BTS là nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng nhất trong những năm gần đây. Bên cạnh lĩnh vực âm nhạc, cái tên BTS còn được công chúng nhắc đến nhờ hoạt động tích cực của nhóm trong các phong trào thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội.
Tháng 9/2021, nhóm phát biểu về cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu, phát triển môi trường bền vững tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Mới đây, vào tháng 5, nhóm được mời tới Nhà Trắng để gặp mặt Tổng thống Mỹ Joe Biden và thảo luận về nạn hành hung, phân biệt đối xử người châu Á tại Mỹ.
Tuy nhiên, hoạt động sôi nổi của BTS ở nước ngoài khiến một số khán giả Hàn Quốc đặt câu hỏi về tầm ảnh hưởng của 7 thành viên tại chính quê nhà.
"BTS thực sự nên nói về luật chống phân biệt đối xử tại Hàn Quốc", SCMP trích dẫn bình luận từ khán giả sau khi BTS có chuyến thăm đến Washington.
Khán giả cho rằng BTS nên lên tiếng về vấn đề phân biệt đối xử tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Giữ im lặng trước vấn đề xã hội
Dù có bối cảnh xã hội ngày càng đa văn hóa, luật chống phân biệt đối xử tại Hàn Quốc chưa được triển khai một cách toàn diện như ở nhiều quốc gia khác.
Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc có thể điều tra và báo cáo hành vi phân biệt đối xử, đồng thời đề xuất biện pháp kỷ luật. Tuy nhiên, chuyện người nước ngoài bị cấm ra vào một số quán bar, hộp đêm - ngay cả ở thủ đô Seoul - hay việc trường học công khai tài trợ chương trình sức khỏe tâm lý "cấm đoán học sinh là LGBT" không phải điều bất hợp pháp, hiếm gặp tại Hàn Quốc.
Một số khán giả - trong đó bao gồm cả người hâm mộ BTS - chỉ ra "sự miễn cưỡng rõ rệt" của nhóm khi bày tỏ quan điểm về một số vấn đề xã hội ở quê nhà. Đáng chú ý, đây là những vấn đề được các thành viên thảo luận tích cực tại nước ngoài.
Công chúng liệt kê điểm khác biệt giữa người nổi tiếng ở Hàn Quốc và các nước phương Tây. Theo SCMP, trong khi ngôi sao xứ kim chi thường xuyên quảng bá cho chương trình mang ý nghĩa nhân văn như Unicef và Save The Children, họ hiếm khi đặt câu hỏi chất vấn chính trị gia hay bình luận về vấn đề xã hội trên Internet.
SCMP cho biết một số nhà phê bình tỏ ra tức giận trước "sự im hơi lặng tiếng" của những ngôi sao vốn có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích và người hâm mộ cho rằng công chúng cần hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp Kpop và chuẩn mực xã hội tại Hàn Quốc.
Nỗi sợ hãi về quyền tự do ngôn luận
Michael Hurt, giảng viên lý thuyết văn hóa tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Seoul, chỉ ra rằng hệ thống quản lý thần tượng Kpop giám sát gắt gao hình tượng, hành động ngôi sao thể hiện trước công chúng. Đó là lý do hầu hết thần tượng bị cấm hẹn hò hoặc "không có quyền kiểm soát cuộc sống riêng".
Hurt nhận xét việc BTS lên tiếng về nạn phân biệt đối xử chống lại người châu Á tại Mỹ là "hoàn toàn hợp lý". Thực tế, đây không phải vấn đề thu hút nhiều ý kiến trái chiều, với phần đông công chúng đồng tình rằng tình trạng bạo lực, phân biệt nhắm vào người châu Á cần chấm dứt.
"Nếu vấn đề nhận được sự đồng tình rộng rãi trên toàn cầu, đây có thể là chiêu PR tuyệt vời. Thế nhưng, lựa chọn đứng về một phía trong vấn đề gây tranh cãi, có nhiều luồng ý kiến đối lập sẽ trở thành bước đi đầy mạo hiểm", Hurt nhận xét.
Năm 2016, nữ ca sĩ Tzuyu (TWICE) đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội. Cô bị nhiều khán giả Trung Quốc chỉ trích.
Kwon Joon Won, giáo sư quản trị giải trí tại Học viện Truyền thông và Nghệ thuật Dong Ah, khẳng định thần tượng Kpop nên "xác định tinh thần" rằng họ sẽ đánh mất "một nửa" người hâm mộ nếu họ đưa ra tuyên bố lớn về vấn đề chính trị, xã hội.
"Chúng tôi là một đất nước nhỏ. Các tập đoàn trong nước từng nhiều lần lo sợ bị ảnh hưởng nếu họ chống lại chính sách, quan điểm của chính quyền cầm quyền", Kwon bày tỏ.
Kwon cho biết nỗi sợ này có từ những năm 1970, 1980, khi Hàn Quốc còn theo chế độ độc tài quân sự. "Văn hóa và nỗi sợ hãi này vẫn phần nào tồn tại một cách vô thức trong xã hội ngày nay", Kwon nói.
Năm 2017, Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc chính thức xin lỗi về việc đưa gần 10.000 nghệ sĩ lên tiếng chỉ trích chính quyền của cựu Tổng thống Park Geun Hye vào danh sách đen. Danh sách nêu tên hàng nghìn diễn viên, biên kịch và đạo diễn nổi tiếng như Park Chan Wook, Song Kang Ho, Kim Hye Soo, Lee Chang Dong...
Gần 10.000 người nổi tiếng Hàn Quốc từng bị đưa vào danh sách đen. Ảnh: Naver. |
Theo Kwon, trong những năm gần đây, công dân Hàn Quốc bắt đầu có nhiều quyền tự do ngôn luận hơn. Dù vậy, sự thay đổi này đa phần chỉ được nhìn thấy ở những người "có độ nổi tiếng thấp hơn".
Nỗ lực của BTS
Chia sẻ với SCMP, Ray Johnson (bút danh) - thành viên người Anh của cộng đồng LGBT tại Hàn Quốc - bày tỏ rằng bà "hoàn toàn hiểu" tại sao mọi người mong đợi BTS lên tiếng về dự luật chống phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, Johnson cho biết Hàn Quốc nhìn chung "vẫn là nơi có khuynh hướng bảo thủ", với các chuẩn mực xã hội được xác định rất rõ ràng.
"Lên tiếng chỉ trích hiện trạng xã hội là nỗ lực mang tính mạo hiểm lớn. Chỉ cần nhìn vào các sự kiện gây tranh cãi như lễ diễu hành Tự hào Seoul là mọi người hiểu", Johnson chia sẻ.
Johnson cho rằng BTS thực sự "quá thẳng thắn" khi so với toàn bộ ngành công nghiệp Kpop.
"Họ đề cập đến vấn đề sức khỏe tinh thần, sự phân chia giai cấp, khó khăn kinh tế của lớp người trẻ tuổi và cách tình yêu vượt qua ranh giới", một người hâm mộ BTS ở độ tuổi 30 chia sẻ với SCMP.
BTS từng công khai thảo luận về mối quan hệ đồng giới trong các cuộc phỏng vấn hoặc thông qua sản phẩm âm nhạc, điển hình như ca khúc Same Love. Đây là chủ đề hiếm khi được thể hiện, bàn luận trên phương tiện truyền thông Hàn Quốc.
Johnson cho rằng người hâm mộ BTS có lý do để hy vọng, vì BTS đã "làm việc đều đặn để mang lại thay đổi tích cực, đồng thời mạnh dạn đề cập đến chủ đề thường gắn liền với định kiến".
"Tôi tin họ sẽ tiếp tục làm vậy - từng bước trưởng thành cùng sự thay đổi tích cực trong xã hội Hàn Quốc", Johnson bày tỏ.
BTS nhiều lần thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề xã hội. Ảnh: AFP, @JoeBiden. |