Tàu hải quân Yuan Wang (Viễn Vọng) 5 của Trung Quốc được cho là không có vũ khí. Tuy nhiên, con tàu này, vốn có khả năng theo dõi vệ tinh, đã trở thành nguồn gốc gây gia tăng căng thẳng, cũng như biểu tượng của cuộc giằng co địa chính trị ngày càng leo thang giữa Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc tại Sri Lanka.
Với một nền kinh tế đã bị tàn phá, quốc đảo Sri Lanka đang mắc kẹt giữa những quốc gia có hỗ trợ lớn về mặt tài chính, theo Washington Post.
Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, con tàu cuối cùng đã cập cảng Hambantota ở phía nam của Sri Lanka hôm 16/8. Nó được phép cập cảng với điều kiện không thực hiện hoạt động khảo cứu tại biển Sri Lanka, các quan chức cảng nói sau khi tham vấn với Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc.
Thế khó của Sri Lanka
Tàu Yuan Wang 5 di chuyển từ Trung Quốc đến cảng Hambantota, phía nam Sri Lanka, sau khi giới chức nước này chấp thuận cho con tàu dừng tại đây “tiếp nhiên liệu”.
Tuy nhiên, phía Ấn Độ và Mỹ đã gây sức ép mạnh mẽ với chính phủ Sri Lanka, yêu cầu thu hồi lệnh cho phép con tàu vào cảng. Động thái này đã chọc giận Bắc Kinh.
Bị kẹt ở giữa, Bộ Ngoại giao Sri Lanka hôm 8/8 chính thức yêu cầu Trung Quốc hoãn chuyến thăm, đồng thời "muốn tái khẳng định tình hữu nghị lâu dài và mối quan hệ tuyệt vời giữa Sri Lanka và Trung Quốc".
Bên cạnh đó, truyền thông Sri Lanka đưa tin hôm 11/8 rằng con tàu đã giảm tốc độ và rẽ sang hướng khác. Tuy nhiên, sau đó nó lại đảo hướng, tiếp tục tiến về Sri Lanka.
Nhiều trang phân tích mô tả Yuan Wang 5 là một tàu nghiên cứu và khảo sát, nhưng theo truyền thông Ấn Độ, nó là một tàu do thám lưỡng dụng, tức có thể dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Tàu hải quân Yuan Wang 5. Ảnh: AFP. |
Đến hôm 11/8 - ngày Yuan Wang 5 từng dự định cập cảng - giới chức Sri Lanka vẫn gặp bế tắc trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về việc khi nào sẽ cho con tàu cập cảng, một quan chức cấp cao tại Bộ Ngoại giao Sri Lanka cho biết.
Việc một tàu hải quân Trung Quốc đến Hambantota không có ý nghĩa chiến lược, nhưng giới chức Ấn Độ và Mỹ nhận định điều đó sẽ được xem như đãi ngộ đặc biệt của Sri Lanka với Trung Quốc - một chủ nợ lớn.
Điều này diễn ra vào thời điểm Colombo cần thương lượng lại khoản nợ với một loạt bên cho vay để nhận được gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Khi nền kinh tế Sri Lanka lao dốc không phanh vào đầu năm nay, Ấn Độ đã cho hòn đảo này vay 4 tỷ USD để mua nhiên liệu khẩn cấp. Từ trước tới nay, Ấn Độ coi Nam Á là khu vực ảnh hưởng. Vì thế, New Delhi đang tìm cách đảo ngược vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây.
Tiếp đến là vấn đề liên quan đến lịch sử cảng Hambantota. Trung Quốc, nước tài trợ và xây dựng cảng Hambantota cho Sri Lanka vào năm 2012, đã nắm quyền kiểm soát cơ sở này theo hợp đồng thuê 99 năm, sau khi Sri Lanka gặp khó trong việc trả nợ.
Trung Quốc cũng gián tiếp cáo buộc Ấn Độ “can thiệp” vào công việc của họ. Họ cũng bác bỏ lời chỉ trích cho rằng các cảm biến trên tàu Yuan Wang 5 có thể được sử dụng để thăm dò Ấn Độ.
“Thật bất hợp lý khi một bên thứ ba gây áp lực lên Sri Lanka với lý do được gọi là lo ngại về an ninh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết.
Cạnh tranh tầm ảnh hưởng
Cuộc tranh luận này phản ánh nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu giữa Mỹ cùng các đối tác và Trung Quốc.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy nỗ lực nhằm hạn chế Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi sự giúp sức của các nước như Ấn Độ và Australia.
Về phần mình, Ấn Độ cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để ứng phó Trung Quốc.
Các nhà phân tích Mỹ cho rằng nếu Trung Quốc đặt các tàu quân sự ở Hambantota, quân đội nước này sẽ giành được chỗ đứng tại vị trí chiến lược, gần với các tuyến vận tải biển quan trọng và Vịnh Ba Tư.
Cảng Hambantota nằm ở phía nam Sri Lanka. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, họ cũng cho rằng việc Mỹ công khai kêu gọi không cho phép Trung Quốc tiếp cận cảng là điều gây khó xử, vì Washington đến nay luôn tán thành nguyên tắc hàng hải không hạn chế.
Khoảng thời gian trước khi tàu Yuan Wang 5 thăm Sri Lanka, truyền thông ở cả Ấn Độ và Trung Quốc đều sôi sục.
“Cho dù là viện trợ nhân đạo hay là các cuộc đàm phán về gói cứu trợ của IMF, chỉ có Ấn Độ đã tăng cường giúp đỡ Sri Lanka”, vị này nói thêm.
Trung Quốc cũng có phản ứng, đặc biệt là sau khi Sri Lanka yêu cầu hoãn chuyến thăm.
"Chỉ vì Ấn Độ đã cấp 4 tỷ USD, họ nghĩ bây giờ họ có thể làm chủ tình hình. Số tiền đó làm sao so được những gì Trung Quốc đã cung cấp cho Sri Lanka trong những năm qua?", người dẫn chương trình của một kênh nổi tiếng trên Tencent News nói.
Arun Prakash, cựu Tổng tư lệnh Hải quân Ấn Độ, cho rằng cần phải hạ nhiệt căng thẳng. Tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc không mang lại lợi ích cho quốc gia nào, kể cả Sri Lanka, ông nói.
“Chúng ta cần tôn trọng quyền tự quyết của Sri Lanka, đặc biệt là vào thời điểm khi họ đang gặp khó khăn. Đó là một quốc gia có chủ quyền, họ có thể cho phép bất kỳ con tàu nào mà họ muốn”, ông cho biết thêm.