Bà Ursula Patz, cư dân thị trấn Schwedt, không ủng hộ “chiến dịch quân sự” ở Ukraine, song bà cũng kiên quyết phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Bà cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến thị trấn của mình.
“Các biện pháp trừng phạt mà cuối cùng khiến bạn bị tổn thương nhiều hơn sẽ không có nghĩa lý gì cả. Lệnh cấm vận dầu mỏ ‘sẽ không gây hại cho Nga - họ sẽ chỉ bán dầu cho các bên khác’”, Financial Times dẫn lời bà Patz, 76 tuổi.
Theo TASS, lệnh cấm vận của phương Tây đối với dầu Nga đã khiến giá cả tăng vọt. Moscow chuyển hướng lượng lớn dầu thô sang các thị trường khác, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc.
"Viễn cảnh ác mộng"
Bà Patz đã làm việc 16 năm tại một nhà máy lọc dầu ở thị trấn Schwedt, phía đông bắc nước Đức. Thị trấn này đứng trước nguy cơ chịu ảnh hưởng tiêu cực sau khi châu Âu áp lệnh trừng phạt Nga.
Lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga được châu Âu đưa ra nhằm tước đi nguồn thu để tài trợ cho “chiến dịch quân sự” ở Ukraine. Biện pháp này nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Đức, nhưng đã khiến tương lai của nhà máy lọc dầu ở Schwedt trở nên mơ hồ.
Người dân ở đây cảm thấy quyền lợi của họ không được cân nhắc tới, theo Jens Koeppen, một nghị sĩ đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đại diện cho thị trấn.
Nhà máy lọc dầu của thị trấn phụ thuộc vào dầu của Nga. Nó nằm trên đường ống “Druzhba”, dẫn dầu thô từ Almetyevsk ở miền Trung nước Nga đến thẳng Schwedt. Bên cạnh đó, nhà máy này được thiết kế để xử lý dầu Urals của Nga.
Bà Ursula Patz cho rằng lệnh cấm vận dầu sẽ không làm tổn hại đến Nga. Ảnh: Financial Times. |
Tuy nhiên, điều phức tạp hơn cả là nhà máy này lại do công ty dầu mỏ Rosneft, thuộc sở hữu nhà nước Nga, kiểm soát tới 54% cổ phần. Rosneft là công ty lớn thứ ba trên thị trường lọc dầu của Đức, theo TASS.
Nhiều người ở Schwedt lo sợ nhà máy lọc dầu này, mang tên PCK, sẽ buộc phải đóng cửa nếu nó mất quyền tiếp cận dầu của Nga. “Đó sẽ là một viễn cảnh ác mộng”, Annekathrin Hoppe, lãnh đạo thị trấn, nói.
PCK là doanh nghiệp tạo nhiều việc làm nhất cho thị trấn Schwedt, sở hữu 1.200 lao động. Bà Hoppe cho biết nhà máy cũng tạo thêm hàng trăm công việc liên quan đến dịch vụ phụ trợ, sản xuất đường ống, bộ trao đổi nhiệt,...
“Tất cả công việc đó sẽ bị ảnh hưởng, và tất cả lao động này đều có gia đình”, bà nói.
Hơn nữa, “khoảng 80% thị trấn được cung cấp hệ thống sưởi từ nhà máy điện của PCK”. Bà cho biết vẫn chưa rõ những ngôi nhà sẽ được sưởi ấm như thế nào nếu PCK ngừng hoạt động.
Người dân Schwedt lo sợ tình trạng kinh tế bất ổn sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990 sẽ lặp lại trong khu vực này. “Họ đang phải đối mặt với cuộc phi công nghiệp hóa lần thứ hai ở miền Đông nước Đức”, ông Koeppen nói.
Thị trấn Schwedt cũng phản ánh những thăng trầm của khu vực. Thị trấn gần như bị phá hủy hoàn toàn trong Thế chiến II. Sau đó, vào những năm 1950, những người trẻ từ khắp Đông Đức đã hội tụ về Schwedt để xây dựng lại thị trấn và thành lập nhà máy lọc dầu PCK.
Schwedt đã thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Cộng hòa Dân chủ Đức. Các tờ báo địa phương từ những năm 1960 đã thể hiện sự phấn khích khi PCK được kết nối với đường ống Druzhba.
"Dầu đã đến!", một tiêu đề trên trang nhất trong ấn phẩm về PCK cho biết.
Đường ống Druzhba luôn có ý nghĩa tích cực đối với bà Patz. “Nó là tình bạn trong tiếng Nga - một từ thật đáng yêu”, bà nói.
Tầm quan trọng của PCK
Ngay sau khi hoạt động vào năm 1964, PCK đã khẳng định mình là nhà cung cấp xăng, dầu diesel và dầu nhiên liệu chính của khu vực. Những khách hàng lớn - chẳng hạn sân bay quốc tế của Berlin - vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm của họ.
Vì vậy, nhiều người dân ở Schwedt đã tức giận khi Đức ký lệnh cấm vận. Một số người thắc mắc tại sao nước này không làm theo Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia. Đây là những quốc gia đã thương lượng tạm thời miễn trừ lệnh cấm nhập khẩu, với lý do họ không có lựa chọn thay thế cho dầu Nga.
Trong khi đó, hồi đầu tháng 8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định vấn đề giới hạn giá dầu của Nga đang được thảo luận, đồng thời nói thêm rằng đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong lĩnh vực này.
Một góc của thị trấn Schwedt. Ảnh: Financial Times. |
“Mọi người không thể hiểu tại sao Đức lại tự nguyện quyết định áp lệnh cấm vận này. Mọi người đều lên án cuộc chiến này, nhưng họ cũng đang chiến đấu vì công việc của mình”, bà Hoppe nói.
Những người theo chủ nghĩa dân túy ở cánh hữu và cánh tả đã thấu hiểu sự bất mãn này. Đảng Alternative for Germany (Tạm dịch: Con đường khác cho nước Đức) đã treo các áp phích trong thị trấn với khẩu hiệu: “Nếu PCK chết, Schwedt cũng vậy”.
Fabio de Masi, một cựu thành viên của Hạ viện Đức và Nghị viện châu Âu, tin rằng các biện pháp trừng phạt gây hại nhiều hơn cho các quốc gia đã áp lệnh hơn là đối với Nga.
Chính trị gia này cảnh báo rằng giá năng lượng cao có thể dẫn đến "suy thoái kinh tế, thất nghiệp tràn lan và lạm phát” ở Đức, theo TASS.
Trong khi đó, ông Scholz khẳng định chính phủ đang nỗ lực để bảo vệ tương lai của PCK. Giới chức nước này đã hứa rằng họ sẽ tiếp tục tinh chế dầu trong hai năm tới, đồng thời sẽ bảo vệ việc làm cho người dân.
Để đạt được mục tiêu đó, họ đang khảo sát các nguồn cung thay thế dành cho nhà máy lọc dầu này, chủ yếu thông qua đường ống từ cảng Rostock ở phía đông bắc.
Tuy nhiên, nghị sĩ Koeppen nhận định điều đó sẽ không giải quyết được vấn đề. Ông cho biết đường ống này chỉ có thể vận chuyển 19.000 trong số 32.000 tấn dầu mỗi ngày mà PCK cần.
“Cảng Rostock cũng không đủ sâu để tiếp nhận các tàu chở dầu. Dầu phải được nhập khẩu vào Wilhelmshaven trên biển Bắc và chuyển sang các tàu nhỏ hơn. Và chúng tôi không có tàu”, ông nói.
Trong khi đó, bà Hoppe nhận định với sự can thiệp của họ, nhà máy lọc dầu này có thể sản xuất "hydro xanh" để tạo ra nhiên liệu tổng hợp bền vững.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này sẽ mất nhiều năm. Trong khi đó, một lệnh cấm vận dầu mỏ có thể gây ra những hậu quả ngắn hạn cho nhà máy lọc dầu này.
“Ba tháng đã trôi qua (kể từ khi lệnh cấm vận được thống nhất) và chúng tôi vẫn đang nghe những lời hứa tương tự. Thời gian không còn nhiều”, bà Hoppe cho hay.