Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiết bị dò bom mà an ninh Ai Cập sử dụng có thể là giả

Lực lượng an ninh ở một khách sạn ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập nơi máy bay Nga gặp nạn cất cánh sử dụng thiết bị dò bom rất giống loại bị cấm xuất khẩu ở Anh.

a
Thiết bị dò bom mà nhân viên an ninh tại khách sạn ở Sharm el-Sheikh sử dụng có thể là giả. Ảnh: CNN

Theo CNN, cơ quan điều tra nguyên nhân vụ tai nạn chuyến bay số hiệu 9268 của Nga đang nghiêng về khả năng phi cơ bị gài bom. Giả thuyết này càng trở nên có cơ sở khi phóng viên CNN phát hiện nhân viên an ninh tại một khách sạn ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, sử dụng thiết bị dò bom cầm tay không đúng tiêu chuẩn.

Một quan chức an ninh Anh nói với CNN rằng, thiết bị phát hiện chất nổ này có thể hoạt động không hiệu quả. Loại thiết bị mà an ninh Ai Cập sử dụng rất giống với máy dò bom cầm tay do một công ty Anh sản xuất và cấm xuất khẩu. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh cho biết, họ đã đề cập vấn đề này với chính quyền Ai Cập.

Dùng thiết bị tìm bóng golf để dò bom

a
Thiết bị ADE 651 được giới thiệu là máy dò bom thực chất là công cụ tìm bóng golf. Ảnh: Mirror

Thiết bị mà lực lượng an ninh Ai Cập sử dụng có vỏ bằng nhựa với một ăng-ten nhô ra ngoài rất giống với máy dò chất nổ giả ADE 651 được bán trên khắp Trung Đông. Máy dò chất nổ ADE 651 do James McCormick, 57 tuổi, người Anh tiếp thị cho các cơ quan chính phủ và công ty an ninh tư nhân trên toàn thế giới.

Thiết bị McCormick nói là máy dò chất nổ thực ra là dụng cụ dùng để tìm quả bóng golf thất lạc ở các sân golf. Năm 2013, tòa án London đã kết án James McCormick 10 năm tù về tội lừa đảo. Vấn đề đáng quan ngại là thiết bị giả mà ông ta bán vẫn tiếp tục được sử dụng trong nhiều đơn vị an ninh trên thế giới.

Thanh tra Edward Heath, cảnh sát Anh, từng nói với CNN rằng, thiết bị này hoàn toàn không có gì bên trong, nó không chứa các linh kiện điện tử có thể phát hiện ra chất nổ. Nó chỉ là công cụ để tìm bóng golf.

Phóng viên CNN đã nhìn thấy nhân viên an ninh ở Sharm el-Sheikh sử dụng thiết bị trên ở 4 điểm khác nhau tại 2 khách sạn và 2 trung tâm mua sắm. Quản lý tại khách sạn nơi phóng viên phát hiện có thiết bị giả không trả lời phỏng vấn.

Trao đổi với CNN về thiết bị dò chất nổ giả, Paul Biddiss, cố vấn an ninh tại Anh có 24 năm kinh nghiệm cho biết, thiết bị này không được thiết kế cho mục đích phát hiện chất nổ. Ông cho biết thêm, ADE 651 được sản xuất với nhiều phiên bản khác nhau nhằm đánh lừa người sử dụng. Chính phủ Thái Lan từng mua phiên bản GT-2000.

Sau khi phát hiện thiết bị giả, chính phủ Anh đã ra lệnh cấm xuất khẩu thiết bị này vào năm 2010. Nhưng hình ảnh mới nhất tại Ai Cập cho thấy, bằng cách nào đó, thiết bị giả mạo này vẫn được bán ra nước ngoài.

Việc nhân viên an ninh Ai Cập sử dụng máy dò bom giả làm dấy lên mối lo ngại về an ninh tại sân bay Sharm el-Sheikh. Chi nhánh IS ở bán đảo Sinai có thể lợi dụng kẻ hở này để gài bom trên chuyến bay 9268 xấu số.

Ngày 31/10, máy bay A321 của hãng hàng không Metrojet, Nga cất cánh từ sân bay Sharm el-Sheikh đến St. Petersburg, Nga. Máy bay gặp nạn khiến toàn bộ 224 người tử nạn. Cơ quan điều tra Ai Cập kết luận, phi cơ nổ tung trên không nhưng đến nay người ta vẫn chưa thể xác định nguyên nhân gây ra thảm kịch.

Trước đó, giới tình báo Anh và Mỹ từng cho rằng, phi cơ Nga nổ tung là do bom gài bên trong nhưng chưa có bằng chứng cụ thể.

Nhà điều tra kết luận máy bay Nga nổ trên không

Phi cơ Airbus A321 của Nga rơi xuống đất hôm 31/10 sau khi nổ tung trên không tại Ai Cập, song các nhà điều tra chưa biết nguyên nhân của vụ nổ.

Phát hiện nhiều lỗ thủng nghi do bom trên thân máy bay Nga

Ảnh cận cảnh tại hiện trường vụ tai nạn chuyến bay 7K9268 ở Ai Cập cho thấy nhiều lỗ thủng xuất hiện trên các mảnh vỡ của phi cơ.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm