Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Thấy gì từ đòn tấn công của Israel và phản ứng của Iran?

Cuộc tấn công trả đũa của Israel nhằm vào Iran và phản ứng ban đầu của Tehran cho thấy cả hai bên đều muốn tránh bị rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện với đối thủ.

Một cuộc biểu tình ủng hộ Palestine tại Iran. Ảnh: New York Times.

Đòn tấn công trả đũa của Israel nhằm vào Iran sáng 26/10 cho thấy mối thâm thù giữa hai nước đã bước vào một giai đoạn mới nguy hiểm hơn. Tuy vậy, giới phân tích đánh giá ít nhất tới thời điểm này, có vẻ hai bên vẫn cố gắng kiềm chế để tránh xảy ra chiến tranh toàn diện, theo New York Times.

“Sau nhiều năm, chiến tranh trong bóng tối đã chuyển thành xung đột công khai - dù đến lúc này vẫn được kiểm soát”, bà Ellie Geranmayeh, chuyên gia về Iran tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), nhận định. “Tehran có thể chấp nhận những vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự mà không đáp trả theo cách khiến Israel có hành động khác”.

Phản ứng kiềm chế của Tel Aviv

Đây là lần đầu tiên Israel công khai thừa nhận tấn công quân sự vào lãnh thổ Iran - dù nước này bị cho đã tiến hành hàng loạt vụ ám sát và phá hoại tại Iran trong những năm qua. Đối với những vụ việc này, Israel vẫn duy trì sự “im lặng chiến lược” - không khẳng định nhưng cũng không phủ nhận.

Đây cũng là lần hiếm hoi Iran bị tấn công bằng đường không kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước - khi Iran có chiến tranh với nước láng giềng Iraq.

Bất chấp điều đó, Iran không đặt thời hạn đáp trả. Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố dù nước này “có nghĩa vụ tự vệ”, Tehran cũng nhận thức được “trách nhiệm với hòa bình và an ninh khu vực”.

Phản ứng này khác so với những tuyên bố mạnh mẽ của Tehran sau các vụ tấn công trước đó của Israel. Ví dụ, sau khi lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh thiệt mạng hồi tháng 7, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố Israel “đã dọn đường cho sự trừng phạt khốc liệt”.

Sau hàng tuần bị Mỹ gây áp lực, Israel đã không tấn công các cơ sở làm giàu hạt nhân nhạy cảm và nhà máy sản xuất dầu của Iran để đáp trả việc Tehran phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào Israel hồi đầu tháng này. Thay vào đó, họ chỉ tấn công các căn cứ quân sự như phòng không, radar và cơ sở sản xuất tên lửa.

Ngay sau vụ tấn công, cơ quan hàng không Iran sớm mở lại không phận, trong khi các hãng thông tấn Iran chiếu những hình ảnh cho thấy cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường. Theo các nhà phân tích, giới chức Iran muốn giảm tầm quan trọng của vụ tấn công của Israel và muốn người dân không quá trông chờ vào một động thái đáp trả mạnh mẽ.

“Đây là thời điểm khởi đầu một giai đoạn nguy hiểm mới với nhiều nhân tố nhạy cảm”, ông Yoel Guzansky, chuyên gia về Iran tại Viện An ninh Quốc gia Israel (INSS), nói. “Tuy nhiên những gì tôi nghe được từ Iran là ‘Ồ, điều này không là gì cả’”.

Hệ quả là, theo ông Guzansky, “hai bên có thể tạm khép lại vòng đấu này và Iran sẽ không trả đũa - hoặc sẽ ở quy mô nhỏ”.

israel khong kich iran anh 1

Một ngôi nhà tại Hod Hasharon, Israel bị phá hủy sau cuộc không kích của Iran đầu tháng 10. Ảnh: New York Times.

Chính sách kiềm chế có phải chỉ là tạm thời?

Dù vậy, giới chuyên gia vẫn lo ngại những động thái leo thang mới nhất có thể đẩy Iran và Israel lún sâu hơn vào căng thẳng có thể dẫn đến đối đầu quân sự, đặc biệt khi chiến sự tại Gaza và xung đột Israel - Hezbollah vẫn chưa chấm dứt còn Iran ngày càng cho thấy họ sẵn sàng tấn công Israel để bảo vệ đồng minh.

Trong nhiều năm qua, Israel và Iran vẫn bí mật tấn công lẫn nhau nhằm làm suy yếu đối phương nhưng hiếm khi đứng ra nhận trách nhiệm. Tuy vậy, từ sau khi Hamas tấn công Israel tháng 10/2023 và Israel tấn công Gaza để đáp trả, hai bên ngày càng đối đầu trực tiếp hơn.

Một số nhà quan sát lo ngại Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mạnh tay hơn sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầu tháng 11 tới. Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, cả sức ảnh hưởng và mức độ quan tâm của Mỹ tới Trung Đông sẽ suy giảm. Với việc nhằm vào hệ thống phòng không và radar của Iran, máy bay chiến đấu Israel sẽ dễ tấn công lãnh thổ Iran hơn trong tương lai.

“Iran và khu vực có thể thở phào vì Mỹ đến lúc này vẫn kiềm chế được ông Netanyahu”, bà Geranmayeh nói. “Tuy nhiên, vẫn có nỗi sợ rằng đây chỉ là sự kiềm chế tạm thời trước bầu cử Mỹ. Chúng ta có thể thấy Israel tiếp tục tấn công vào lãnh thổ Iran, coi đây là ‘cơ hội vàng’ để tiếp tục làm suy yếu Iran”.

Dù trước đây Thủ tướng Netanyahu được coi là người cẩn trọng và ngại mở rộng chiến tranh ra bên ngoài, ông giờ đây dường như sẵn sàng làm vậy hơn để đối phó với những lời chỉ trích trong nước - quyết định kéo dài xung đột tại Gaza và đưa quân vào Lebanon là hai minh chứng rõ nét.

Bên cạnh đó, ông Netanyahu vẫn phải đứng trước những áp lực từ cả trong và ngoài chính phủ mong muốn đáp trả Iran mạnh mẽ hơn. Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công, một số chính trị gia đã tuyên bố hành động của quân đội vẫn chưa đủ mạnh.

Cựu Thủ tướng Yair Lapid, người đang là lãnh đạo phe đối lập, cho rằng việc chỉ nhằm vào các căn cứ quân sự là sai lầm. “Chúng ta có thể và nên buộc Iran trả giá đắt hơn”, ông Lapid viết trên mạng xã hội.

Chính trị gia cánh hữu Avigdor Liberman tuyên bố cuộc tấn công sẽ không ngăn Iran triển khai chương trình hạt nhân hoặc tài trợ cho các lực lượng chống Israel tại Trung Đông. “Thay vì buộc họ phải trả giá thật sự, chính phủ Israel một lần nữa hài lòng với hành động phô trương mang tính quan hệ công chúng”, ông nói.

Ở chiều ngược lại, vẫn có những nghị sĩ đối lập ủng hộ chính phủ. Theo cựu Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Yair Golan, lãnh đạo đảng Dân chủ cánh tả, cuộc tấn công “đã tác động tới năng lực phòng thủ và tấn công của Israel mà không đưa chúng ta vào một cuộc xung đột kéo dài, điều không phù hợp với lợi ích quốc gia và lợi ích an ninh của Israel”.

Tiếng nổ như sấm rền ở thủ đô Iran giữa cuộc không kích của Israel Video ghi từ hiện trường cho thấy loạt tiếng nổ vang vọng tại thủ đô Tehran của Iran sau khi Israel tuyên bố mở chiến dịch không kích lớn vào các cơ sở quân sự của đối phương.

Vấn đề Trung Đông

Tri Thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...

Ba Michelle Obama 'xuat tran' hinh anh

Bà Michelle Obama 'xuất trận'

0

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ cho rằng một chính quyền Trump thứ hai sẽ là thảm họa đối với phụ nữ. Bà chỉ trích truyền thông và nhiều cử tri vì áp đặt tiêu chuẩn cao hơn đối với bà Harris so với ông Trump.

Hà Thủy

Bạn có thể quan tâm