Nhiều loại thẻ tín dụng hiện nay có chức năng hoàn tiền tỷ lệ cao với các giao dịch thanh toán hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Phương Lâm. |
Những năm gần đây, việc sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán, mua sắm ngày càng được nhiều người lựa chọn. Đặc biệt, các ngân hàng hiện cũng phát hành nhiều dòng thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi khác nhau, đáp ứng phần lớn nhu cầu thanh toán mua sắm của khách hàng.
Với riêng hoạt động mua sắm hàng hóa tại siêu thị, hiện nhiều ngân hàng cũng phát hành các dòng thẻ tín dụng hoàn tiền với nhiều ưu đãi cho các giao dịch thanh toán này.
"Tuần nào tôi cũng đi siêu thị ít nhất 2 lần để mua sắm thực phẩm cho gia đình, nên việc sử dụng thẻ tín dụng có ưu đãi cao trong các giao dịch thanh toán này rất hợp lý. Thẻ tín dụng hiện tại tôi dùng có ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm hàng hóa tại siêu thị với mức hoàn bình quân 200.000-400.000 đồng/tháng", chị Mai Loan (29 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Không riêng chị Loan, với việc nhiều ngân hàng liên kết với các chuỗi siêu thị bán lẻ để đưa ra chương trình ưu đãi mua sắm, các giao dịch thanh toán thẻ hiện nay ngày càng phổ biến.
Hiện trên thị trường cũng có nhiều dòng thẻ tín dụng với các dịch vụ ưu đãi thanh toán cao khi mua sắm hàng hóa tại siêu thị.
HDBank hiện cung cấp dòng thẻ tín dụng HDBank Priority với ưu đãi hoàn tiền lên tới 15% (tối thiểu 100.000 đồng và tối đa 300.000 đồng/tháng) cho các dịch vụ mua sắm hàng hóa tại siêu thị. Ở các giao dịch chi tiêu khác như y tế, giáo dục, bảo hiểm, mức hoàn tiền sẽ là 0,5% (tối thiểu 100.000 đồng, tối đa 500.000 đồng/tháng).
Ngoài các ưu đãi hoàn tiền kể trên, chủ thẻ HDBank còn được ưu đãi bảo hiểm du lịch toàn cầu đến 12 tỷ đồng; giảm đến 40% chi phí đặt phòng, ăn uống hoặc dịch vụ giải trí và trả góp lãi suất 0% tại các đối tác liên kết của nhà băng này.
Tương tự, VPBank hiện cũng phát hành thẻ tín dụng VPBank Lady Mastercard với các ưu đãi chính cho giao dịch thanh toán mua sắm tại siêu thị. Theo đó, trường hợp khách hàng giao dịch từ 15 triệu đồng/kỳ sao kê trở lên, ngân hàng sẽ áp dụng ưu đãi hoàn tiền 5% (tối đa 200.000 đồng) với các chi tiêu siêu thị.
Ngoài ra, các chi tiêu bảo hiểm trực tuyến sẽ được hoàn tiền 15% (tối đa 300.000 đồng); chi tiêu giáo dục hoàn tiền 15% (tối đa 200.000 đồng); chi tiêu chăm sóc sắc đẹp/y tế hoàn tiền 10% (tối đa 300.000 đồng).
Nếu giao dịch dưới 15 triệu đồng/kỳ sao kê, các ưu đãi hoàn tiền này lần lượt là 2,5% (tối đa 100.000 đồng) với chi tiêu siêu thị; 7,5% (tối đa 150.000 đồng) với chi tiêu bảo hiểm trực tuyến; 7,5% (tối đa 100.000 đồng) với chi tiêu giáo dục; 5% (tối đa 150.000 đồng) với chi tiêu chăm sóc sắc đẹp/y tế.
HSBC hiện cũng có dòng thẻ tín dụng HSBC Visa bạch kim Cashback với nhiều ưu đãi cho nhu cầu chi tiêu hàng ngày với mức hoàn tiền đến 8% (tối đa 200.000 đồng/tháng) các giao dịch tại siêu thị và cửa hàng bách hóa. Ngoài ra, các giao dịch thanh toán chi tiêu bảo hiểm và giáo dục sẽ được hoàn tiền không giới hạn 1% và các chi tiêu khác được hoàn không giới hạn 0,5%.
Tại ACB, nhà băng này có sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế ACB Visa Platinum với tính năng tích lũy hoàn tiền. Theo đó, chủ thẻ sẽ được hoàn tiền 10% (tối đa 200.000 đồng/tháng) khi thanh toán tại siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, khách hàng còn được hoàn 0,5% mọi chi tiêu khác (tối đa 3,6 triệu đồng/năm).
Tuy mang nhiều lợi ích cho các giao dịch thanh toán, việc mở thẻ tín dụng cũng kéo theo một số loại phí đi kèm như phí thường niên; phí rút tiền mặt; phí giao dịch quốc tế hay còn gọi là phí chuyển đổi ngoại tệ; phí phạt trễ hạn...
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo khách hàng chỉ nên mở thẻ tín dụng nếu thường xuyên cần thanh toán các giao dịch mua sắm. Hầu hết thẻ tín dụng đều miễn lãi 45-55 ngày, nhưng khách hàng cũng cần tìm hiểu kỹ để tránh phát sinh nợ xấu.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.