“Sau khi điều tra thêm, Viện Thủy sản Nội địa ở Olsztyn tìm thấy vi sinh vật hiếm có, được gọi là tảo vàng, trong các mẫu nước từ sông Oder”, Guardian dẫn lời Bộ trưởng Môi trường Ba Lan Anna Moskwa cho biết.
Bà nói thêm tảo nở hoa không gây hại cho con người, nhưng có thể là nguyên nhân gây ra chất độc giết chết cá và trai.
Giới khoa học đang vật lộn tìm ra lời giải thích cho hiện tượng cá chết hàng loạt. Báo cáo ban đầu về mức thủy ngân gia tăng trong nước sông Oder đã được xác nhận là không chính xác. Mẫu nước sông Oder đã được gửi tới cả các phòng thí nghiệm ở CH Czech, Hà Lan và Anh.
Tảo vàng (Prymnesium parvum) thường được tìm thấy ở vùng nước lợ. Tuy nhiên, tảo vàng cũng có thể lan xa vào đất liền khi độ mặn trong nước ở mức cao.
“Loài tảo này cần độ nước mặn cao hơn, không phải tự nhiên xảy ra ở vùng sông Oder bị ảnh hưởng”, Jan Köhler - chuyên gia thuộc Viện Sinh thái nước ngọt và Thủy sản nội địa Berlin’s Leibniz - cho biết.
Tính từ ngày 12/8, Ba Lan đã vớt khoảng 100 tấn cá chết trên sông Oder. Ảnh: Reuters. |
Ba Lan điều tra xem liệu nồng độ chất ô nhiễm và độ mặn đặc biệt cao có liên quan gì tới biến đổi khí hậu hay không, khi nhiệt độ tại châu Âu đặc biệt cao trong những tuần gần đây.
Các nhà khoa học cho biết phân khoáng thấm vào sông từ đất canh tác liền kề cũng có khả năng gây ra hiện tượng tảo nở hoa ồ ạt.
Một giả thuyết khác cho hiện tượng này là hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp. Ba Lan đã treo thưởng 210.000 euro cho người “giúp tìm ra ai phải chịu trách nhiệm thảm họa môi trường này”.
Các thành phố của Đức đã cấm người dân tắm và câu cá ở Oder sau khi hàng nghìn con cá chết được tìm thấy. Sông Oder dài 840 km, chảy từ Cộng hòa Czech đến biển Baltic và chảy dọc theo biên giới giữa Đức và Ba Lan.
Các nhà bảo tồn lo ngại cá chết hàng loạt có thể tàn phá toàn bộ hệ sinh thái của sông Oder.
Tính từ hôm 12/8, Ba Lan đã vớt được khoảng hơn 100 tấn cá chết ở Oder. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke ước tính khu vực của nước này có khoảng 35 tấn cá chết.