Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục có quan điểm trái chiều đối với các quốc gia khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sau khi mua hệ thống chống tên lửa từ Nga vào năm 2019, Ankara một lần nữa lại đơn độc trong việc phản đối Phần Lan và Thụy Điển vào NATO.
"Làm sao chúng ta có thể tin tưởng họ? Thụy Điển là nơi ươm mầm của các tổ chức khủng bố”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói hôm 16/5. “Chúng tôi sẽ không ủng hộ việc trao tư cách thành viên NATO (cho hai nước này)".
Thổ Nhĩ Kỳ tức giận bởi mối quan hệ chặt chẽ mà hai quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển, có với đảng Công nhân người Kurd (PKK) - nhóm thúc đẩy quyền tự trị của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã đối đầu với quân đội nước này từ năm 1984. Được thành lập vào năm 1978, PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ và phần lớn cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ và EU, chỉ định là tổ chức khủng bố đe dọa an ninh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước cuộc đàm phán hòa bình giữa các phái đoàn từ Nga và Ukraine tại Văn phòng Tổng thống ở Istanbul. Ảnh: Anadolu Agency. |
"Thụy Điển chiếm một vị trí nhất định trong cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ lưu vong. Kể từ những năm 1980, quốc gia này đã tiếp nhận nhiều người tị nạn chính trị, trong đó có những người bị Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ thuộc lực lượng PKK. Đây là tranh chấp lâu đời giữa Stockholm và Ankara", Élise Massicard, chuyên gia xã hội học chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và là nhà nghiên cứu tại Sciences Po (Pháp), cho biết.
“Theo quan điểm rộng rãi của những người theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, lý do khiến PKK vẫn tồn tại dù đã trải qua 40 năm chiến tranh là vì lực lượng này có những 'căn cứ hậu phương' bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ", bà nói thêm.
Quyền phủ quyết
Ankara đã thể hiện rõ rằng họ muốn tận dụng việc Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn tham gia NATO như một công cụ để làm suy yếu sự ủng hộ đối với các nhóm ly khai người Kurd.
"Chúng ta phải hoàn toàn ngừng hỗ trợ các tổ chức khủng bố. Tôi không nói đây là một con bài để mặc cả, nhưng đây là ý nghĩa của việc trở thành đồng minh", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu cho biết hôm 15/5 tại Berlin (Đức), bên lề một trong những cuộc họp không chính thức của tổ chức.
Về mặt lý thuyết, Thổ Nhĩ Kỳ có mọi quyền để ngăn chặn việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Theo Điều 10 của Hiệp ước thành lập khối, hai quốc gia Scandinavia phải thuyết phục tất cả 30 thành viên của tổ chức để nhất trí thông qua đơn xin gia nhập.
"Liên minh hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Do đó, mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết”, nhà địa chính trị Olivier Kempf cho biết.
Theo ông Kempf, trước đó, NATO từng chứng kiến điều này với Hy Lạp, quốc gia phản đối việc Bắc Macedonia gia nhập trong nhiều năm" vì tranh chấp về tên của đất nước (Macedonia cũng là tên một khu vực của Hy Lạp).
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại Stockholm hôm 17/5. Ảnh: AFP. |
Mặc dù tấm thảm đỏ dường như đã được trải sẵn cho Thụy Điển và Phần Lan - hai nền dân chủ vững chắc, gần gũi với NATO thông qua chương trình Đối tác vì Hòa bình - lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đang gây ra sự bối rối trong liên minh quốc phòng.
Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ có thể tìm được điểm chung, sự đồng thuận trong việc thúc đẩy vấn đề thành viên”.
Ông nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã "chỉ rõ ý định không chặn" tiến trình này.
“Chúng tôi sẽ không đóng cánh cửa lại. Nhưng chúng tôi đưa ra chủ đề này như một vấn đề an ninh quốc gia với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, nói ngày 14/5.
Theo ông Kempf, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với nhiều áp lực chính trị đến mức nước này sẽ không thể ngăn cản việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ chờ “bồi thường”
Theo các chuyên gia, việc Ankara chỉ ra sự ủng hộ của Thụy Điển đối với PKK ngay khi nước này quyết định gia nhập NATO nhằm giành lại ảnh hưởng trong liên minh quân sự.
“Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO đã rất phức tạp trong vài năm”, bà Massicard cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng điều này với hy vọng nhận được “khoản bồi thường” từ các thành viên của NATO, đặc biệt là Mỹ.
Trước đó, vào năm 2020, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, sau thương vụ mua hệ thống chống tên lửa S400 của Nga.
Theo Courrier International, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị loại khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ, dù "đã đặt hàng và trả khoản tiền đặt cọc 1,4 tỷ USD".
Một động thái nhượng bộ khác của chính quyền Tổng thống Joe Biden về vấn đề này chắc chắn sẽ giúp Ankara vượt qua “sự miễn cưỡng” trong việc Thụy Điển và Phần Lan vào NATO.
Các binh sĩ Phần Lan trong một cuộc tập trận quân sự quốc tế ở Na Uy vào tháng 3. Ảnh: AFP. |
Cuối cùng, một số chuyên gia cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang gửi thông điệp tới Nga, nước vốn coi việc phương Tây mở rộng NATO sang phía đông là hành động “phản bội”.
Kể từ khi cuộc xung đột Ukraine - Nga diễn ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai quốc gia mà nền kinh tế của họ phụ thuộc rất nhiều.
“Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng chia sẻ biển Đen và các lợi ích chung ở Syria”, ông Kempf nói. "(Vì vậy, Tổng thống) Erdogan ủng hộ Ukraine nhưng cẩn thận để không đi quá xa".
Vấn đề này là một lời nhắc nhở rằng NATO, mặc dù đã được “hồi sinh” sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” vào Ukraine, vẫn không tránh khỏi những chia rẽ chiến lược.
“Việc NATO thống nhất trong một số vấn đề thiết yếu không có nghĩa là khối đạt được sự đồng thuận rộng rãi về mọi thứ”, ông Kempf nói. "Cuối cùng, các vấn đề cơ bản vẫn còn và chưa biến mất cùng với cuộc xung đột ở Ukraine".