosnia có thể bầu ra đại diện của chính họ, trái ngược với thông lệ hiện tại là để các đại diện người Croatia được bầu bởi cộng đồng người Hồi giáo Bosnia, còn được gọi là Bosniak.
Trong ngày 18/5, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Các nước lớn trong NATO như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy đều tuyên bố ủng hộ Helsinki và Stockholm.
Tuy nhiên, Thụy Điển và Phần Lan cần cả 30 thành viên NATO phê duyệt đơn xin gia nhập. Thổ Nhĩ Kỳ trước đó ra điều kiện, cho biết họ muốn hai nước Bắc Âu ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố hiện diện trên lãnh thổ của họ và dỡ bỏ lệnh cấm bán một số vũ khí cho nước này.