Mỗi khẩu đội S-400 Triumf có thể thiết lập ô phòng không với bán kính tới 400 km. Ảnh: Engineeringrussia |
Ngày 25/6, Sputnik đưa tin, quân đội Nga sẽ gia tăng số lượng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf và hệ thống Pantsir-S1 ở Quân khu phía Tây. "Những hệ thống phòng không tối tân của Nga sẽ phục vụ trong các đơn vị quân đội vào cuối năm nay", đại tá Oleg Kochetkov, phát ngôn viên Quân khu phía Tây, nói.
Quân đội Nga bắt đầu phát triển S-400 từ cuối những năm 1990. Ban đầu, nó được gọi là S-300PMU3. Văn phòng thiết kế Trung ương Almaz là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án. Về cơ bản, S-400 là phiên bản nâng cấp toàn diện từ S-300PMU2.
Cấu hình của hệ thống gồm: Radar trinh sát 91N6E với phạm vi tìm kiếm mục tiêu tới 600 km. Radar điều khiển hỏa lực 92N6E có khả năng dẫn bắn cho tên lửa ở cự ly 400 km, radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E. Xe chỉ huy trung tâm 55K6E, xe tiếp đạn, xe mang phóng. Theo thông tin từ nhà sản xuất, mỗi tiểu đoàn S-400 có thể tấn công đồng thời 36 mục tiêu.
Phá sản kế hoạch của NATO
Giới phân tích quân sự đánh giá, S-400 và Pantsir-S cho phép thiết lập ô phòng không nhiều tầng nhiều lớp. Ảnh: Itar-Tass |
Theo National Interest, S-400 là hệ thống tác chiến phòng không tiên tiến nhất của Moscow. Với việc triển khai số lượng lớn vũ khí này dọc theo biên giới Nga, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể thách thức năng lực của phương Tây trong việc nắm ưu thế trên không so với Moscow.
Đánh giá về kế hoạch triển khai của Nga, tiến sĩ Robert Farley thuộc Đại học Washington, Mỹ, nhận định, mỗi khẩu đội S-400 có thể bắn 3 loại đạn tên lửa khác nhau với phạm vi tác chiến tối đa tới 400 km. Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo mạnh mẽ.
Ông Farley, từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Học thuyết quân sự, nhấn mạnh thêm, các hệ thống cảm biến của S-400 hoạt động rất hiệu quả, giúp Nga thiết lập khu vực phòng thủ trước mọi mối đe dọa từ trên không. Hệ thống này triển khai ở Kaliningrad có thể gây nguy hiểm cho máy bay NATO hoạt động sâu bên trong châu Âu.
"Ít nhất trong những ngày đầu của cuộc xung đột nếu có, vũ khí này có thể vô hiệu hóa hoạt động của không quân NATO, phá hoại một trong những trụ cột trong năng lực tác chiến của phương Tây", ông Farley nói.
Đánh giá về Pantsir-S, Global Security, một trang web chuyên về công nghệ quốc phòng từng viết, vũ khí này là sự kết hợp hoàn hảo giữa 2 pháo bắn nhanh cùng 12 tên lửa đánh chặn tầm thấp. Nó có thể tấn công đồng thời 2 mục tiêu. S-400 đảm đương nhiệm vụ tấn công các mục tiêu tầm xa, trong khi Pantsir thiết lập ô che chắn tầm gần, 2 vũ khí này sẽ kết hợp thành cặp ăn ý giúp Moscow đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ xa đến gần, Global Security nhận xét.
Trong khi đó, chuyên gia Zachary Keck, thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận xét, kế hoạch triển khai hệ thống phòng không của Moscow là hành động đáp trả trước thông tin Washington bố trí vũ khí hạng nặng ở các nước Đông Âu.
Các phản ứng qua lại giữa đôi bên khiến quan hệ ngoại giao giữa Moscow và NATO trở nên căng thẳng. Trước đó, Sputnik, Nga từng cảnh báo, việc Mỹ triển khai vũ khí ở gần biên giới có thể kích động Chiến tranh Lạnh mới nguy hiểm hơn.