Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế khó để Hollywood đuổi kịp phòng vé Trung Quốc

Ảnh hưởng dịch bệnh và độ ăn khách của các phim Trung Quốc khiến phòng vé nước này tiếp tục dẫn trước Mỹ với khoảng cách xa.

Theo số liệu của hãng phân tích Gower Street đăng trên Hollywood Reporter, Trung Quốc gần như chắc chắn giữ ngôi thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới trong năm 2021. Nước này được dự đoán đạt doanh thu phòng vé 7,3 tỷ USD cuối năm, còn Mỹ là 4,7 tỷ USD. Trung Quốc sẽ chiếm 34% doanh thu phòng vé toàn cầu, trong khi Mỹ là 22%.

Các phim ăn khách The Battle at Lake Changjin (859 triệu USD), Hi, Mom (822 triệu USD) và Detective Chinatown 3 (686 triệu USD) góp phần vào thành tích ấn tượng của điện ảnh Hoa ngữ. Phim Hi, Mom (Xin chào Lý Hoán Anh) là hiện tượng mùa Tết, còn Lake Changjin (Hồ Trường Tân) tung hoành dịp Quốc khánh Trung Quốc.

Hai phim này thậm chí đang dẫn dầu phòng vé toàn cầu, xếp trên các bom tấn Mỹ như Fast 9 (721 triệu USD), No Time to Die (610 triệu USD) hay Godzilla vs. Kong (467 triệu USD). Spider-Man: No Way Home có lẽ là cơ hội cuối cùng để Hollywood giành lại vị trí phim có doanh thu cao nhất năm.

Đà tiến của phòng vé Trung Quốc

Đây là năm thứ hai liên tiếp phòng vé Mỹ mất vị trí số một toàn cầu vào tay Trung Quốc. Từ đầu thập niên 2010, Trung Quốc đã được dự đoán soán ngôi Mỹ và Covid-19 giúp đẩy nhanh quá trình này. Việc kiểm soát dịch tương đối hiệu quả đã giúp quốc gia tỷ dân hồi phục hoạt động chiếu bóng nhanh hơn.

phong ve anh 1

Ngô Kinh trong phim The Battle at Lake Changjin.

Năm 2020, Mỹ và Trung Quốc lần lượt thu 2,2 và 3 tỷ USD từ rạp phim. Năm nay, khoảng cách đó được nới rộng đáng kể khi rạp phim Mỹ vẫn chật vật, còn Trung Quốc liên tiếp “ghi điểm” với các phim nội. Ngoài ra, nhiều hãng Hollywood thử nghiệm mô hình phát hành ở cả rạp lẫn nền tảng trực tuyến nên ảnh hưởng đến kết quả phòng vé.

Điều đáng ngại hơn là các dự báo tương lai đều bất lợi cho phòng vé Mỹ. Theo nghiên cứu của Ampere Analysis đăng trên Insider, phòng vé Trung Quốc sẽ ngày càng vượt xa Mỹ. Dựa trên tình hình dịch bệnh và phân tích thị trường, Ampere Analysis cho rằng đến năm 2025, Trung Quốc sẽ đạt doanh thu phòng vé 13,7 tỷ USD, còn Mỹ chỉ là 8 tỷ USD. Số rạp ở quốc gia tỷ dân được dự đoán tiếp tục tăng, còn ở Mỹ thậm chí giảm so với trước dịch.

Phim Mỹ ngày càng hẹp cửa ở Trung Quốc

Trong thập niên 2010, Trung Quốc từng là thị trường béo bở với các phim Hollywood. Một vài bom tấn bị chê như Warcraft (2016) hay Transformers 5 (2017) được “giải cứu” phần nào nhờ doanh thu ở Trung Quốc. Công chúng cũng dần quen với việc nhiều tác phẩm Mỹ phải đưa tình tiết chiều lòng khán giả Đại lục.

phong ve anh 2

Dune đang được trình chiếu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị trường tỷ dân có vẻ không còn là bãi đáp thiên đường cho phim Mỹ. Tính đến tháng 10, mới có 19 phim Hollywood ra mắt ở Trung Quốc (so với 52 phim năm 2019). Văn hóa “tẩy chay” và nền chính trị ở Trung Quốc cũng góp phần khiến phim Mỹ hẹp cửa. Hai tác phẩm lớn của Marvel là Shang-Chi and the Legend of the Ten RingsEternals có thể sẽ không được chiếu ở nước này. Chúng đều bị đồn đoán là có những vấn đề về nội dung hay nhân sự khiến Trung Quốc chưa bật đèn xanh.

Những phim Mỹ được chiếu ở Trung Quốc cũng chưa đạt kết quả ấn tượng. Trong top 10 phim ăn khách nhất ở Trung Quốc năm 2021, chỉ hai đến từ Mỹ (Fast 9Godzilla vs. Kong). Thành tích của chúng (trên dưới 200 triệu USD) chưa bằng một phần tư phim The Battle at Lake Changjin.

Hai năm qua, khi nhiều bom tấn Hollywood dời lịch, rạp Trung Quốc lấp đầy khoảng trống bằng các tác phẩm nội. Những phim Hoa ngữ ngày càng được yêu thích và giữ vai trò lớn trong hoạt động chiếu bóng nước này. Gu của khán giả Trung Quốc dần dịch chuyển về các tác phẩm nội vốn gần gũi hơn với văn hóa của họ. Tờ Bloomberg nhận định bom tấn Hollywood sẽ khó đạt được độ thu hút ở Trung Quốc như quá khứ.

Doanh thu lớn nhưng thiếu câu chuyện toàn cầu

Ở LHP Thượng Hải năm 2016, Thành Long từng tuyên bố: “Nếu chúng tôi có thể làm ra bộ phim đạt doanh thu 1,5 tỷ USD, người làm phim khắp thế giới sẽ học tiếng Hoa thay vì tiếng Anh”. Ông không nói rõ bộ phim đó sẽ kiếm 1,5 tỷ USD chỉ từ Trung Quốc hay từ thị trường toàn thế giới.

Dù sao đi nữa, đến nay người Trung Quốc đã đi được hơn nửa đường với tác phẩm thu về hơn 800 triệu USD. Việc một bộ phim nói tiếng Hoa cán mốc tỷ USD dường như chỉ là chuyện sớm muộn.

phong ve anh 3

Spider-Man: No Way Home là bom tấn Hollywood cuối năm được đặt nhiều kỳ vọng.

Tuy nhiên, điện ảnh Mỹ vẫn còn một thế mạnh lớn so với Trung Quốc là câu chuyện mang tính toàn cầu. The Battle at Lake Changjin kể về một trận chiến giữa Trung Quốc và Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, ăn khách nhờ sự hào hùng và đánh mạnh vào tinh thần dân tộc. Khâu kỹ xảo và dàn dựng hành động của phim không đột phá so với mặt bằng chung thế giới. Tác phẩm này hầu như không hấp dẫn khán giả bên ngoài Trung Quốc.

Những bom tấn của Mỹ như No Time to Die hay Spider-Man: Homecoming rõ ràng có sức hút lớn hơn với khán giả đa quốc gia. Một số tác phẩm như Avatar hay Avengers: Endgame đã trở thành các sự kiện văn hóa toàn cầu. Đó là điều mà chưa bộ phim Trung Quốc nào làm được bởi rào cản về ngôn ngữ và nội dung.

Trước mắt, nhà làm phim Trung Quốc có lẽ chưa nghĩ đến việc chinh phục các quốc gia khác bởi thị trường của họ vốn đã quá lớn. Nhưng việc các phim Trung Quốc ngày càng đạt doanh thu cao có thể sẽ tạo ra một hiện tượng thú vị trong bảng xếp hạng phòng vé. Khi đó, top 10 phim ăn khách nhất năm sẽ là tập hợp của các bom tấn toàn cầu của Hollywood và những tác phẩm thành công nhất ở Trung Quốc nhưng ít được biết đến bên ngoài nước này.

10 phim ăn khách nhất năm 2021 (tính đến 7/11)

1) The Battle at Lake Changjin: 859 triệu USD

2) Hi, Mom: 822 triệu USD

3) Fast 9: 721 triệu USD

4) Detective Chinatown 3: 686 triệu USD

5) No Time to Die: 610 triệu USD

6) Godzilla vs. Kong: 467 triệu USD

7) Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings: 427 triệu USD

8) Venom 2: 399 triệu USD

9) Black Widow: 379 triệu USD

10) Free Guy: 331 triệu USD

‘Army of Thieves’ - câu chuyện hời hợt của những kẻ phá két

Phần tiền truyện bóng bẩy của loạt phim xác sống “Army of the Dead” kể về cuộc đời chuyên gia phá két người Đức trước khi lưu lạc đến Mỹ.

Tạo hình phản diện trong phim Hollywood gây nhàm chán

Trên màn ảnh, những gã phản diện mang khuôn mặt bị hủy hoại, giết người không gớm tay đã trở thành mô-típ kinh điển. Tuy nhiên, việc lạm dụng nó đã gây ra nhiều hậu quả tiêu cực.

Tiec cho Kaity Nguyen hinh anh

Tiếc cho Kaity Nguyễn

0

Bên cạnh năng lực diễn xuất, Kaity Nguyễn còn nổi tiếng là người kỹ lưỡng trong khâu chọn kịch bản. Song với "Công tử Bạc Liêu", nữ diễn viên không còn giữ vững được điều đó.

Phượng Hoàng

Bạn có thể quan tâm