Theo Korea JoongAng Daily, thiếu nhận thức về văn hóa là vấn đề nóng trong xã hội hiện nay, tuy nhiên, chủ đề này chưa được thảo luận sôi nổi tại Hàn Quốc. Và Kpop không phải ngoại lệ.
Trên thực tế, không ít công ty giải trí, thần tượng của ngành công nghiệp âm nhạc xứ kim chi từng bị chỉ trích vì có động thái liên quan đến chiếm dụng văn hóa.
Trường hợp phổ biến nhất là khi kiểu tóc, trang phục mà ca sĩ Kpop mặc chứa yếu tố giống với phong cách, trang phục truyền thống của nền văn hóa khác. Họ không nhận ra cách họ sử dụng yếu tố này có thể bị coi là xúc phạm. Cuối cùng, họ buộc lên tiếng xin lỗi sau khi bị khán giả quốc tế chỉ trích.
Chiếm dụng văn hóa là một trong số vấn đề gây tranh cãi nhất tại Kpop. |
Tranh cãi xoay quanh chiếm dụng văn hóa liên tục nổ ra
Kpop hiện tại phổ biến trên thế giới hơn bao giờ hết - với lượng album bán ra và lượt xem tại thị trường quốc tế thậm chí cao hơn so với trong nước. Tuy nhiên, loạt tranh cãi lặp đi lặp lại liên quan đến văn hóa khiến công chúng đặt ra câu hỏi liệu Kpop "đã thực sự toàn cầu hóa".
Theo định nghĩa, chiếm dụng văn hóa là sử dụng yếu tố phong tục, tập quán, văn hóa, truyền thống của dân tộc, xã hội khác một cách không phù hợp. Đây bị xem như bắt chước nền văn hóa khác mà không thể hiện sự tôn trọng, hiểu biết đầy đủ.
Lee Gyu Tag, giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc, chia sẻ với Korea JoongAng Daily: "Người Hàn Quốc thích chứng kiến Kpop và văn hóa Hàn Quốc mở rộng sang nước ngoài, nhưng họ không quan tâm tìm hiểu văn hóa nước khác".
Theo Lee, sự khác biệt này lý giải nguyên nhân hiện tượng chiếm dụng văn hóa thường xuyên xảy ra trong Kpop.
Tháng 6, nữ ca sĩ HyunA bị người hâm mộ quốc tế chỉ trích sau khi cô đăng ảnh chụp bản thân đội tóc giả kiểu afro. Trường hợp tương tự xảy ra vào năm 2021 khi nữ ca sĩ Lisa (BlackPink) tết tóc bện hộp (braid boxs) trong video vũ đạo của ca khúc Money. Ngoài ra, thần tượng Kpop liên tục vướng tranh cãi liên quan đến tóc bện thừng (dreadlocks). Mới nhất Jennie cũng bị chỉ trích về kiểu tóc, tạo hình trong bộ phim The Idol.
Đây được coi như những kiểu tóc gắn liền với lịch sử chống lại nạn phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ của người da màu. Do vậy, việc để kiểu tóc này mà không nắm rõ về lịch sử, ý nghĩa của chúng có thể gây tranh cãi lớn.
Nhà phê bình Lee cho biết khái niệm chiếm dụng văn hóa còn khá xa lạ với nghệ sĩ Kpop, công ty quản lý và người hâm mộ Hàn Quốc.
Kpop chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa người Mỹ gốc Phi, nhưng hầu như không ai tại Hàn Quốc biết hoặc thực sự quan tâm điều đó. Ngoài ra, ngược lại với Mỹ, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, Hàn Quốc là quốc gia có văn hóa, sắc tộc tương đối đồng nhất, với tỷ lệ người nhập cư không cao.
Điều này khiến người Hàn Quốc khó hiểu được ý nghĩa của văn hóa, di sản người da đen đối với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, cũng như lý do hành động bắt chước nền văn hóa khác mà không suy xét kỹ lưỡng lại gây phản cảm đến vậy.
Mỗi khi có phản ứng dữ dội liên quan tới chiếm dụng văn hóa, người Hàn Quốc thường bày tỏ sự bối rối vì họ không hiểu được đâu là điểm sai trái, trong khi người hâm mộ nước ngoài - thường là người Mỹ gốc Phi - cảm thấy bị xúc phạm.
"Tất nhiên, không phải lúc nào những chỉ trích này cũng chính xác. Vẫn có một số trường hợp chúng hơi bị cường điệu hóa", nhà phê bình Lee bổ sung.
Kiểu tóc của Hyuna và Lisa (BlackPink) bị chỉ trích là chiếm dụng văn hóa. |
Nguyên nhân của sự thiếu nhận thức về văn hóa
Theo nhà phê bình Lee, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không nằm ở chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa vị chủng (khuynh hướng coi giá trị văn hóa của mình là chuẩn mực để đánh giá nền văn hóa khác), mà chỉ đơn giản là sự thiếu quan tâm trong việc tìm hiểu quốc gia khác của người Hàn Quốc.
Hiện nay, khi thảo luận về Kpop, công chúng Hàn Quốc chủ yếu nhắc đến mức độ phổ biến của Kpop ở nước ngoài và liệu BTS có đứng đầu bảng xếp hạng Billboard không. Không ai nói về tác động của yếu tố âm nhạc nước ngoài lên Kpop.
Một số người nói rằng Hàn Quốc chỉ quan tâm đến Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Theo nhà phê bình Lee, ngay cả khi lời nhận xét này chính xác, trọng tâm chính vẫn là "họ nghĩ gì về chúng tôi?".
Người Hàn Quốc không thực sự quan tâm đến việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa Mỹ. Điều này giải thích lý do hành động chiếm dụng văn hóa người Mỹ gốc Phi thường xuyên xuất hiện tại Kpop.
Dù vậy, vẫn có nhiều nghệ sĩ Kpop tích cực học hỏi để thể hiện sự tôn trọng, hiểu biết đối với nền văn hóa khác.
Một ví dụ tiêu biểu là BTS. Không lâu sau khi ra mắt, nhóm thực hiện show thực tế BTS America Hustle Life.
Trong chương trình, BTS đến Mỹ và được rapper người Mỹ gốc Phi Coolio và Warren G đào tạo về Hip-hop. Nhóm nỗ lực tìm hiểu cội nguồn của Hip-hop và cố gắng phát triển hiểu biết sâu sắc về thể loại này.
Vào năm 2020, BTS công khai quyên góp cho phong trào Black Lives Matter (BLM) sau khi George Floyd bị sát hại. Phong trào này kêu gọi đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc nhắm vào người da màu.
Nhà phê bình Lee nhận xét: "Theo tôi, chuyện BTS quyên góp và thể hiện sự ủng hộ dành cho BLM là lựa chọn sáng suốt. Đông đảo khán giả trên thế giới cảm thấy phẫn nộ về vụ việc này, đặc biệt là thế hệ trẻ ở nước ngoài - người cũng là đối tượng khán giả chính của Kpop".
Lee cho biết người hâm mộ quốc tế có chung ý kiến rằng Kpop chịu tác động lớn từ văn hóa của người da đen. Do vậy, theo họ, sẽ không hợp lý nếu BTS - nhóm nhạc Kpop từng lấy Hip-hop làm dòng nhạc chủ đạo - nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề có ảnh hưởng quan trọng tới cộng đồng người da đen.
Người hâm mộ quốc tế kỳ vọng ca sĩ Kpop có hiểu biết, nhận thức nhất định về nền văn hóa khác. |
Kỳ vọng của khán giả với nghệ sĩ
Tuy nhiên, việc BTS công khai thể hiện quan điểm về phong trào BLM từng làm dấy lên một ít tranh luận. Đó là vì người hâm mộ Hàn Quốc không muốn thần tượng "dính líu đến vấn đề chính trị, xã hội".
Ở Hàn Quốc, Kpop là một phần của văn hóa đại chúng. Là người của công chúng, họ phải cố gắng thu hút lượng lớn khán giả và đảm bảo không làm mất lòng ai. Do vậy, việc người hâm mộ Hàn Quốc không muốn BTS đưa ra tuyên bố "một cách mạo hiểm" là điều hợp lý.
Kỳ vọng của người hâm mộ quốc tế đối với nghệ sĩ Kpop khác với kỳ vọng đến từ người hâm mộ trong nước.
Khi suy nghĩ của người hâm mộ trong nước và quốc tế xảy ra xung đột, việc nghệ sĩ Kpop đáp ứng tất cả yêu cầu trái ngược này trở nên khó khăn. Tính toàn cầu hóa của nền âm nhạc Hàn Quốc cũng khiến khán giả ngày càng kỳ vọng thần tượng Kpop hiểu biết, nhận thức rõ ràng, kỹ lưỡng về nền văn hóa khác.
Nhà phê bình Lee cho rằng trước mắt, ca sĩ, người hâm mộ, và quan trọng nhất là công ty quản lý, cần bắt đầu tự giáo dục bản thân. Chương trình giảng dạy về chiếm dụng văn hóa phải trở thành một phần trong quá trình đào tạo thần tượng.
"Nếu chúng ta ăn mừng sự phổ biến toàn cầu của Kpop, điều đó cũng có nghĩa chúng ta phải ghi nhớ rằng bất cứ điều gì ngành công nghiệp Kpop phát hành, cả thế giới sẽ thấy nó", nhà phê bình Lee nhấn mạnh.
Về lâu dài, người Hàn Quốc nói chung cần quan tâm, tìm hiểu nền văn hóa khác nhiều hơn. Nhà phê bình Lee cho rằng Hàn Quốc nên thay đổi cách họ thảo luận về Kpop. Thay vì chỉ hỏi BTS có nổi tiếng ở quốc gia khác không, công chúng cũng nên tìm hiểu yếu tố nào trong Kpop và BTS thu hút người nước ngoài trong bối cảnh văn hóa của họ.
Bên cạnh đó, nhà phê bình Lee cho rằng chương trình giáo dục và phương tiện truyền thông đại chúng Hàn Quốc nên tích hợp nhiều yếu tố liên quan đến trao đổi văn hóa hơn.
"Nếu chúng ta chỉ muốn xuất khẩu văn hóa của mình mà không muốn tiêu thụ văn hóa của họ, chắc chắn sẽ có sự bất mãn. Về lâu dài, điều này không tốt cho Kpop hay Hàn lưu", nhà phê bình Lee nhận định.