Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh mới đây, Tập đoàn Thế giới Di động cho biết đã chuẩn bị 3 phương án ứng phó với dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp thừa nhận rất khó để đưa ra kịch bản chính xác về dịch bệnh và mọi ước tính lúc này khó có độ chính xác cao.
Tổng số cửa hàng điện thoại và điện máy của chuỗi đã tạm đóng cửa đến cuối tháng 3 chiếm khoảng 10% hệ thống, tương đương 10% doanh thu trong điều kiện hoạt động bình thường. Phần lớn các cửa hàng tạm đóng cửa ở Hà Nội.
Dù với phương án nào, tập đoàn bán lẻ này cam kết mục tiêu không đổi là chiếm 50% thị phần điện thoại, 45% thị phần điện máy cuối 2020 và đưa Bách Hóa Xanh trở thành thương hiệu số một với nhóm khách hàng nội trợ.
Ba kịch bản ứng phó
Với kịch bản 1, khi chưa có yêu cầu đóng cửa hàng từ cơ quan chức năng, Thế giới Di động cho biết tùy theo yêu cầu của chính quyền từng địa phương để giới hạn số khách đến cửa hàng, yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang khi mua sắm.
Công ty cũng triển khai hình thức bán hàng mới là công bố số điện thoại quản lý siêu thị để khách hàng được phục vụ bên ngoài cửa hàng hoặc giao hàng đến tận nhà, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Nhân viên Điện Máy Xanh phục vụ khách bên ngoài cửa hàng. Ảnh: MWG. |
Doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giờ công của nhân viên siêu thị Thế giới Di động và Điện Máy Xanh theo doanh thu thực tế.
Trong kịch bản tiếp theo, khi cơ quan chức năng yêu cầu đóng cửa hàng và người dân vẫn được phép di chuyển, Thế giới Di động và Điện Máy Xanh sẽ tiếp tục bán hàng thông qua tổng đài, website và hình thức gọi điện cho quản lý siêu thị.
Số lượng nhân viên tại các cửa hàng điện thoại, điện máy sẽ giảm bớt, luân chuyển tạm thời sang hệ thống Bách Hóa Xanh. Những nhân sự này có thể làm việc tại trung tâm phân phối, bán hàng tại Bách Hóa Xanh hoặc “đi chợ thay”.
Trường hợp cuối cùng, khi cơ quan chức năng yêu cầu đóng cửa hàng và người dân bị hạn chế đi lại ngoại trừ để phục vụ những nhu cầu thiết yếu, nhân viên Thế giới Di động và Điện Máy Xanh sẽ chuyển sang làm việc tại Bách Hóa Xanh hoặc nghỉ chờ việc theo chính sách công ty.
Công ty sẽ tận dụng trung tâm phân phối, cửa hàng điện thoại, điện máy làm nơi trữ hàng cho chuỗi bách hóa; tận dụng đội xe tải giao hàng lắp đặt để hỗ trợ chuyển hàng xuống siêu thị Bách Hóa Xanh.
Đi chợ thay khác gì mua online?
Theo chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài, với việc mua hàng trên website của Bách Hóa Xanh, người tiêu dùng có thể lựa chọn đầy đủ 5.000-7.000 sản phẩm. Sản phẩm được giao từ kho hàng phục vụ khách mua online.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tăng đột biến như hiện nay, có thể khách hàng phải chờ đến 2-3 ngày mới nhận được hàng do công ty chỉ có một kho hàng online tại TP.HCM và kho này cũng đã hoạt động hết công suất 24/24.
Trong một tháng nữa, Bách Hóa Xanh sẽ vận hành thêm kho hàng mới ở TP.HCM phục vụ mua sắm trực tuyến để giải quyết nút thắt này.
Khách mua hàng online trên website của Bách Hóa Xanh hiện phải chờ vài ngày để nhận hàng. Ảnh: MWG. |
Ngược lại, ứng dụng đi chợ thay sắp ra mắt sẽ gói gọn trong 50-100 sản phẩm thông dụng nhất. Khi khách hàng đặt đơn, nhân viên của Thế giới Di động sẽ nhận đơn trên điện thoại, đến siêu thị Bách Hóa Xanh gần khách hàng nhất mà mua hộ rồi giao tận nhà đến khách hàng ngay.
Giá sản phẩm trên ứng dụng đi chợ thay sẽ tương tự giá tại cửa hàng Bách Hóa Xanh. Khách hàng trả chi phí mua hộ trên mỗi đơn hàng là 30.000 đồng. “Có thể nói mô hình này giống GrabFood nhưng đặt nhu yếu phẩm”, ông Tài chia sẻ.
Trước câu hỏi có dự định hợp tác thêm với các ứng dụng như Grab, chủ tịch Thế giới Di động cho biết trước đây công ty đã từng khởi động dự án Bách Hóa Xanh kết hợp cùng Grab hay Now nhưng không khả thi. Lý do là các ứng dụng này không thể tải cùng lúc 5.000-7.000 sản phẩm.
Trong tháng 3, Grab và be đã cùng ra mắt dịch vụ đi chợ hộ. Các tài xế hai bánh của ứng dụng sẽ mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ, siêu thị theo đơn hàng của khách hàng và giao tận nơi. Dịch vụ này cũng đã được Now triển khai một thời gian dài.