Cuối tháng 6, khi số người chết vì Covid-19 tăng nhanh ở châu Phi, COVAX đã chuyển giao khẩn cấp 100.000 liều vaccine Pfizer tới Cộng hòa Chad. Nhưng sau 5 tuần, Bộ Y tế Chad cho biết tới 94.000 liều vaccine vẫn chưa được sử dụng.
Trong khi đó, ở Benin - một quốc gia ở Tây Phi, chỉ 267 người được tiêm vaccine mỗi ngày, dẫn tới nguy cơ 110.000 liều vaccine AstraZeneca hết hạn và sắp phải bỏ đi.
Tài liệu mật từ ít nhất 9 quốc gia châu Phi cho thấy hàng trăm nghìn liều vaccine Covid-19 dành cho các nước nghèo có nguy cơ hư hỏng trong mùa hè này.
Sau vô số rắc rối trong giai đoạn khan hiếm nguồn cung ban đầu, COVAX giờ đây một lần nữa đối mặt thách thức nghiêm trọng mà đến nay vẫn ít được quan tâm, đó là dù vaccine đã được chuyển tới các nước nghèo, vấn đề lớn vẫn tồn tại là làm thế nào để nó đến được tay người dân.
Có vaccine thì lại thiếu tiền, hoặc ngược lại
Chương trình COVAX là một nỗ lực quốc tế của Liên Hợp Quốc, Liên minh Vaccine GAVI, với sự hỗ trợ từ các quốc gia, tổ chức quốc tế giúp các nước nghèo có thể sớm nhận được vaccine với chi phí phải chăng, hoặc thậm chí miễn phí.
Nhưng ngay từ đầu, COVAX đã chật vật trong tìm kiếm nguồn cung vaccine. Tới nay, COVAX vẫn còn cách mục tiêu phân phối đặt ra ban đầu khoảng 500 triệu liều. Phần lớn các nước nghèo vẫn chưa được tiếp cận rộng rãi vaccine.
"COVAX chưa thất bại, nhưng họ đang thua trong cuộc chiến. Chúng ta không có lựa chọn nào khác. Vì sự sống còn của nhân lại, COVAX phải thành công", Ayoade Alakija, Phó chủ tịch chương trình phân phối vaccine của Liên minh Châu Phi, nói.
Vaccine do COVAX chuyển giao tới Mogadishu, Somalia. Ảnh: AP. |
Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu cho đi vaccine, nguồn cung vaccine mà COVAX mòn mỏi đợi chờ đã sắp đến. Washington cam kết viện trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer, lô đầu tiên sẽ lên đường vào cuối tháng 8.
Sau Mỹ, các quốc gia phương Tây khác cũng lần lượt cam kết sẽ quyên góp vaccine cho COVAX, bên cạnh khoản viện trợ bằng tiền.
Nhưng, số vaccine Mỹ viện trợ cho COVAX trị giá 3,5 tỷ USD đồng nghĩa Washington phải cắt giảm một phần viện trợ tài chính bằng tiền cho các nước nghèo, tài liệu từ cuộc họp của COVAX và các quan chức Mỹ cho thấy.
Giờ đây, khi mất đi khoản viện trợ tài chính không nhỏ, nhiều nước phải chật vật tìm cách bù đắp kinh phí mua sắm nhiên liệu, trang thiết bị để vận chuyển và lưu trữ vaccine, cũng như đào tạo nhân lực phục vụ tiêm chủng.
Ngay cả khi COVAX có thể, bằng cách nào đó, lấp đầy thiếu hụt về tiền bạc của các nước nghèo, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để COVAX có thể tránh khỏi sai lầm trong quá khứ, khi chương trình vaccine toàn cầu này quá lệ thuộc vào lòng hảo tâm của các nước giàu và các tập đoàn dược phẩm.
Một ví dụ là việc hãng dược phẩm Pfizer từ chối thỏa thuận trực tiếp với COVAX hồi đầu năm 2021, thay vào đó thông qua chính quyền Tổng thống Biden để thỏa thuận cung cấp vaccine cho COVAX. Điều này ảnh hưởng tới uy tín về khả năng tự chủ mua vaccine của COVAX.
Những vấn đề nội bộ cũng đang hạn chế hiệu quả của COVAX. Bởi các rào cản hành chính do chính giới lãnh đạo chương trình này đặt ra, khoảng 220 triệu USD vẫn chưa được giải ngân để giúp các quốc gia tổ chức tiêm chủng.
Nghịch lý của COVAX
Đến nay, khoảng 163 triệu liều vaccine đã được COVAX chuyển giao cho các nước nghèo, đa phần là miễn phí. Nhưng ở thời điểm đầu tháng 8, con số này vẫn cách rất xa mục tiêu 640 triệu liều vaccine mà COVAX đặt ra ban đầu.
Seth Berkley, Giám đốc điều hành Liên minh Vaccine GAVI, cho biết thiếu hụt nguồn cung vaccine cũng như tài chính ban đầu đã tạo ra những hạn chế không thể tránh khỏi trong hoàn thành mục tiêu mà COVAX đề ra.
Khi vấn đề trong phân phối như diễn ra tại châu Phi xuất hiện, COVAX đã tìm cách "chuyển vaccine tới những nước khác", đồng thời giúp cải thiện năng lực tiêm chủng của những nước như Chad và Benin.
Những người ủng hộ cũng như chỉ trích COVAX đều cho rằng chương trình này cần phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế. Tới đầu tháng 7, có tới 22 quốc gia nơi dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng vẫn chưa tiếp cận được vaccine của COVAX.
Vào tháng 5, COVAX khi đó tưởng như sắp đạt được một thỏa thuận mới để mua vaccine giá rẻ từ Pfizer. Trước đó, COVAX đã đặt mua 40 triệu liều vaccine từ nhà sản xuất Mỹ.
Nhưng sau hậu trường, căng thẳng bùng lên giữa Pfizer và COVAX. Công ty dược phẩm Mỹ chỉ muốn vaccine được chuyển tới các nước nghèo.
Trong khi đó, với tư cách là chương trình toàn cầu, COVAX muốn chuyển vaccine tới cả các nước giàu hơn đã mua trực tiếp vaccine từ Pfizer với giá cao, trong đó có cả Hàn Quốc.
Chính quyền Tổng thống Biden can thiệp giúp COVAX mua vaccine từ Pfizer. Ảnh: New York Times. |
Để xoa dịu bất đồng giữa hai bên, cũng như đáp ứng nhu cầu chỉ cung cấp vaccine cho nước nghèo của Pfizer, Nhà Trắng cam kết vaccine chuyển giao thông qua COVAX sẽ chỉ dành cho những nước nghèo nhất.
Mỗi liều vaccine Pfizer chính phủ Mỹ mua để cung cấp cho COVAX có giá 7 USD, tức chỉ bằng 1/3 giá bán phục vụ chương trình tiêm chủng cho người Mỹ. Ông Berkley cho biết nhờ sự can thiệp của chính phủ Mỹ, COVAX mới có thể mua được vaccine nhiều và nhanh hơn.
Thỏa thuận đạt được giữa ba bên Mỹ, COVAX và Pfizer một lần nữa chứng minh vai trò lãnh đạo của Washington trong đẩy nhanh tốc độ chuyển giao vaccine cho các nước nghèo. Nhưng đồng thời, nó cũng cho thấy COVAX đang gặp nhiều khó khăn khi tự đàm phán mua vaccine từ các nhà sản xuất, không chỉ bởi vấn đề giá cả.
CEPI, một trong các tổ chức từ thiện đứng sau COVAX, đã đầu tư lớn giúp mở rộng các cơ sở sản xuất một số loại vaccine. Nhưng quá trình sản xuất gặp vấn đề khiến nguồn cung vaccine AstraZeneca của COVAX gián đoạn trong tháng 6.
Johnson & Johnson cũng gặp vấn đề trong sản xuất, đến nay hãng dược phẩm này vẫn chưa bàn giao bất cứ liều vaccine nào cho COVAX.
Các nhà sản xuất vaccine lớn khác cũng chỉ mới chuyển giao vaccine cho COVAX trong những tuần gần đây, như Moderna và Sinopharm.
Tiền đâu để bảo quản vaccine?
Với hơn 1,7 tỷ liều vaccine dự kiến có tới tháng 12, lúc này giới chức COVAX đối mặt thách thức khác là nhiều quốc gia sẽ không kịp tiêm chủng lượng vaccine khổng lồ bất ngờ nhận được.
Trước đó, bởi nguồn cung nhỏ giọt và không có kế hoạch chuyển giao chắc chắn, nhiều nước đã chậm triển khai các công tác chuẩn bị cho tiêm chủng.
COVAX đã đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính giúp các nước triển khai tiêm chủng. Nhưng bởi COVAX không thể chuyển giao vaccine kịp thời hạn, nhiều nước đã dùng số tiền nhận được từ WB để trực tiếp mua vaccine.
Vaccine được vận chuyển theo cách rất thô sơ ở Goma, Congo. Ảnh: AFP. |
Các nhà tài trợ của COVAX đã huy động được 1,8 tỷ USD phục vụ vận chuyển vaccine, nhưng con số này vẫn ít hơn 1 tỷ USD so với nhu cầu ước tính.
Chi phí vận chuyển, lưu trữ vaccine đang tăng lên, bởi vaccine của Pfizer đòi hỏi bảo quản ở nhiệt độ lạnh sâu. COVAX cần lắp đặt 250-400 kho trữ đông và máy phát điện dự phòng phục vụ những kho như vậy.
Các quan chức châu Phi lo ngại mạng lưới điện của họ sẽ quá tải nếu triển khai những thiết bị trữ đông này. Một số nước như Chad không thể chuyển vaccine Pfizer ra bên ngoài các thành phố lớn.
Để mua thiết bị trữ đông, COVAX có kế hoạch sử dụng 220 triệu USD được chính phủ Đức cam kết viện trợ. Tuy nhiên, các rắc rối về thủ tục đang khiến khoản tiền này chưa thể được duyệt chi.
Một số nước châu Phi đã tiêm được lượng không nhỏ vaccine. Nhưng ở những nước nghèo hơn, kinh phí dành cho vận chuyển vaccine thấp hơn so với nhu cầu theo ước tính của COVAX.
Lúc này, giới chức Mỹ đang yêu cầu COVAX chuẩn bị sẵn sàng để nhận vaccine của Pfizer, vốn đòi hỏi các quy định nghiêm ngặt trong bảo quản. Nhưng COVAX vẫn đang lúng túng, trong bối cảnh các nước giàu dường như không sẵn sàng chi tiết tài trợ cho các thiết bị trữ đông.