Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thế lưỡng nan của Thổ Nhĩ Kỳ

Sự hiện diện quân sự ở Syria cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có bàn đạp tấn công lực lượng Kurd. Nhưng Ankara cũng biết việc mình nán lại đây cũng không có lợi về dài hạn.

the luong nan cua Tho Nhi Ky anh 1

Tại ba khu vực biên giới ở Bắc Syria hiện do quân đội Ankara kiểm soát, học sinh Syria học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ làm ngoại ngữ thứ hai. Người ốm được điều trị ở bệnh viện do Thổ Nhĩ Kỳ xây và đèn sáng nhờ điện từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ là đồng tiền chính tại ba khu vực, trong khi các công ty tổ chức dùng dịch vụ bưu chính nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ, PTT, để chuyển lương cho người lao động Syria.

Ở đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đào tạo và trả lương cho hơn 50.000 chiến binh nổi dậy người Syria, đồng thời triển khai quân đội nước mình trong Syria. Ankara còn xây các căn cứ quân sự ở biên giới và dựng bức tường biên giới dài 873 km.

Sau khi xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu lăn bánh qua biên giới Syria vào 6 năm trước, chiến dịch quân sự của Ankara đã tác động tới gần như mọi mặt về an ninh và đời sống của khoảng 2 triệu người Syria tại ba khu vực trên.

Đó là sự hiện diện lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ tại một nước Arab kể từ khi Đế chế Ottoman sụp đổ vào năm 1918. Sự hiện diện ấy có thể càng rõ ràng hơn sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảnh báo ông muốn mở đợt tấn công mới để mở rộng tầm kiểm soát của Ankara tại Syria.

Một Syria bị chia năm xẻ bảy

Syria vốn đã bị chia năm xẻ bảy sau cuộc nội chiến giữa các thế lực đối địch nhau.

Với sự hậu thuẫn của Nga, Iran cùng dân quân thân Iran, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã trấn áp cuộc nổi dậy năm 2011 và lấy lại quyền kiểm soát phần lớn Syria. Tàn dư của phe nổi dậy bị đẩy về miền Bắc Syria, nơi họ cầm cự dựa vào lực lượng và viện trợ kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ.

the luong nan cua Tho Nhi Ky anh 2

Các vùng ảnh hưởng ở Syria tính tới tháng 12/2021. Nguồn: OHCHR, Clingendael. Đồ họa: Financial Times. Việt hóa: Quốc Đạt.

Ở vùng Đông Bắc, lực lượng dân quân do người Kurd dẫn dắt đang kiểm soát hơn 20% Syria với sự hỗ trợ của Washington cùng "chiếc ô bảo vệ" của khoảng 800 binh sĩ Mỹ.

Mục tiêu quân sự chủ chốt của Ankara trong khu vực chính là để làm suy yếu dân quân người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tấn công để đẩy lùi chiến binh người Kurd thuộc YPG - tổ chức bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố - khỏi đường biên giới chung với Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là cánh tay nối dài của đảng Công nhân Kurd (PKK) - lực lượng dân quân hoạt động chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng chục năm qua.

Tổng thống Erdogan còn muốn tạo lập các vùng an toàn để khuyến khích khoảng 3,7 triệu người tị nạn Syria rời Thổ Nhĩ Kỳ để trở về quê hương, trong bối cảnh sự hiện diện của người tị nạn không còn được hoan nghênh.

Chiến dịch ấy đã tiêu tốn hàng tỷ USD của Ankara, làm căng thẳng quan hệ với Mỹ, châu Âu và các cường quốc Arab, đồng thời tạo nguy cơ gia tăng đối đầu với Tổng thống Assad cùng các bên hậu thuẫn.

Dù vậy, ông Erdogan hồi tháng 6 cho biết đang dự định “một giai đoạn mới” trong mục tiêu tạo ra “vùng an toàn” sâu 30 km tính từ biên giới để đẩy lùi dân quân người Kurd ra khỏi Manbij, thành phố chiến lược nằm về phía tây sông Euphrates, và Tal Rifaat, thị trấn nhỏ nằm xa hơn về phía tây.

“Chúng ta sẽ quét sạch khủng bố ra khỏi Tal Rifaat và Manbij”, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói. “Và chúng ta sẽ từng bước làm điều tương tự với các vùng khác”.

Một đợt tấn công mới?

Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sắp mở chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd. Đồng thời, Nga, Iran và cả Mỹ đều cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không đột kích sâu hơn vào Syria vì nguy cơ làm xung đột lan rộng.

Nhưng bên trong Syria, các chỉ huy người Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã dặn dò nhà chức trách phe nổi dậy chuẩn bị triển khai chiến binh thuộc Quân đội Quốc gia Syria (SNA) - tên gọi chung cho nhiều nhóm nổi dậy chống chính quyền Assad, theo Mahmoud Alito, người đứng đầu phòng chính trị của SNA.

Ông Alito còn bổ sung rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai thêm binh sĩ và vũ khí khắp biên giới.

the luong nan cua Tho Nhi Ky anh 3

Chiến binh người Kurd thuộc YPG tại Raqqa, Syria vào tháng 7/2017. Ảnh: Reuters.

Một số người đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng làm thay đổi bản chất của Syria. Tuy nhiên, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cấp cao khẳng định Ankara không có ý định như vậy.

“Nhiều người bạn phương Tây và Arab đang hiểu nhầm điểm này”, vị quan chức nói.

Nỗi sợ lớn nhất của Ankara là việc YPG càng có nhiều thời gian củng cố quyền kiểm soát đối với lãnh thổ, khả năng tổ chức này tìm cách lập ra quê hương cho người Kurd sẽ càng lớn. Ý tưởng ấy là không thể chấp nhận đối với Thổ Nhĩ Kỳ - nước đã dành 4 thập kỷ chống lại phong trào ly khai của người Kurd.

Giới phân tích tin rằng có nhiều yếu tố khiến ông Erdogan đe dọa mở đợt tấn công mới, bao gồm niềm tin cho rằng giao tranh Ukraine làm giảm sự chú ý của Nga và phương Tây, và việc vị tổng thống muốn kêu gọi người ủng hộ trước thềm cuộc bầu cử tháng 6/2023.

Nhưng về cốt lõi, Thổ Nhĩ Kỳ “thực sự tin rằng YPG là mối đe dọa an ninh quốc gia nhưng không một ai nhìn nhận nghiêm túc mối đe dọa ấy”, Dareen Khalifa, nhà phân tích về Syria thuộc viện chính sách Crisis Group, nói.

“Liệu chúng ta có đồng ý không là một chuyện”, bà Khalifa nói. “Nhưng mọi người ở Ankara, dù là Erdogan hay là một nhà lãnh đạo khác, cũng vẫn sẽ suy nghĩ về điều ấy và có thể sẽ hành động”.

Những lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ

Sau khi được Mỹ chọn làm đối tác chiến đấu chống lại ISIS ở Đông Bắc Syria, YPG đã nổi lên trong mắt quan chức Ankara là thế lực đáng ngại, khi lực lượng dân quân người Kurd có thể giành lãnh thổ, vũ khí và cả vị thế quốc tế.

Tổng thống Erdogan lần đầu ra lệnh cho binh sĩ tràn qua biên giới vào năm 2016, trong đợt tấn công vào thành phố Jarablus của Syria. Đợt tấn công này bề ngoài là nhắm vào ISIS nhưng thực tế cũng là để ngăn chặn sự tiến quân của dân quân người Kurd.

Lần lượt năm 2018, 2019 và 2020, Ankara thực hiện các đợt tấn công tương tự.

the luong nan cua Tho Nhi Ky anh 4

Lửa cháy sau các trận bom ở quận Jarabulus, thành phố Aleppo thuộc miền Bắc Syria hồi tháng 9/2021. Ảnh: Anadolu Agency.

Murat Yesiltas, chuyên gia phân tích thuộc viện chính sách Seta có quan hệ thân cận với chính quyền Erdogan, cho rằng Ankara đang phải chật vật đối diện với một mâu thuẫn.

Một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ từng nói mong muốn nước Syria thống nhất, đặc biệt là để ngăn ngừa sự hình thành nhà nước của người Kurd. Nhưng mặt khác, Ankara cũng nhận ra rằng mình “đang làm suy yếu sự toàn vẹn lãnh thổ tiềm năng của Syria”, ông Yesiltas nói.

Lúc này, Ankara có ba lựa chọn, theo ông Yesiltas. Lựa chọn đầu tiên - cai quản trực tiếp - sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ được rộng đường giải quyết các vấn đề kinh tế và an ninh ở thực địa. Nhưng lựa chọn này trên thực tế tương đương với việc sáp nhập lãnh thổ Syria.

Lựa chọn tiếp theo là cai quản từ sau biên giới, giúp Ankara có tầm ảnh hưởng mà không phải tham gia vào bất cứ dạng chính quyền nào. Lụa chọn cuối cùng là rút lui với niềm tin rằng chính quyền địa phương thân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì trật tự.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện theo đuổi sự kết hợp của hai lựa chọn đầu tiên, ông Yesiltas nói.

the luong nan cua Tho Nhi Ky anh 5

Lính Nga và Syria đứng gác gần cửa khẩu Abu Duhur ở rìa phía đông của tỉnh Idlib hồi tháng 8/2018. Ảnh: AFP.

Ý định đánh sâu hơn vào Syria của ông Erdogan chứa đựng nhiều rủi ro. Chiến binh của chính quyền Assad do Nga hậu thuẫn và dân quân thân Iran đã được huy động quanh Manbij và Tal Rifaat. Lực lượng người Kurd cũng cảnh báo sẽ bắt tay với Damascus đánh bại các đợt tiến công.

Ngoài ra, Nga cũng chưa có dấu hiệu thay đổi tư thế tại Syria, bất chấp giao tranh ở Ukraine, theo giới chức phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ. “Với Nga, Syria là thành công lớn nên tôi không nghĩ họ sẽ mạo hiểm rút quân”, James Jeffrey, cựu Đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói.

Ông Jeffrey cũng cho rằng ít có khả năng Mỹ rút quân trong thời gian gần, đặc biệt là sau vụ rút lui xấu xí tại Afghanistan. Ông tin rằng hiện trạng phù hợp lợi ích của mọi bên nước ngoài tại Syria.

Dù thế nào đi nữa, nhiều người Syria tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn ở đây lâu dài. Họ không thấy được cái kết cho khủng hoảng của đất nước mình.

“Người Syria không còn có quyền quyết định nữa rồi. Mỹ có quyền lên tiếng, rồi còn Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ”, Abdulghani Shobak, một quan chức của phe đối lập Syria, nói.

Đằng sau tuyên bố tấn công không cần xin phép ai của Thổ Nhĩ Kỳ

Trước một cuộc tấn công tiềm tàng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, người dân tại thành phố Manbij, miền Bắc Syria, lo ngại sẽ phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn.

Tổng thống Putin bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ về Syria

Trong chuyến thăm đến Iran, Tổng thống Vladimir Putin nhận được sự đồng tình từ Tehran về vấn đề Ukraine nhưng lại vấp phải bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ về chiến sự ở Syria.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm