Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ cứng rắn với Thụy Điển và Phần Lan?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được cho là muốn tận dụng việc hai nước Bắc Âu xin gia nhập NATO để đổi lấy sự nhượng bộ về nhóm ly khai người Kurd và chương trình máy bay chiến đấu của Mỹ.

Sau khi lên tiếng phản đối sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến phương Tây lo ngại sẽ dùng quyền phủ quyết của mình để cản trở quá trình phê duyệt nhanh chóng mà NATO đã hứa hẹn với hai quốc gia Bắc Âu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã gọi Thụy Điển và Phần Lan là những “vườn ươm” cho các nhóm khủng bố, và nói với ngoại trưởng hai nước rằng chuyến thăm ​​tới đất nước ông sẽ chỉ “lãng phí thời gian”, theo Financial Times.

“Họ đang đến để thuyết phục chúng tôi. Tôi xin lỗi nhưng đừng lãng phí thời gian. (Chúng tôi) không thể đồng ý với (đề xuất này)”, ông nói trong một cuộc họp báo vào tối 16/5, đề cập đến việc xin gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu.

Câu hỏi hiện giờ là ông Erdoğan muốn đạt được điều gì từ lập trường cứng rắn của mình?

Vị tổng thống khó đoán vốn đang vật lộn với nền kinh tế khó khăn trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2022. Bên cạnh đó, Washington và Ankara đã có nhiều bất đồng trong những năm gần đây.

Một số chuyên gia cho rằng ông Erdoğan đang dùng quyền phủ quyết của mình như một đòn bẩy để giành được sự nhượng bộ từ Thụy Điển và Mỹ - điều có thể được coi là một chiến thắng chính trị ở quê nhà.

Phan Lan Thuy Dien gia nhap NATO anh 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Ảnh: Daily Sabah.

“Tăng giá” tư cách thành viên NATO

Hôm 17/5, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn nói với đài phát thanh Đức Deutschlandfunk rằng Tổng thống Erdoğan đang "tăng giá" tư cách thành viên NATO đối với các quốc gia Bắc Âu.

Ankara coi Thụy Điển, chứ không phải Phần Lan, là vấn đề chính - một tình huống khiến các chính trị gia ở Helsinki khó chịu.

Các quan chức Phần Lan đã tích cực đàm phán với các thành viên NATO hiện tại để đảm bảo việc gia nhập diễn ra suôn sẻ trong nhiều tháng, nhưng “không chắc người Thụy Điển đã tận tâm như vậy”, một quan chức nói.

Với lập trường cứng rắn, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang muốn thúc đẩy Thụy Điển dẫn độ các thành viên bị buộc tội của đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Lực lượng này, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, EU và Mỹ coi là tổ chức khủng bố, đã tiến hành một cuộc nổi dậy chống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trong 40 năm qua và được đa số công chúng nước này coi là mối nguy hiểm.

Tuy nhiên, Thụy Điển đã không đáp ứng yêu cầu đưa 11 thành viên PKK ra hầu tòa về các cáo buộc khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 năm qua, hãng thông tấn nhà nước Anadolu cho biết.

Phan Lan Thuy Dien gia nhap NATO anh 2

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mevlüt Çavuşoğlu cho biết ông muốn Thụy Điển và Phần Lan dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí mà họ cùng một số quốc gia khác áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019, khi Tổng thống Erdoğan lệnh cho quân đội tấn công lực lượng ly khai người Kurd ở Syria có liên hệ chặt chẽ với PKK.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng tức giận khi các quan chức hàng đầu của Thụy Điển, bao gồm cả bộ trưởng Quốc phòng, đã tổ chức các cuộc thảo luận với nhân vật cấp cao của nhóm ly khai này.

Tuy nhiên, chính phủ đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền tại Thụy Điển sẽ khó có thể thỏa hiệp, vì họ cũng đang đối mặt với cuộc bầu cử quốc hội khó khăn vào tháng 9 sắp tới. Quốc gia này có một cộng đồng người Kurd lớn và luôn bày tỏ sự đồng cảm với nhóm ly khai.

“Tôi e rằng không có nhiều khả năng cho việc thay đổi quan điểm. Thụy Điển từ lâu vốn là một quốc gia luôn tự hào về sự độc lập, trung lập và giá trị đạo đức”, ông Paul Levin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ của Đại học Stockholm, cho biết.

“Họ đã đấu tranh cho bình đẳng và quyền con người. Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền chỉ có thể ủng hộ việc gia nhập NATO vì họ tin và trấn an những người ủng hộ rằng vai trò quan trọng này sẽ không bị từ bỏ", ông nói.

“Lật ngược” quyết định của Mỹ

Trong khi đó, Ngoại trưởng Luxembourg Asselborn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn gây áp lực để Mỹ “lật ngược” quyết định loại Ankara khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35, vốn được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa của Nga.

Đồng thời, nước này cũng muốn Washington chấp thuận yêu cầu hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng không quân bằng cách cho phép nước này mua máy bay chiến đấu F-16 mới.

Phan Lan Thuy Dien gia nhap NATO anh 3

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại trụ sở ở Brussels, Bỉ, vào ngày 24/3. Ảnh: Reuters.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden từng bày tỏ sự ủng hộ với yêu cầu mua máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, đề xuất này đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, vốn nhiều hoài nghi.

Hình ảnh một đồng minh NATO không đáng tin cậy “sẽ không giúp ông Erdoğan nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào” tại Đồi Capitol, ông Emre Peker, Giám đốc thị trường châu Âu của tổ chức tư vấn Eurasia, nhận định.

Ông Peker tin rằng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ thỏa hiệp sau khi đảm bảo một số tiến triển “mang tính biểu tượng và thực tế” từ các nước Bắc Âu, để có thể “ghi điểm” ở quê nhà”.

Trái ngược với quan điểm này, ông Aaron Stein, Giám đốc chương trình Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Philadelphia, cho rằng: “Giả thiết ông Erdoğan sẽ thỏa hiệp thật nực cười”.

Ông Stein cho biết các quan chức phương Tây đã luôn đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của những lời “đe dọa” từ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, các quan chức NATO cho biết liên minh có khả năng sẽ hoàn thành giai đoạn đầu tiên trong quá trình phê duyệt đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển trong 1-2 tuần, để họ tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Madrid vào tháng 6 với tư cách thành viên triển vọng.

“Đó là một cơ hội hoàn hảo để chào đón họ”, một nhà ngoại giao đến từ một quốc gia thành viên NATO cho biết.

Cảnh binh sĩ Ukraine rời 'pháo đài cuối cùng ở Mariupol' Nhà nước cộng hòa tự xưng ở Donetsk và Bộ Quốc phòng Nga công bố video binh sĩ Ukraine rời nhà máy Azovstal ở Mariupol, sau khi Kyiv xác nhận hơn 260 binh sĩ được sơ tán.

Lộ trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển

Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào sáng 18/5, chấm dứt hàng thập niên không liên kết quân sự của hai quốc gia Bắc Âu này.

Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO

Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO sáng 18/5, sau khoảng thời gian dài trung lập.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm