Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố, bên cạnh ghi nhận thêm một quý lỗ hơn trăm tỷ, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm lớn về số lượng nhân sự lao động trực tiếp tại doanh nghiệp.
Cụ thể, tính đến ngày 31/3, số lượng nhân viên của tập đoàn này ở mức 2.389 người, giảm 4.776 người so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 1.384 so với thời điểm cuối tháng 12/2022.
Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tái cơ cấu
Một công ty con của Tập đoàn Đất Xanh là Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS) đang dẫn đầu tại thị trường Việt Nam khi chiếm 33% thị phần môi giới cả nước cũng ghi nhận số lượng nhân viên giảm mạnh còn 2.095 người trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I, giảm 1.245 người so với đầu năm.
Báo cáo thường niên năm 2022 nêu trong năm nay mục tiêu đầu tiên của tập đoàn sẽ tập trung tái cấu trúc mô hình hoạt động, kiện toàn bộ máy quản trị, hệ thống phòng ban. Theo lãnh đạo công ty, chỉ khi bộ máy tinh gọn, nền tảng ổn định sẽ là tiền đề để doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp bất động sản nhà ở trên thị trường chứng khoán trong 3 tháng đầu năm. Công ty Cổ phần Vinhomes - nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam cũng ghi nhận sự sụt giảm lượng lớn số lượng nhân sự lao động trực tiếp tại doanh nghiệp trong quý đầu năm.
Theo đó, số lượng nhân viên của doanh nghiệp này còn 11.664 người tính đến cuối tháng 3, giảm 1.527 người so với đầu năm và tăng 3.146 người so với cùng kỳ năm ngoái.
NHÂN SỰ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN TIẾP TỤC BIẾN ĐỘNG | ||||||
Nguồn: BCTC DN | ||||||
Nhãn | Quý I/2022 | Quý II | Quý III | Quý IV | Quý I/2023 | |
Đất Xanh | 7165 | 7392 | 6964 | 3773 | 2389 | |
Novaland | 1799 | 1932 | 1837 | 1404 | 1362 | |
Vinhomes | 8518 | 8912 | 10890 | 13191 | 11664 | |
Nam Long | 814 | 832 | 852 | 864 | 890 | |
Phát Đạt | 346 | 385 | 420 | 355 | 244 |
Ông lớn trong ngành bất động sản khác là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland - NVL) cũng tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm nhẹ hơn 40 việc làm trong quý đầu năm, xuống còn 1.362 người. Bên cạnh đó, số lượng nhân sự của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng tiếp tục giảm trong 3 tháng đầu năm. Đến cuối tháng 3, công ty có 244 nhân sự, giảm 111 người so với quý IV/2022.
Trái ngược với làn sóng cắt giảm nhân sự kể trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản lại ghi nhận tăng trưởng về số lượng nhân viên quý vừa qua. Chẳng hạn, Công ty CP đầu tư Nam Long ghi nhận tăng 26 người nâng tổng số nhân sự của doanh nghiệp lên 890 người; Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương tín cũng tăng thêm 12 người trong quý I...
"Giai đoạn thách thức của doanh nghiệp môi giới bất động sản"
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp bất động sản trong quý I vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.
Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Đặc biệt với hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, cơ quan quản lý đánh giá trong quý đầu năm, theo khảo sát thì có thêm khoảng 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước. Đồng thời ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Trong quý I, có doanh nghiệp bất động sản giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn", Bộ Xây dựng đánh giá.
Với bối cảnh này, các chuyên gia của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng doanh nghiệp môi giới bất động sản cần tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp và uy tín.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần bám sát tình hình thị trường để có những điều chỉnh kịp thời. Tránh tình trạng cho nhân viên nghỉ nhiều đến khi thị trường "ấm" lên lại không đủ nguồn lực triển khai hoạt động kinh doanh. Đặc biệt là phải có biện pháp động viên, trấn an, hỗ trợ đội ngũ nhân sự "cứng" để đảm bảo giữ được đội ngũ nòng cốt, chuẩn bị cho thời kỳ sắp tới.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.