Nhà chức trách Pháp mở hàng loạt cuộc bố ráp nhắm vào những cá nhân và tổ chức được cho là hoạt động cực đoan. Hàng chục vụ bắt giữ đã được thực hiện.
"Các chiến dịch quan trọng của cảnh sát đã được tiến hành, bắt đầu từ sáng nay, nhắm đến những cá nhân đã cực đoan hóa", Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 19/10 tuyên bố.
"Sẽ có thêm những động thái khác nhắm đến các mạng lưới và cá nhân đang tấn công các giá trị nền tảng và lý tưởng cộng hòa của chúng ta", ông cảnh báo.
Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron còn cam kết cho dừng hoạt động nhiều nhóm tài trợ và đe dọa trục xuất người nước ngoài. Số vụ bắt giữ trong ngày đến nay chưa được công bố chính thức.
Cảnh sát Pháp canh gác bên ngoài trường trung học cơ sở Bois-d’Aulne, ngoại ô Paris, nơi làm việc của Samuel Paty. Ảnh: AFP. |
Bàn tay sắt
Giới chức Pháp đang nỗ lực xoa dịu làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc sau vụ sát hại Samuel Paty - giáo viên 47 tuổi bị chặt đầu ở ngoại ô Paris ngày 16/10 vì sử dụng biếm họa tiên tri Muhammad trong buổi dạy. Hung thủ được xác định là một phần tử cực đoan gốc Chechnya, mới 18 tuổi.
Nhiều đối tượng bị bắt từ lâu đã có tên trong hồ sơ của cảnh sát, được mô tả "mang dấu hiệu" đáng báo động, như: truyền bá những bài giảng Hồi giáo cực đoan, hoặc chia sẻ các tin nhắn với nội dung thù hận trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong danh sách khám xét, vẫn có một số tổ chức Hồi giáo từng nhận được trợ cấp chính phủ nhờ đóng góp tích cực cho việc cải thiện chất lượng xã hội.
Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết khoảng 51 tổ chức tài trợ Hồi giáo sẽ bị cảnh sát điều tra trong tuần này. Một số tổ chức buộc phải giải thể theo yêu cầu từ chính Tổng thống Macron. Nổi bật trong số đó là tổ chức Hợp tác Chống Kỳ thị Hồi giáo (CCIF), bị ông Darmian gọi là "kẻ thù của nền cộng hòa".
Cựu chủ tịch CCIF Marwan Muhammad, một trong những nhà hoạt động Hồi giáo nổi tiếng nhất cả nước, khẳng định tổ chức này "không có bất kỳ liên hệ gì" đến vụ sát hại Paty.
Bộ Nội vụ Pháp cũng tuyên bố kế hoạch trục xuất 231 công dân nước ngoài bị kết luận là đối tượng cực đoan, trong đó có 180 cá nhân đang bị giam giữ. Giới chức Pháp tiết lộ những ai trong danh sách này chưa ngồi tù đều sẽ sớm bị bắt giam. Đây không phải lần đầu chính phủ Pháp trục xuất phần tử có dấu hiệu cực đoan. Tuy nhiên, một đợt trục xuất quy mô lớn rất hiếm khi xảy ra.
"Khi cuộc chiến đã được công bố, chúng ta cần một chính phủ thời chiến", Hassen Chalghoumi, Chủ tịch Hội đồng Giáo sĩ Hồi giáo Pháp, lên tiếng bảo vệ các hành động quyết liệt của chính phủ Macron.
Việc chính phủ Pháp phản ứng rầm rộ sau cái chết của Paty cho thấy đây không đơn thuần là bi kịch của một cá nhân. Vụ án mạng ở Conflans-Sainte-Honorine, cách trung tâm Paris hơn 30 km, đã khoét đúng vào vết thương cũ của người Pháp.
Cái chết của Samuel Paty khiến nước Pháp bị cuốn trở lại vòng xoáy ám ảnh về những vụ khủng bố đẫm máu năm 2015 đã cướp đi sinh mạng và làm bị thương hàng trăm người - từ xả súng ở tòa soạn báo Charlie Hebdo vì tranh biếm họa tiên tri Muhammad, đến chuỗi tấn công liên hoàn ở Paris vào tháng 11 năm đó.
Tương tự khi thảm kịch Charlie Hebdo bị xem là đòn tấn công vào quyền tự do ngôn luận, khi xuống tay sát hại thầy giáo Samuel Paty, hung thủ Abdullakh Anzorov đã đánh thẳng vào một trụ cột khác của lý tưởng cộng hòa tại Pháp: Hệ thống trường công lập tách bạch khỏi tôn giáo (thế tục).
Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Pháp, thể hiện sự phẫn nộ lẫn đau buồn trước cái chết của người thầy sử-địa trường Bois-d’Aulne.
Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin thông báo chính phủ đang có những động thái cứng rắn đối với tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Ảnh: Reuters. |
Xu hướng đáng lo ngại
Giữa làn sóng phẫn nộ, một loạt chính trị gia cánh hữu đang bắt đầu dùng đến những ngôn từ đậm chất diều hâu. Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin còn gọi các phần tử Hồi giáo cực đoan là "giặc nội xâm".
Nổi bật là lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, người nhiều khả năng sẽ là đối thủ lớn nhất của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử năm 2022. Đảng của bà Le Pen đã có lập trường bài xích Hồi giáo và người nhập cư gần 50 năm qua. Trong tư duy của phe này, có một bộ phận người Hồi giáo đông đảo, thầm lặng và thù địch đang đe dọa các giá trị của nước Pháp.
Phát biểu ngày 19/10, bà kêu gọi nước Pháp cần có "chiến lược tái chinh phạt". Bà còn đưa ra cáo buộc đầy khiêu khích rằng: "Hồi giáo là một lý tưởng hiếu chiến, với công cụ chinh phạt là chủ nghĩa khủng bố".
Trước khi xảy ra bi kịch của Samuel Paty, Tổng thống Emmanuel Macron từ đầu tháng 10 đã mở chiến dịch chống "chủ nghĩa ly khai Hồi giáo". Ông còn hứa hẹn chấm dứt tự dạy con tại nhà và đưa thêm giáo sĩ nước ngoài nhập cảnh. Giới quan sát cho rằng Tổng thống Macron đang nỗ lực chiều lòng bộ phận cử tri ngày càng "thiên hữu" của mình, đặc biệt trước sự bám đuổi của bà Le Pen.
"Tôi sợ rằng một số quyết định đang quá hấp tấp. Kiểu như: 'Chúng ta sẽ bố ráp hết những chỗ này' - nhưng lại không thật sự liên quan đến cuộc điều tra", Rachid Benzine, nhà khoa học chính trị Pháp, lo ngại các cuộc bố ráp và trục xuất mang nặng tính chính trị hơn là lý trí.
"Có vẻ các động thái đó mang nặng tính trừng phạt, giống như trả đũa. Vẫn tồn tại khả năng tòa án cuối cùng sẽ bác bỏ hết những yêu cầu này", ông lưu ý.