Cuốn Hello, habits - Một chỉ dẫn sống tốt hơn của tác giả người Nhật Sasaki Fumio (tác giả của cuốn sách bán chạy Lối sống tối giản của người Nhật) giúp chúng ta hình thành những thói quen tích cực, hướng đến cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc.
Cuốn sách vừa ra mắt độc giả, trở nên phù hợp hơn trong mùa dịch bệnh, khi con người đang bị chùn chân, bó gối. Bởi vậy, con người cần một chỉ dẫn cho những thói quen của mình.
Cuốn sách Hello, habits - Một chỉ dẫn sống tốt hơn của tác giả Fumio Sasaki. Ảnh: T.H. |
Dựa trên các lý thuyết về tâm lý học và thí nghiệm khoa học hàng đầu về việc hình thành thói quen, tác giả Fumio Sasaki làm sáng tỏ những nhận thức sai lầm của con người trong cuộc sống. Từ đó, ông chỉ ra các nguyên tắc tạo dựng thói quen tốt.
Cuốn sách được chia làm 4 chương, giúp thay đổi hoàn toàn cách nhìn của độc giả về những thói quen, hành động mỗi ngày ở các góc độ tiêu cực và tích cực.
Ở phần đầu, tác giả bàn về sức mạnh ý chí. Mọi người đều muốn xây dựng những thói quen liên quan giấc ngủ, dọn dẹp, ăn uống, tập luyện, học hành hay công việc. Tuy nhiên, khi bắt đầu tạo thói quen nào đó, con người rất dễ rơi vào trạng thái “cả thèm chóng chán” và đổ lỗi cho ý chí kém cỏi của mình.
Chẳng hạn, nếu dậy sớm, chúng ta có thêm thời gian để ăn sáng đầy đủ, chuẩn bị mọi thứ, cũng có thể lên được một chuyến tàu điện vắng người. Tuy vậy, thực tế con người khó thắng nổi ham muốn “ngủ thêm 5 phút nữa”.
Tiếp đến, Fumio Sasaki chia quá trình tạo dựng thói quen thành 50 bước và tập trung xem xét, phân tích theo hai hướng: Khi ta từ bỏ thứ gì đó và khi ta bắt đầu thứ gì đó. Theo anh, thói quen không chỉ giúp chúng ta hoàn thành mục tiêu mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc khác.
Theo tác giả Fumio Sasaki, ngủ nướng là một trong những thói quen xấu cần thay đổi. Ảnh: Bicycling. |
Có thể trên đường đi làm, nếu thấy ai đó đánh rơi đồ, chúng ta có thể nhặt lên giúp họ. Đây không phải là hành động cần sự cân nhắc, mà đó là thói quen giúp đỡ mọi người.
Khi xây dựng được những thói quen tích cực, con người không chỉ mang đến cho mình cuộc sống hạnh phúc, mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn và tốt đẹp đến cộng đồng xung quanh.
Thông điệp này càng có ý nghĩa hơn trong mùa dịch. Những ATM gạo, siêu thị 0 đồng hay bữa cơm từ thiện đều đang được lan tỏa từ cá nhân đến toàn xã hội.
Bằng những lập luận chặt chẽ, dẫn dắt nhiều nghiên cứu khoa học thực tế của người Nhật, cuốn sách đem đến cho độc giả góc nhìn chi tiết và sâu sắc về sức mạnh của thói quen, cũng như mối liên kết giữa thói quen và hành vi. Mọi điều lớn lao đều bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt, đó là thay đổi thói quen.
Với những thói quen mới, tích cực mà cuốn sách chỉ dẫn, cùng sự nỗ lực ở bản thân, mùa dịch này, độc giả có thể trở thành những thuyền trưởng, dẫn dắt cuộc sống của chính mình và lan tỏa những điều tử tế đến người xung quanh.