Theo bảng xếp hạng 10 ứng dụng thương mại điện tử có lượng người dùng nhiều nhất tại Việt Nam trong quý IV/2019 do iPrice Insights phối hợp App Annie thực hiện, có đến 5 ứng dụng không có chi nhánh tại Việt Nam.
Top 4 ứng dụng có lượng người sử dụng thường xuyên cao nhất lần lượt là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, những nền tảng thương mại điện tử quen thuộc với người tiêu dùng.
Trong khi đó, 6 vị trí còn lại xếp theo thứ tự từ trên xuống thuộc về AliExpress, Amazon, eBay, Taobao, Wish, Alibaba.com. Trong số này, 3 ứng dụng xuất phát từ Trung Quốc do tập đoàn Alibaba phát triển và 3 ứng dụng còn lại do các doanh nghiệp Mỹ vận hành.
10 ứng dụng thương mại điện tử có lượng người sử dụng thường xuyên cao nhất tại Việt Nam đến quý IV/2019. Đồ họa: iPrice. |
Ngoài Alibaba, các ứng dụng còn lại thậm chí chưa có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam. Trong khi đó, hoạt động của Alibaba hiện tại ở Việt Nam cũng hướng đến việc hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước chứ không phải kinh doanh thương mại điện tử.
Trước đó, ứng dụng của một doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam là Adayroi ổn định ở vị trí thứ 5-6 trên bảng xếp hạng. Tuy nhiên, Vingroup đã dừng hoạt động kinh doanh của Adayroi vào cuối năm 2019.
Với nhóm 10 ứng dụng có lượt tải về nhiều nhất ở Việt Nam trong quý IV/2019, 4 vị trí đầu cũng thuộc về Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. 4 ứng dụng trong nhóm được sử dụng nhiều là Wish, Taobao, AliExpress và Amazon cũng góp mặt. Trong khi đó, 2 ứng dụng còn lại trong top 10 là Shein – nền tảng chuyên kinh doanh hàng thời trang và Thế giới Di động.
Với top 10 website mua sắm trực tuyến có lượng truy cập cao nhất tại Việt Nam năm qua, danh sách ghi nhận 6 trang web của các hãng bán lẻ điện thoại, điện máy là Thế giới Di động, Điện Máy Xanh, FPT Shop, CellphoneS, Điện Máy Chợ Lớn và Hoàng Hà Mobile ngoài nhóm 4 sàn thương mại điện tử lớn.
Từ kết quả trên, iPrice đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt nền tảng ứng dụng di động.
“Ngoài Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Việt Nam chưa có nhiều ứng dụng mua sắm trên di động. Thế giới Di động có website nằm trong top 10 về truy cập nhưng lại đứng ngoài top 10 về lượng người dùng ứng dụng thường xuyên. Các ứng dụng Việt khác lượng người dùng còn ít hơn”, đại diện iPrice Việt Nam cho biết.
Lý giải về thực tế này, chuyên gia của iPrice cho rằng ngoài 4 sàn thương mại điện tử lớn, những đơn vị bán lẻ còn lại phát triển ứng dụng nhưng không mang lại sự tiện dụng về trải nghiệm cho người tiêu dùng nhiều hơn so với việc sử dụng website. Do đó, người dùng không có nhiều lý do để tải ứng dụng mua sắm về thiết bị di động.
Với hiện tượng Amazon, Taobao, Ebay không hoạt động tại Việt Nam nhưng vẫn có lượng người sử dụng ứng dụng vào hàng cao nhất, đại diện iPrice cho biết chưa thống kê chính xác phân khúc khách hàng của các ứng dụng trên.
“Theo kinh nghiệm, khách hàng của họ có thể là nhóm mua hàng từ nước ngoài, đặc biệt là đối tượng kinh doanh hàng xách tay”, chuyên gia nêu quan điểm.
Về dự báo cho thị trường năm 2020, iPrice cho rằng khả năng sinh lợi nhuận về lâu dài sẽ đóng vai trò quan trọng với các công ty thương mại điện tử.
Phân tích này được đưa ra sau khi hai sàn thương mại điện tử lớn kinh doanh nhiều ngành hàng là Adayroi và Lotte.vn cùng đóng cửa trong tháng 12/2019 với lý do tập đoàn chủ quản tái cấu trúc, thay đổi chiến lược.