Grab vừa triển khai thử nghiệm GrabMart tại TP.HCM. Tính năng này cho phép người dùng tìm kiếm, chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, nước uống đóng chai, rau củ quả từ các đối tác liên kết của ứng dụng này là hệ thống cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ, siêu thị.
Đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của các đơn vị liên kết. Tài xế nhận đơn hàng sẽ đến cửa hàng, báo số đơn, chờ nhận hàng và giao hàng thay vì ghi nhớ đơn để mua hộ, thanh toán.
Trước Việt Nam, Grab đã thử nghiệm dịch vụ trên tại Indonesia, Thái Lan, Malaysia.
Đại diện Grab cho biết dịch vụ đi siêu thị hộ được thử nghiệm nhằm hưởng ứng khuyến nghị tăng cường mua sắm trực tuyến của cơ quan chức năng, tạo thêm giải pháp nâng cao mức độ an toàn khi mua sắm trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Trải nghiệm thực tế trên ứng dụng, mới chỉ có chưa đầy 10 cửa hàng, siêu thị liên kết với dịch vụ mua sắm hộ của Grab, một con số khá khiêm tốn. Ứng dụng này cho hay sẽ bổ sung thêm nhiều đối tác bán lẻ trong thời gian tới.
Dịch vụ đi siêu thị hộ không hề mới tại Việt Nam mà đã xuất hiện nhiều năm qua với sự tham gia của một số startup như Chopp.vn, Disieuthi.vn. Một trong những ứng dụng đối thủ của Grab trong mảng giao thức ăn là Now cũng đã triển khai dịch vụ này từ lâu.
Bên cạnh đó, ứng dụng gọi xe Be cũng ra mắt dịch vụ đi chợ hộ từ đầu tháng 3 tại 9 tỉnh, thành đang hoạt động. Dịch vụ mới của Be đi theo mô hình tài xế là người mua hộ đơn hàng sau khi khách hàng nhập thông tin địa chỉ cửa hàng và sản phẩm muốn mua.
Xu hướng mua sắm trực tuyến thay vì đến trực tiếp cửa hàng lên ngôi khi người tiêu dùng hạn chế ra ngoài. Ảnh: Lan Anh. |
Trong hệ thống dịch vụ của siêu ứng dụng Gojek, công ty mẹ của GoViet, dịch vụ đi siêu thị hộ Gomart đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, GoViet chưa triển khai hoạt động này và vẫn chỉ phục vụ 3 nhu cầu gọi xe, giao đồ ăn và giao hàng.
Trong bối cảnh người tiêu dùng hạn chế việc đi lại và ra ngoài, các ứng dụng đang đẩy mạnh những dịch vụ ghi nhận nhu cầu tăng trưởng như giao nhận, giao đồ ăn. Trong khi đó, các chuỗi bán lẻ cũng tăng cường thêm nguồn lực cho kênh mua sắm trực tuyến.
Theo khảo sát mới đây do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, hơn 50% người tiêu dùng được hỏi cho biết giảm tần suất đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa để mua sắm trực tiếp. Tỷ lệ này với hoạt động mua sắm tại chợ truyền thống hơn 60%. Nhờ đó, các nền tảng thương mại điện tử hưởng lợi, tăng trưởng doanh thu đáng kể trong thời gian qua.