Cả chính phủ Đức và Ba Lan đều cho rằng nguyên nhân vụ việc bắt nguồn từ hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, các nhà khoa học Ba Lan cho biết lần xét nghiệm mới trong phòng thí nghiệm cho thấy nồng độ muối của nước sông tăng cao, nhưng họ không tìm được chất độc hại nào, Guardian đưa tin.
Ba Lan đã treo thưởng 210.000 euro cho người “giúp tìm ra những người phải chịu trách nhiệm thảm họa môi trường này”.
Giới chức trách nước này cũng cho biết đã triển khai 200 binh sĩ tới sông Oder - con sông dài hơn 840 km chảy qua Ba Lan, Đức và Cộng hòa Czech - để dọn dẹp.
Quá trình tìm kiếm nguyên nhân chính xác vẫn chưa kết thúc, đôi khi là do Đức và Ba Lan phối hợp chưa hiệu quả.
Tuần trước, Đức tuyên bố giới khoa học nước này phát hiện hàm lượng thủy ngân cao trong các mẫu nước. Tuy nhiên, giới chức Ba Lan đã bác bỏ thông tin này.
“Viện thú ý quốc gia đã hoàn thành kiểm tra kim loại nặng có trong cá. Chúng tôi loại trừ khả năng kim loại nặng là nguyên nhân khiến cá chết”, Bộ trưởng Môi trường Ba Lan Anna Moskwa cho biết.
Nhân viên vớt xác cá trên sông Oder tại một lưu vực đánh bắt di động tại Krajnik Dolny, Ba Lan, hôm 13/8. Ảnh: Reuters. |
Sáng 15/8, bộ trưởng Môi trường Ba Lan và Đức công bố kế hoạch sử dụng rào chặn dầu nổi để ngăn việc cá chết hàng loạt lan rộng qua Đầm phá Szczecin, từ nơi sông Oder chảy vào Vịnh Pomerania của biển Baltic. Các mẫu nước lấy vào cuối tuần qua cho thấy vùng nước nửa phía tây của đầm phá vẫn chưa bị ô nhiễm.
Các nhà khoa học lo ngại cá chết hàng loạt có thể tàn phá toàn bộ hệ sinh thái của Oder. "Đây sẽ là thảm họa với chúng tôi trong nhiều năm", Karina Dörk - quản lý khu vực Uckermark của Đức - nói.
Theo Bộ Nội vụ Ba Lan, 2.000 cảnh sát, 300 lính cứu hỏa và 200 binh sĩ đã tiến hành vớt xác cá lên khỏi mặt nước trong vài ngày qua.
Ba Lan báo cáo số lượng cá chết cao bất thường gần Wrocław vào ngày 26/7, trong khi Đức nói họ không nhận được thông báo về vấn đề ở hạ nguồn cho tới tận giữa tháng 8.