William Yang suốt những ngày qua như ngồi trên đống lửa. Mẹ anh xuất hiện các triệu chứng như cảm cúm, sau đó sốt cao rồi khó thở suốt cả tuần, nhưng phải đến ngày 6/2 thì người phụ nữ 57 tuổi mới được điều trị theo diện người nhiễm virus corona chủng mới.
Buổi gặp bác sĩ đầu tiên được lên lịch ngày 1/2 nhưng phải hoãn vì bệnh viện không đủ kit thử. Hai ngày sau, gia đình tìm đến bệnh viện khác và xin được suất xét nghiệm cuối cùng trong ngày. Lần xét nghiệm đầu tiên, mẹ anh có kết quả âm tính. Nhưng bệnh tình của bà ngày một nặng hơn và phải đến lần xét nghiệm thứ hai thì bệnh viện báo kết quả dương tính. Hai mẹ con phải chờ thêm 1 ngày mới được cấp giường bệnh.
"Chúng tôi lãng phí đến mấy ngày. Đầu tiên là không đủ bộ xét nghiệm chẩn đoán, sau đó thì kết quả lại sai", Yang trả lời South China Morning Post rằng bệnh tình của mẹ đến ngày 10/2 vẫn chưa được cải thiện.
Nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn, được chính quyền Vũ Hán xây dựng khẩn cấp dành riêng cho điều trị các bệnh nhân nhiễm virus corona. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Không đủ cả lượng lẫn chất
Hai mẹ con Yang là người Vũ Hán, nơi bùng phát dịch virus corona từ tháng 12/2019. Đến nay, số người chết vì chủng virus chưa có thuốc điều trị đã vượt qua đại dịch Sars (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2002-2003. Số ca nhiễm tính đến 14/2 trên toàn thế giới đã lên đến hơn 64.000 người với hơn 1.400 ca tử vong.
Tình trạng thiếu hụt bộ xét nghiệm và kết quả thiếu chất lượng đang khiến tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc thêm trầm trọng. Nó làm dấy lên lo ngại rằng số người nhiễm thực tế nhiều hơn những số liệu chính thức do kết quả xét nghiệm không chính xác.
Dù mẹ Yang đã bắt đầu điều trị, Yang vẫn chưa hết lo khi đến lượt bà anh, 80 tuổi và không thể đi lại, xuất hiện các triệu chứng tương tự. Anh đã liên lạc bệnh viện đến đưa bà đi xét nghiệm nhiều ngày qua nhưng vô ích. Các cơ sở điều trị tại Vũ Hán đang quá tải với số ca nhiễm được xác nhận những ngày qua.
"Có rất nhiều trường hợp giống bà tôi. Họ không được đưa vào số liệu chính thức", Yang chia sẻ.
Trong nỗ lực khắc phục bất cập này, chính phủ Trung Quốc hai tuần qua đã cấp phép 7 công ty đưa vào sử dụng các kit thử sử dụng phương pháp acid nucleic để nhận diện người nhiễm virus corona. Phương pháp được phát triển lần đầu khi Sars bùng phát tại Trung Quốc và có thể cho kết quả trong vài tiếng.
Tuy nhiên, do xét nghiệm bao gồm nhiều bước, sai sót xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào cũng ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng, theo Li Yan, lãnh đạo trung tâm chẩn đoán xét nghiệm tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán. Còn theo ông Wang Chen, Chủ tịch Học viện Khoa học Y dược Trung Quốc, tỉ lệ chính xác của phương pháp chỉ từ 30-50%.
Kết quả xét nghiệm sai như trường hợp của mẹ William Yang không hiếm gặp. Một ca tại Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật, ở Bắc Kinh, qua 3 lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Sau khi các bác sĩ lấy mẫu dịch trong phổi của bệnh nhân, họ mới có thể kết luận chính thức người này nhiễm virus corona.
Trước khi thay đổi cách xác định ca nhiễm virus corona hôm 13/2, bộ hướng dẫn của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khẳng định thử acid nucleic là cách duy nhất để xác nhận một bệnh nhân dương tính với virus corona. Chỉ dẫn đó đã vấp phải không ít tranh luận từ giới chuyên gia khi bỏ qua nhiều phương pháp thay thế trong chẩn đoán.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán tập hợp hồ sơ bệnh nhân nhiễm virus corona. Ảnh: AFP. |
Chạy đua phát triển kit thử
Yang cũng cảm nhận rõ tình hình đang được cải thiện. Theo lời anh kể, vào thời điểm mẹ anh được xét nghiệm lần đầu tiên tại Bệnh viện Nhân dân Số 3 của Hồ Bắc ngày 3/2, chỉ tiêu xét nghiệm trong ngày của cơ sở này chỉ có 70 trường hợp. Hai ngày sau, con số này là hơn 100 ca xét nghiệm.
Phải đến ngày 16/1, các kit thử bằng phương pháp acid nucleic mới được cung cấp cho tỉnh Hồ Bắc. Trước đó, những mẫu thử phải gửi về Bắc Kinh và kết quả chờ 3 ngày sau mới được cập nhật. Giờ đây, gần 100 phòng xét nghiệm chẩn đoán trên toàn tỉnh, từ bệnh viện đến trường đại học, đều được trang bị các kit thử có khả năng cho kết quả dưới 5 tiếng. Tờ Hubei Daily cho biết toàn tỉnh hiện có năng lực tiến hành 4.000 xét nghiệm/ngày.
Các công ty được đẩy nhanh thời gian phê duyệt đưa kit thử vào ứng dụng. Tập đoàn BGI ở Thâm Quyến phát triển sản phẩm trong chưa đầy 2 tuần và được cấp phép 12 ngày sau khi nộp đơn. Liferiver, một công ty công nghệ sinh học ở Thượng Hải, chỉ mất 20 ngày từ thời điểm phát triển sản phẩm đến khi đưa vào thị trường. Thông thường, quá trình này phải tốn đến 2 năm để có giấy phép.
Cả 7 công ty tại Trung Quốc hiện có thể cung cấp gần 1 triệu kit thử/ngày. BGI cho biết chính phủ cho phép họ sử dụng nền tảng hậu cần đặc biệt để đảm bảo nguồn cung ổn định cho các cơ sở sản xuất kit thử ngay tại Vũ Hán.
Trước thông tin phương pháp thử có nhiều trường hợp không chính xác, BGI lập luận rằng khi số ca xét nghiệm tăng thêm và quy trình được chuẩn hóa, tỉ lệ xét nghiệm chính xác sẽ nâng cao. Trong khi đó, Liferiver nói họ ưu tiên chất lượng hơn hết và đã nỗ lực cải thiện sản phẩm.
Các đơn vị nghiên cứu bên ngoài Trung Quốc đại lục cũng đang đẩy mạnh phát triển biện pháp chẩn đoán nhanh. Những nhà khoa học ở Hong Kong và Macau vừa tìm ra được phương pháp cho kết quả trong 40 phút, đã được áp dụng tại một số trung tâm ứng phó dịch bệnh ở đại lục.
Công ty Veredus Laboratories tại Singapore vừa qua thông báo phát triển thành công một kit thử cơ động. Phương pháp có khả năng xét nghiệm hàng loạt chủng virus, gồm cả chủng corona mới, Sars và Mers (Hội chứng hô hấp Trung Đông), trong một xét nghiệm. Phương pháp cho kết quả sau 2 giờ, được xem là "hàng phòng ngự đầu tiên" cho các nước trước những chủng virus gây ra triệu chứng giống nhau.
Cơ quan Thực phẩm và Thuốc Mỹ (USFDA) tuần qua cũng đẩy nhanh cấp phép cho một kit xét nghiệm chẩn đoán virus corona, có thể sử dụng trong những phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn tại nước này.