Với người trẻ, xu hướng né tránh gọi thoại phổ biến đến mức có cả tên riêng: chứng sợ nghe điện thoại (telephonophobia). Tuy nhiên, đây cũng là nguồn cơn cho cuộc chiến không khoan nhượng giữa sếp và nhân viên trong thời đại làm việc văn phòng kết hợp tại gia (hybrid working).
Tại sao Millennials và Gen Z ít gọi thoại
Một bên là những cấp trên đã quá mệt mỏi với Google Meet, Zoom, nên cố gắng hồi sinh cuộc gọi thoại truyền thống. Với họ, một cuộc họp qua video là quá mức cần thiết, trong khi một tin nhắn lại không đủ để truyền đạt thông tin.
“Tôi yêu công nghệ nhưng vẫn cảm thấy rất áp lực khi cứ phải nhìn vào 32 ô vuông hiển thị 32 khuôn mặt trên màn hình, hay phải chuyển nhiều cửa sổ trò chuyện với nhau. Nhưng chỉ cần gọi một cuộc điện thoại, mọi thứ sẽ được giải quyết”, Bill Cox, Phó chủ tịch marketing tại Lyra Health, đồng thời là người chuyên làm việc từ xa, nói.
Song, phía bên kia cuộc chiến là những cấp dưới né tránh điện thoại. Họ thực hiện mọi cuộc trao đổi qua email nếu không yêu cầu gặp mặt trực tiếp hoặc xuất hiện trước camera. Tiếng chuông điện thoại bất ngờ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Đặc biệt là với những nhân viên dưới 40 tuổi, trưởng thành trong thời đại của tin nhắn.
Họ nói rằng gọi video ít căng thẳng hơn, vì chúng thường lên lịch trước và có sự tham gia của nhiều nhóm người. Với nhiều nhân viên, việc gọi điện mà không hẹn hay nhắn tin trước không chỉ đơn thuần gây bất tiện, mà còn là cách hành xử thiếu lịch sự.
Riley Young (26 tuổi) làm việc 4 ngày/tuần tại văn phòng ở Texas, Mỹ cho một công ty tư vấn. Cô không hề đắn đo khi ghé đến bàn làm việc của đồng nghiệp để nói chuyện, nhưng lại phải chuẩn bị tinh thần mỗi khi nhấc máy gọi điện vào ngày làm việc tại nhà. “Nếu không nhìn thấy nét mặt của họ, tôi sợ rằng mình có thể nói sai hoặc khiến họ hiểu lầm mà không hay biết”, cô nói với Wall Street Journal.
Nhiều người cảm thấy lo lắng, hoảng loạn khi nghe tiếng chuông điện thoại. Ảnh: Politika. |
Email và tin nhắn cũng tiềm ẩn rủi ro tương tự. Nhưng Young thích chúng hơn các cuộc gọi thoại truyền thống, vì cho rằng hiệu quả hơn.
Theo Wall Street Journal, thế hệ Millennials và Gen Z ít có thói quen gọi điện hơn nhóm tuổi khác, nhưng chứng sợ điện thoại không phải là tình trạng riêng của 2 thế hệ này.
Là Phó chủ tịch hãng phần mềm Virtuous, nhưng Stephen Boudreau (46 tuổi) cảm thấy gọi điện trong công việc khiến ông lo lắng như sắp phải gọi cho bố vợ tương lai để nói về dự định cầu hôn.
Cuộc gọi đương nhiên vẫn diễn ra suôn sẻ, nhưng ông luôn lo lắng sẽ làm phiền nếu cứ gọi điện không báo trước. Stephen còn “đổ mồ hôi hột” mỗi khi điện thoại của mình bất ngờ đổ chuông. Ông tránh sử dụng điện thoại tối đa trong công việc và trong cả cuộc sống cá nhân.
Chướng ngại tâm lý khi gọi điện thoại
Chuyên viên trị liệu tâm lý Chantel Cohen (58 tuổi) cũng nhận thấy tình trạng lo lắng quá độ khi gọi điện thoại đang tăng cao trong những năm gần đây.
Nhiều người bà từng tư vấn nói rằng gọi điện là phương thức liên lạc họ ít yêu thích nhất, vì không thể đọc ngôn ngữ cơ thể như gặp mặt trực tiếp, hay không thể chỉnh sửa trước khi nhấp vào nút “gửi” như tin nhắn. Cohen cho biết: “Nhiều khách hàng của tôi thực sự cảm thấy sợ hãi”.
Do đó, nhiều công ty thuê bà làm chuyên viên để giúp nhân viên vượt qua nỗi sợ hãi khi gọi thoại. “Tôi bắt đầu nhận được những câu hỏi đầy ngạc nhiên trong các buổi hội thảo, chẳng hạn như ‘Làm thế nào để kết thúc cuộc gọi điện thoại?’. Những điều trước đây vốn hiển nhiên bây giờ lại trở thành chướng ngại”, Cohen nói.
Xu hướng này được đặt tnê là chứng sợ nghe điện thoại (telephonophobia). Ảnh: Sydney Morning Herald. |
Bên cạnh những người né tránh cuộc gọi, nhiều người khác vẫn cố chứng minh rằng thói quen gọi qua điện thoại vẫn còn vị trí quan trọng.
Điều hành một công ty nhân sự nhỏ, Scott Eastin nhận thấy nhiều người thường xuyên phớt lờ những cuộc gọi thoại, dù chúng liên quan đến cơ hội việc làm.
Mọi chuyện trở nên tồi tệ đến mức trong những tháng gần đây, anh bắt đầu phải sử dụng Loom, một ứng dụng ghi âm tin nhắn video, để liên hệ với các ứng viên trên LinkedIn. Tỷ lệ phản hồi khoảng 40%, cao hơn nhiều so với tin nhắn thoại.
Giữa bối cảnh sa thải hàng loạt, Eastin cho biết thói quen luôn sẵn sàng phản hồi mọi cuộc gọi là cách để các ứng viên nổi bật khi tìm việc. “Tôi có thể làm việc cả ngày với những người trả lời điện thoại. Trên thực tế, tôi sẵn sàng chọn một ứng viên kém năng lực hơn nhưng chịu gọi điện thoại lại”, anh khẳng định.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.