Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mỹ - Trung so kè trong cuộc gặp ở Thiên Tân

Trong khi cuộc gặp giữa thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, Bắc Kinh khởi động chiến dịch với những thông điệp chống Washington gay gắt.

doi dau my trung anh 1

Nhiều tờ báo Trung Quốc hồi tuần qua đăng thông điệp mà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước này Tạ Phong gửi tới người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman, khi bà Sherman có chuyến thăm Thiên Tân, theo Nikkei Asia.

"Quan hệ Trung - Mỹ đang rơi vào bế tắc, đối mặt nhiều khó khăn. Đó là bởi người Mỹ tô vẽ Trung Quốc giống như một đối thủ tưởng tượng", ông Tạ nói.

Sự quyết liệt của Trung Quốc

Thông thường, những bản tin đầu tiên về quan hệ với Mỹ - mối quan hệ quan trọng nhất của Trung Quốc, sẽ được tung ra bởi các hãng thông tấn chính thức như Tân Hoa Xã hoặc Đài truyền hình trung ương.

Việc tin tức được phát đi qua các kênh truyền thông trực tuyến, vốn gần gũi hơn với đại bộ phận người dân, hiếm khi xảy ra.

Trong phát biểu của mình, Thứ trưởng Tạ Phong cáo buộc Mỹ đang tìm cách làm xấu hình ảnh Trung Quốc, nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của người dân trong nước khỏi các chia rẽ trong nội bộ về chính trị, kinh tế, xã hội.

"Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc về các vấn đề mang tính hệ thống của mình", Thứ trưởng Tạ Phong nói.

doi dau my trung anh 2

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong. Ảnh: AP.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đăng tải phần bình luận chỉ trích Mỹ của ông Tạ Phong trên website của cơ quan này, trong lúc thứ trưởng hai nước đang hội đàm.

Dù cuộc gặp giữa hai thứ trưởng Mỹ - Trung chủ yếu diễn ra trong âm thầm, thì ở hậu trường, Bắc Kinh vẫn tiến hành một cuộc chiến tinh vi, quyết liệt, có tính toán, tận dụng các kênh truyền thông trực tuyến.

Kênh tin tức trực tuyến Guancha là một công cụ như vậy. Website tin tức này gửi nội dung phát biểu của ông Tạ tới điện thoại của hàng triệu người khắp Trung Quốc.

Trước đó, Guancha cũng đăng bài phỏng vấn với một thứ trưởng khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về quan hệ Mỹ - Trung.

Trong các ấn phẩm có giọng điệu gay gắt của Bắc Kinh khi đưa tin về quan hệ Mỹ - Trung, không thể không nhắc đến Thời báo Hoàn cầu - tờ báo trực thuộc Nhân dân Nhật báo.

Mục tiêu thực sự của Trung Quốc

Những điểm mấu chốt rút ra trong cuộc gặp ở Thiên Tân cho thấy kể từ cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao cấp cao nhất hai nước ở Alaska hồi tháng 3, lập trường của Bắc Kinh không thay đổi.

Tại Alaska, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Dương Khiết Trì lời qua tiếng lại gay gắt hơn một giờ đồng hồ.

Cuộc gặp giữa ông Tạ và bà Sherman giống như một "Alaska thu nhỏ", với sự tham gia của quan chức cấp thứ trưởng. Khác biệt duy nhất là thay vì dùng ống kính truyền hình, Bắc Kinh sử dụng truyền thông trực tuyến làm công cụ.

Tại Alaska, ông Dương tuyên bố Mỹ "không có tư cách" để nói chuyện với Trung Quốc từ "vị trí của kẻ mạnh". Phát biểu này được công chúng Trung Quốc rất hưởng ứng.

doi dau my trung anh 3

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. Ảnh: Reuters.

Lần này, tại Thiên Tân, ông Tạ dùng khái niệm "đối thủ tưởng tượng".

"Bấy lâu nay, khi nhắc tới xung đột với Trung Quốc và các thách thức phải đối mặt, một số người Mỹ lại nhắc tới 'khoảnh khắc Trân Châu Cảng' và 'khoảnh khắc Sputnik'", ông Tạ nói.

Ông Tạ đề cập vụ tập kích Trân Châu Cảng trong Thế chiến 2 và sự kiện Liên Xô (cũ) phóng vệ tinh Sputnik 1 - vệ tinh nhân tạo đầu tiên của con người - khi Chiến tranh Lạnh đang ở cao trào. Đây là hai sự kiện khiến nước Mỹ, cũng như khối phương Tây, rung chuyển.

Nhắc đến Sputnik chính là ám chỉ cuộc chiến giành quyền thống trị về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, thông điệp về Trân Châu Cảng là một cảnh báo, rằng Mỹ chớ so sánh Trung Quốc hôm nay với Nhật Bản của quá khứ.

Thực tế, việc ông Dương Khiết Trì không tham dự cuộc gặp ở Thiên Tân báo hiệu sẽ không có thay đổi lớn nào về chính sách. Hơn nữa, chính sách đối ngoại của Trung Quốc được định đoạt ở cấp cao nhất.

Câu hỏi đặt ra là khi Trung Quốc gửi đi thông điệp cứng rắn đến Mỹ, khán giả thực sự là ai?

"Mục tiêu chính của Bắc Kinh có lẽ là người dân đại lục, trong bối cảnh tâm lý dân tộc chủ nghĩa tiếp tục dâng cao", Nikkei Asia bình luận.

Nhận định này thống nhất với phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi ông này tiếp đón Thứ trưởng Sherman hôm 24/7.

"Nếu Mỹ không học cách đối xử với các nước khác công bằng, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ giúp Mỹ học lấy bài học còn thiếu này", ông Vương nói.

Ba yêu cầu của Trung Quốc với Mỹ

Theo tiết lộ từ phía Mỹ, cuộc gặp Thiên Tân không đề cập tới khả năng tổ chức hội đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước G20, dự kiến diễn ra ở Rome tháng 10 tới.

Việc Trung Quốc tập trung vào tuyên truyền nội bộ cho thấy sự kiện ở Thiên Tân vốn chỉ được coi là nơi hai bên trao đổi quan điểm thắng thắn, chứ không kỳ vọng đạt được bất cứ thỏa thuận có ý nghĩa nào.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khi thảo luận về cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hai nước với Ngoại trưởng Vương Nghị, Thứ trưởng Sherman cũng đề cập tới cách thức hai bên xử lý những vướng mắc trong quan hệ song phương.

Bà Sherman cho biết Washington không có ý định gây xung đột với Trung Quốc.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với quan chức Mỹ rằng Bắc Kinh có 3 yêu cầu dành cho Washington, đây là những "điểm mấu chốt" mà Trung Quốc kiên quyết giữ vững quan điểm.

doi dau my trung anh 4

Ngoại trưởng Vương Nghị và Thứ trưởng Sherman gặp nhau tại Thiên Tân. Ảnh: Reuters.

"Đầu tiên, Mỹ không được thách thức, bôi nhọ hay tìm cách tác động đến hệ thống chính trị của Trung Quốc. Thứ hai, Mỹ không được cản trở hay làm gián đoạn con đường phát triển của Trung Quốc. Thứ ba, Mỹ không được xâm phạm chủ quyền, phá hoại toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc", ông Vương cho biết.

Yêu cầu cuối cùng về toàn vẹn lãnh thổ của Bắc Kinh bao gồm Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong và Đài Loan.

Dù các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc đã được tái khởi động, triển vong cải thiện quan hệ song phương vẫn rất mờ mịt.

80 năm trước, cuộc tấn công Trân Châu Cảng thay đổi vận mệnh Nhật Bản. Vụ tập kích diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản bị dồn vào đường cùng, khi hứng chịu bao vây cô lập từ nhóm Mỹ, Anh, Trung Quốc và Hà Lan.

Lúc này, sức ép nhắm vào Trung Quốc từ liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo rất khác so với bản chất lệnh cấm vận áp đặt lên Nhật Bản trong Thế chiến 2.

Nhưng một số quan chức Trung Quốc ngầm thừa nhận tình thế của Bắc Kinh hiện nay có điểm tương đồng với Tokyo năm xưa. Trong số này có Yuan Nansheng, cựu tổng lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco, bí thư đảng ủy Đại học Ngoại giao Trung Quốc.

Trong một bài viết đăng hồi năm ngoái, ông Yuan âm thầm chỉ trích chính sách "ngoại giao chiến lang" mà Bắc Kinh theo đuổi, và nhận định rằng "tứ bề thọ địch" đồng nghĩa nền ngoại giao thất bại.

Ông Yuan cho rằng tình thế của Trung Quốc rất hiểm nghèo nếu bị bao vây bởi kẻ thù. Nhật Bản là ví dụ. Sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, Nhật Bản trở thành kẻ thù của Mỹ, Anh, Pháp, Australia và cuối cùng là Liên Xô.

Mắt xích lớn trong ổ dịch lây nhiễm nhất ở Trung Quốc sau Vũ Hán

Các khu du lịch ở Trương Gia Giới đã bị đóng cửa sau khi thành phố này được xác nhận là mắt xích quan trọng trong chuỗi lây nhiễm Covid-19 hiện nay ở Trung Quốc.

Trung Quốc trao cho Mỹ hai danh sách

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong ngày 26/7 cho biết Bắc Kinh đã trao Washington hai danh sách gồm những đề xuất với Mỹ và các vấn đề Trung Quốc cho là quan trọng.

Tỷ phú lên vũ trụ - giấc mơ khám phá hay cuộc đua đốt tiền phù phiếm?

Các tỷ phú đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua bay vào vũ trụ, nhưng các chuyên gia bày tỏ hoài nghi về những lợi ích mà cuộc đua này mang lại cho phần còn lại của nhân loại.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm