Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất việc mua hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumf do Nga sản xuất vào hồi đầu tháng, Business Insider cho biết. Việc một quốc gia thành viên NATO nhập khẩu vũ khí do Nga sản xuất gây ra mối lo ngại cho các nước trong khối, giáng một đòn mạnh vào niềm tin của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
Hợp đồng mua S-400 được ký kết vào đúng thời điểm quan hệ giữa Ankara và phương Tây, đặc biệt là với Washington trở nên căng thẳng. Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu ngày 20/9 còn đăng một bản đồ họa hiển thị thông số kỹ thuật của S-400, trong đó có những máy bay của Mỹ mà hệ thống có thể bắn hạ.
Tín hiệu chia rẽ liên minh
Bản đồ họa được Military Times cho biết S-400 có thể phản ứng với mục tiêu trong chưa đầy 10 giây và có thể bắn trúng mục tiêu ở cự ly 400 km. Nó cũng cho biết hệ thống có thể loại bỏ các máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ như máy bay ném bom B-52, B-1, tiêm kích F-15, F-16, tiêm kích tàng hình F-22 và bắn hạ tên lửa hành trình.
S-400, hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga. Ảnh: Sputnik. |
Ankara mua hệ thống phòng không S-400 khiến các thành viên NATO khác phải chịu trách nhiệm về những hậu quả trong hợp tác quân sự, cũng như những tín hiệu mà họ đưa ra về mối quan hệ ngoại giao gây tranh cãi trong liên minh.
Về mặt quân sự, S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ khác của NATO. Điều đó có nghĩa hệ thống sẽ không bị hạn chế trong việc triển khai. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đặt S-400 ở những nơi như biên giới với Armenia, hay dọc bờ biển Aegean.
Hiện tại, S-400 là hệ thống phòng không tinh vi nhất của Nga. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có thể không nhận được phiên bản tiên tiến nhất, nó vẫn là hệ thống phòng không hàng đầu thế giới.
Trong tháng 7, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ rằng hệ thống S-400 mà nước này mua không có hệ thống nhận dạng bạn – thù, có nghĩa là nó có thể sử dụng để chống lại bất kỳ mục tiêu nào. Vị quan chức nói rằng một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cài đặt hệ thống phần mềm để phân biệt máy bay bạn bè, hay kẻ thù. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ tính khả thi của việc này.
Về mặt ngoại giao, việc Moscow bán vũ khí tiên tiến cho một nước thành viên NATO dường như là đỉnh điểm trong thời kỳ lạnh nhạt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác châu Âu, Mỹ. Ankara xung đột ngoại giao với Berlin sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đức chỉ trích chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp những người bị buộc tội tham gia.
Quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng ở vào thời điểm “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, đặc biệt từ khi Mỹ can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria. Mỹ ủng hộ chiến binh người Kurd ở Syria, trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ xem đảng Công nhân người Kurd (PKK) là một tổ chức khủng bố. Ankara nhiều lần đe dọa tấn công vào vị trí của người Kurd ở Syria do Mỹ hậu thuẫn.
Chiến lược của Nga
Các nhà phân tích cho rằng việc bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ là một bước đi của Nga trong việc làm suy yếu NATO. “Thỏa thuận S-400 là một dấu hiệu rõ ràng rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang thất vọng về Mỹ và châu Âu”, Konstantin Makienko, nhà phân tích thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moscow nói với Bloomberg.
Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên thân mật hơn. Ảnh: Reuters. |
NATO có quy định các thành viên phải sử dụng vũ khí do các nước trong khối sản xuất theo tiêu chuẩn riêng, nhằm đảm bảo sự tương thích giữa các chủng loại vũ khí. Tuy nhiên, việc mua vũ khí hiện đại từ các nước trong khối, đặc biệt là từ Mỹ thường rất khó khăn.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần chỉ trích Mỹ và các nước đồng minh “ích kỷ” trong việc bán vũ khí và công nghệ quân sự. Trong khi đó, thỏa thuận mua S-400 với Nga kèm theo điều khoản chuyển giao công nghệ để sản xuất S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này sẽ giúp công nghiệp quốc phòng Ankara phát triển nhanh chóng.
Sam Bendett, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phân tích Hải quân nhận xét rằng điều này phù hợp với kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đang nỗ lực tự chủ trong việc sản xuất các hệ thống vũ khí hiện đại để trang bị cho quân đội và tiến tới xuất khẩu.
Theo Bloomberg, Ankara và Moscow thỏa thuận mua bán 4 khẩu đội S-400 với tổng giá trị khoảng 2,5 tỷ USD. Trong đó, 2 khẩu đội đầu tiên sẽ sản xuất tại Nga, số còn lại sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Nga không bình luận gì về thỏa thuận bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng việc một quốc gia thành viên NATO mua hệ thống phòng không tiên tiến của Nga sẽ là cơ hội giúp tìm hiểu sâu hơn về điểm mạnh và hạn chế của hệ thống, từ đó đưa ra giải pháp vô hiệu hóa nó.