Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế nào là thể thao khiêu dâm?

Những quy định chưa rõ ràng về "thể thao mang tính chất khiêu dâm" có thể gây nhiều rắc rối cho các VĐV chuyên nghiệp ở các môn như bơi lội, TDDC, khiêu vũ thể thao...

Bắt đầu từ ngày 1/8, Nghị định số 46/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực. Trong đó, điều 7 của nghị định gây nhiều tranh cãi với đoạn “phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam”.

Nghi dinh the thao khieu dam anh 1
Trang phục như Nguyễn Thị Ánh Viên trong môn bơi lội cần được quy định rõ sau khi có Nghị định số 46/2019/NĐ-CP. Ảnh: Minh Chiến.

Nghị định này có hiệu lực đã tạo ra những bối rối nhất định trong giới thể thao khi chưa xác định rõ thế nào là “thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy”. Nhiều VĐV, HLV cũng lo ngại môn thể thao của mình có thể vô tình vi phạm nghị định.

Để tránh hiểm lầm về nghị định, Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phú giải thích: “Trong thực tế, qua thanh tra, kiểm tra tình hình hiện nay, chúng tôi nhận thấy có một số môn thể thao đã xuất hiện ở nước ta như ‘yoga khỏa thân’ trái với thuần phong, mỹ tục, không phù hợp văn hóa Việt Nam, bài tập ‘Suối nguồn tươi trẻ’ trong thể dục dưỡng sinh hay các động tác biến tấu dance sports không phù hợp”.

Theo ông Phú, nghị định trên ra đời chủ yếu nhắm vào các đối tượng lợi dụng hoạt động thể thao để biến tướng, trục lợi chứ không nhắm tới các VĐV chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nghị định vẫn chưa thực sự chặt chẽ khi chưa quy định rõ được thế nào là thể thao mang tính chất khiêu dâm hay hành động nào, động tác nào được phép hoặc sai phạm.

Trả lời vấn đề này, ông Phú nói: “Với xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao, có những quy định chỉ mang tính răn đe là chính chứ không phải quy định để xử phạt. Còn nhiều thứ thực sự khó quy định chi tiết. Quy định về ăn mặc trang phục rất khó quy định là hở ngang người thế nào, ngắn tới đâu. Văn hóa Việt Nam không như văn hóa nước ngoài để có thể quy định thật rõ”.

Đặc thù thể thao chuyên nghiệp đòi hỏi nhiều môn sử dụng trang phục thi đấu áo tắm, đồ bơi (bơi lội, bóng chuyền bãi biển, các môn thể thao dưới nước), trang phục bó sát, sử dụng vũ đạo, tương tác với bạn diễn (TDDC, khiêu vũ, thể dục nghệ thuật). Tuy nhiên, các môn thể thao đỉnh cao này đều có những quy định nghiêm ngặt riêng về trang phục và động tác trình diễn.

Nghi dinh the thao khieu dam anh 2
Belly dance (múa bụng) và các môn thể thao biểu diễn có thể gặp rắc rối vì nghị định mới này. Ảnh: FBNV.

Chia sẻ với Zing.vn, HLV đội tuyển TDDC Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng: “Các môn Olympic nhóm 1 như TDDC luôn có quy định rất chặt chẽ về trang phục. Chúng tôi gọi hình thức ăn mặc không đúng quy định là hở hang chứ không gọi là khiêu dâm vì khiêu dâm đã bị cấm luôn từ đầu. Mọi hành vi sai đều sẽ bị trừ điểm rất nặng”.

“Theo tôi hiểu, nghị định trên chủ yếu dành cho thể thao phong trào, không chính thống, bán chuyên nghiệp hoặc không chuyên. Bản thân tôi ủng hộ nghị định để thể thao luôn nằm trong khuôn khổ, không trở nên tự do thái quá”, bà Thúy phân tích.

Ông Phúc cũng nói rõ nghị định sẽ xem xét tới yếu tố văn hóa và tính đến khả năng lập ra hội đồng thẩm định kỹ càng nếu có vi phạm. Các VĐV, HLV cũng có thể yên tâm vì nghị định mới sẽ chủ yếu nhắm vào hoạt động thể thao phong trào bị biến tướng chứ không hướng tới nhóm VĐV chuyên nghiệp.

Trong trường hợp có tranh cãi, cơ quan có trách nhiệm sẽ xem xét kỹ để không nhầm lẫn giữa hoạt động thể thao đỉnh cao và những hình thức khác. Tức là những VĐV chuyên nghiệp như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Tienna Katelyn Nguyễn (TDDC), Lê Việt Trinh (Thể dục nghệ thuật) có thể yên tâm tập luyện, thi đấu mà không cần lo lắng quá nhiều về nghị định mới.

'Ánh Viên không còn là đứa trẻ, cần thay đổi cách huấn luyện'

Lãnh đạo Hiệp hội Thể thao dưới nước (VASA) đặt vấn đề Ánh Viên đã không còn là đứa trẻ của 8 năm trước nên cũng cần có sự thay đổi phương pháp huấn luyện, tâm lý cho phù hợp.



Thanh Hà

Bạn có thể quan tâm