Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những giả thiết về nguyên nhân tai nạn của phi cơ Nga

Một số quan chức nhận định sự cố kỹ thuật của máy bay là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch của phi cơ A321 tại Ai Cập hôm 31/10.

Phần đuôi của máy bay Airbus gặp nạn ngày 31/10. Các quan chức Ai Cập tại hiện trường cho biết, phi cơ bị phá hủy hoàn toàn. Ảnh: CNN
Phần đuôi của máy bay Airbus gặp nạn ngày 31/10. Các quan chức Ai Cập tại hiện trường cho biết, phi cơ vỡ hoàn toàn. Ảnh: CNN

Les Abend, cơ trưởng kỳ cựu từng điều khiển Boeing 777 hơn 30 năm, nhấn mạnh rằng rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn hàng không. Theo ông, chuyến bay 9268 đã đạt độ cao ổn định sau khi cất cánh 20 phút và bất ngờ biến mất khỏi bầu trời là điều bất thường.

Không như giai đoạn cất cánh hoặc hạ cánh, khoảng thời gian máy bay duy trì độ cao là lúc phi hành đoàn có đủ thời gian để đánh giá những sự cố bất thường xảy ra trên phi cơ để sửa chữa nó. 

"Do không có nhiều thông tin về những phút cuối trên máy bay nên tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng chắc chắn một sự cố rất nghiêm trọng đã xảy ra", Aben nói với CNN.

Chuyên gia Abend cho rằng, máy bay có thể rơi vào tình huống dừng đột ngột. Lúc này, tốc độ bay ở bộ phận cánh giảm xuống mức thấp khiến không khí không thể nâng máy bay. Đây là tình huống nguy hiểm khi máy bay hoạt động trong bầu khí quyển mỏng trên trời. Phục hồi độ cao và tốc độ từ tình huống này là việc rất khó. Máy bay sẽ mất độ cao khá lớn trong quá trình phục hồi.

Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là, vì sao một máy bay lại rơi vào tình trạng ngừng đột ngột? "Liệu đây là sự cố kỹ thuật, hay sự cố bất thường khác nào xảy ra khiến phi hành đoàn phân tâm và không chú ý đến điều kiện bay không an toàn, hay là sự kết hợp của cả hai hoàn cảnh?", ông Abend nghi vấn.

Đội cứu hộ Ai Cập đưa thi thể nạn nhân rời hiện trường. Ảnh: CNN
Đội cứu hộ Ai Cập đưa thi thể nạn nhân rời hiện trường hôm 31/10. Ảnh: CNN

Sự cố kỹ thuật

Giám đốc công ty sân bay Ai Cập, ông Adel Al-Mahjoob, nói với đài CNN rằng các nhà điều tra vẫn đang cố gắng làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn máy bay. Tuy nhiên, nhiều khả năng tai nạn xảy ra do sự cố kỹ thuật.

Một quan chức từ Ủy ban tai nạn hàng không Ai Cập nói thêm, phi công đã cố liên lạc với đài kiểm soát không lưu để báo cáo về trục trặc kỹ thuật. Ông cũng đề nghị nhân viên không lưu cho phép phi cơ hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất trước khi mất liên lạc với đài không lưu.

Các quan chức Ai Cập tại hiện trường mô tả máy bay đã vỡ đôi sau khi "rơi thẳng đứng". Những phân tích ban đầu đều cho thấy sự cố kỹ thuật có thể là nguyên nhân.

Tuy nhiên, hãng hàng không Kogalymavia  khẳng định máy bay "hoàn toàn bình thường" và phi hành đoàn giàu kinh nghiệm đã kiểm tra phi cơ trước khi nó cất cánh.

Hãng tin AP cũng dẫn lời một quan chức hàng không Ai Cập nói, máy bay đã trải qua khâu kiểm tra kỹ thuật đầy đủ trước khi bay.

Trang Interfax dẫn lời người phát ngôn công ty TH&C, đơn vị hợp tác với hãng hàng không Kogalymavia, nhận định sơ suất của con người không phải là nguyên nhân. "Chúng tôi có máy bay dòng an toàn, phi hành đoàn kinh nghiệm. Do vậy nguyên nhân tai nạn vẫn là ẩn số. Cơ trưởng trên chuyến bay, ông Valery Nemov, đã có hơn 12.000 giờ bay", người phát ngôn công ty nói.

Ngoài ra, trang Sky News nhận định dòng máy bay A321 có mức an toàn cao. Trang Airsafe cho biết tỷ lệ tai nạn của A321 là 0,10 trên một triệu chuyến bay.

Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail thị sát hiện trường tai nạn máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Nga. Ảnh: Sputnik
Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail thị sát hiện trường tai nạn máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Nga. Ảnh: CNN

Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công máy bay?

Phía bắc bán đảo Sinai, nơi máy bay của hãng Kogalymavia rơi, vốn là vùng mà phiến quân Hồi giáo hoành hành suốt hai năm qua. Những nhóm chiến binh thân IS cũng từng phát động nhiều cuộc tấn công đẫm máu khiến hàng trăm binh sĩ chính phủ thiệt mạng.

Sharm el-Sheikh là một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Ai Cập. Mọi sự cố xảy ra ở đây sẽ ảnh hưởng đáng kể đến ngành du lịch Ai Cập.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, phiến quân IS tuyên bố chúng đã bắn máy bay. 

IS cũng công bố một video về cảnh một máy bay trúng tên lửa khi nó đang lao xuống. Nếu thực tế diễn ra đúng như vậy, có thể IS đã có thể bắn hạ máy bay ở độ cao 31.000 feet (hơn 9,4 km).

Ông Mike Vivian, cựu lãnh đạo bộ phận điều hành bay của Cục Hàng không Dân dụng Anh (CAA) nói với Sky News rằng không thể loại trừ "những hành động thù địch" trong quá trình điều tra.

Tuy nhiên, giới chức Ai Cập và Nga đều phủ nhận giả thuyết tổ chức khủng bố bắn phi cơ. "Thông tin phiến quân bắn rơi máy bay bằng tên lửa không đúng", Bộ trưởng Giao thông Nga Maxim Sokolov nói với hãng tin RIA. Bên cạnh đó, báo Independent cho biết, các chuyên gia nhanh chóng xác định đoạn video mà IS công bố là sản phẩm giả mạo.

Máy bay Nga rơi ở Ai Cập, 224 người tử nạn

Máy bay chở 224 người của hãng hàng không Nga Kogalymavia rơi ở vùng Sinai, Ai Cập ngày 31/10, không ai sống sót. Hộp đen đã được tìm thấy.

Thông điệp cuối của những hành khách trên máy bay Nga

Phần lớn hành khách trên máy bay Nga trải qua quãng thời gian tuyệt vời ở Ai Cập trước khi tử nạn hôm 31/10.

 

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm